Với 1 người, 1 súng và 11 viên đạn mà bắn rơi 1 tiêm kích F-100 thì không phải là nhiều. Oái oăm ở chỗ, cũng vì bắn rơi máy bay mà anh lính xe tăng suýt bị kỷ luật.
Đó là chuyện xảy ra đối với pháo thủ Đỗ Văn Hường, chiến sĩ Trung đội 3, Đại đội 1, Tiểu đoàn 177, Trung đoàn xe tăng 202.
Trong cuộc chiến đấu chống lại chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc của Mỹ và chư hầu, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi hơn 4.000 máy bay bằng nhiều thứ vũ khí khác nhau.
Song với 1 người, 1 súng và 11 viên đạn mà bắn rơi 1 chiếc tiêm kích F-100 – “Thanh bảo kiếm” như Đỗ Văn Hường thì không phải là nhiều. Oái oăm ở chỗ, cũng vì bắn rơi máy bay mà anh phải làm kiểm điểm, suýt bị kỷ luật.
177 là đơn vị nào?
Năm 1966 – cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đang ở vào giai đoạn hết sức gay go quyết liệt. Lúc này, Mỹ đã đưa quân số binh lính Mỹ trực tiếp tham chiến ở miền Nam lên đến con số 30 vạn, đồng thời tăng cường không quân đánh phá miền Bắc.
Hòa cùng với các động thái của quan thày, chính quyền Sài Gòn cũng hung hăng kêu gào “Bắc tiến”, “tràn ngập lãnh thổ” v.v…
Trước tình hình đó, ngày 17 tháng 7 năm 1966 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời kêu gọi gửi tới đồng bào chiến sĩ cả nước, trong đó có đoạn:
“Chiến tranh có thể kéo dài 5 nǎm, 10 nǎm, 20 nǎm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”.
Đáp lời kêu gọi của Bác, nhiều thanh niên viết đơn bằng máu xin gia nhập quân đội, khí thế thi đua giết giặc lập công hừng hực khắp hai miền.
Để đề phòng quân địch liều lĩnh thực hiện âm mưu “Bắc tiến”, Bộ Tổng tham mưu quyết định điều động một đơn vị xe tăng vào ém quân tại phía bắc khu phi quân sự để sẵn sàng đánh địch liều lĩnh vượt sông Bến Hải ra miền Bắc, còn khi có thời cơ sẽ nhanh chóng đột nhập chiến trường miền Nam chiến đấu.
Đồng thời cũng thí điểm tổ chức hành quân đường dài và trú quân bí mật… để rút kinh nghiệm cho nhiệm vụ đưa xe tăng vào chiến trường sau này.
Do điều kiện đường sá cơ động rất khó khăn, các cầu lớn qua sông hầu hết đã bị đánh sập… nên binh chủng Tăng Thiết giáp xin được thành lập mới 1 tiểu đoàn trang bị xe tăng bơi PT-76 với phiên hiệu 177- kỷ niệm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi- để đi làm nhiệm vụ này.
Đề nghị đó đã được Bộ đồng ý và Tiểu đoàn xe tăng 177 được thành lập do đồng chí Lê Ngọ làm tiểu đoàn trưởng, đồng chí Bùi Văn Tùng làm chính trị viên.
Ngày 22.8.1968, tiểu đoàn xuất phát bắt đầu cuộc hành quân vào tuyến lửa. Sau 10 ngày đêm hành quân liên tục, đơn vị đã vượt qua chặng đường hơn 700 ki lô mét dưới sự truy cản quyết liệt của không quân Mỹ để có mặt tại vị trí quy định ở bắc Vĩnh Linh, đảm bảo an toàn 100% người và các loại trang bị kỹ thuật.
“Em trót bắn mất rồi”
Với nhiệm vụ đặc biệt như trên, vấn đề đầu tiên được đặt ra với Ban chỉ huy Tiểu đoàn XT177 là phải tuyệt đối giữ bí mật vị trí trú quân và tất cả mọi hoạt động của đơn vị để bảo toàn lực lượng. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc vì nếu để lộ ra chắc chắn không quân địch sẽ tập trung lực lượng oanh tạc ngày đêm ngay.
Vì vậy, để giữ bí mật và cũng để đảm bảo an toàn cho người và xe, đơn vị đã cho đào hầm xe rồi lợp tranh lên trông như nhà dân, dưới bụng xe đào thêm một hầm sinh hoạt cho kíp xe, bộ đội thì ăn mặc giống như bà con nhân dân bản địa và hết sức chú trọng đến công tác ngụy trang, phòng gian bảo mật…
Ngoài ra đơn vị cũng xây dựng một số nhà hầm phục vụ sinh hoạt, học tập và một bãi tập thực hành cách đó vài ki lô mét. Nhờ vậy, suốt trong thời gian đóng quân ở ngay vùng chiến tranh phá hoại cường độ cao song chưa có lần nào địch phát hiện ra và đánh vào đơn vị.
Ngày 5.10.1968, đúng ngày kỷ niệm 9 năm thành lập binh chủng Tiểu đoàn tổ chức sinh hoạt chính trị ôn lại truyền thống quân đội và Binh chủng Tăng Thiết giáp. Bỗng nhiên, một chiếc máy bay phản lực bay rất thấp vụt qua vị trí đóng quân của đơn vị, tiếng gầm rú và sóng xung kích do nó tạo ra làm tốc lên một đám bụi mờ.
Vốn quen với hoạt động của đủ loại máy bay Mỹ rồi nên đơn vị vẫn sinh hoạt bình thường. Vài phút sau, chiếc máy bay vòng lại theo đúng đường bay cũ. Đột nhiên 2 loạt đạn ngắn từ ngọn đồi phía tây vị trí đóng quân của Tiểu đoàn vang lên rồi xung quanh dậy lên tiếng reo: “Máy bay cháy rồi! Máy bay rơi rồi!”.
Cả đơn vị đổ ra ngoài quan sát. Phía đông, một chiếc F-100 kéo theo một cái đuôi khói dài đen đặc đang lặc lè cố lết ra biển nhưng không kịp nữa rồi. Nó loạng choạng rồi lao thẳng xuống. Mọi người cùng vỗ tay reo mừng phấn khởi.
Không khí hân hoan trong tiểu đoàn bỗng ắng hẳn đi như bị dội một gáo nước lạnh khi tiểu đoàn trưởng hô lớn:
Tất cả về vị trí chiến đấu, sẵn sàng đánh trả máy bay địch!- Nói rồi, anh gọi trợ lý tham mưu tiểu đoàn- Đồng chí đi xác minh ngay ai, đơn vị nào vừa bắn rồi về báo cáo tôi.
Đến lúc đó, hầu hết cán bộ, chiến sĩ trong tiểu đoàn mới thấy hết tính chất nghiêm trọng của vụ việc. Nhiệm vụ của họ là bí mật “ém quân” ở đây. Nếu bây giờ do sự việc chiếc máy bay này bị rơi mà vị trí đóng quân của Tiểu đoàn bị lộ và không quân Mỹ tập trung đánh phá thì sao?
Một chiếc máy bay dẫu có lớn nhưng không thể đánh đổi bằng cả tiểu đoàn xe tăng được. Hiểu được như vậy nên tất cả chuẩn bị súng ống, đạn dược một cách nghiêm chỉnh. Nếu máy bay Mỹ đến oanh tạc, họ chỉ còn cách chiến đấu quyết tử mà thôi. Không khí trong đơn vị căng như dây đàn.
Và rồi cũng không khó khăn gì lắm đồng chí trợ lý tham mưu đã xác định được người đã bắn hai loạt đạn trên không phải ai xa lạ mà chính là pháo thủ Đỗ Văn Hường, chiến sĩ của Trung đội 3, Đại đội 1 khi cậu ta đang lễ mễ bê khẩu 12 ly 7 cùng một hòm đạn từ trên đồi về xe.
Pháo thủ Hường được đưa ngay lên nhà chỉ huy tiểu đoàn. Khi nhìn thấy gương mặt nghiêm nghị của các thủ trưởng và không khí căng thẳng trong toàn đơn vị, Hường hiểu được tính chất nghiêm trọng của việc mình làm nên run run lúng búng: “Em trót bắn mất rồi, các thủ trưởng ạ!”.
Đang rất căng thẳng song nhìn thái độ của Hường, các đồng chí trong Ban chỉ huy tiêu đoàn cũng phải cố nén cười. Tuy nhiên, không thể không xử lý nghiêm khắc vấn đề này. Hường được lệnh ngồi tại đó viết bản tường trình và kiểm điểm về hành động của mình.
Cái kết có hậu
Ngay sau khi ra lệnh cho Hường làm tường trình, các cán bộ của tiểu đoàn rời khỏi nhà chỉ huy đi nắm tình hình sẵn sàng chiến đấu của đơn vị, chỉ để lại một trợ lý tham mưu trực điện thoại tại đó. Lúc này, tất cả 12 ly 7 của các xe đã được lắp lên giá, các hộp đạn cũng đã sắp xếp gọn gàng, sẵn sàng cho trận đánh “một mất, một còn” nếu địch phát hiện ra vị trí của tiểu đoàn.
Ngồi một mình trước trang giấy trắng trong nhà chỉ huy, Hường cắn bút chẳng viết được câu gì. Đồng chí trợ lý tham mưu thấy thương thương nên gợi ý: “Hôm nay tiểu đoàn học chính trị cơ mà! Làm sao cậu lại lẻn ra mà bắn máy bay được?”.
Như được gãi trúng chỗ ngứa, Hường kể một mạch: “Hôm nay em được phân công ở nhà nấu cơm. Cơm gần cạn thì nó (chiếc máy bay tiêm kích F-100) vọt qua. Nó bay thấp lắm tạt cả bui vào nồi cơm.
Em tức quá ra đứng nhìn, thấy nó bay ra biển rồi vòng lại. Đoán thế nào nó cũng sẽ bay thấp qua đây như lúc nãy, em xách luôn khẩu súng với hòm đạn lên chỗ trận địa phòng không bỏ hoang trên đồi. Ở đó vẫn còn một bộ giá ba chân nên em lắp luôn súng vào đấy. Đúng lúc đó nó quay lại thấp y như lần trước.
Em nghĩ nó sẽ ném bom đơn vị mình nên ngắm luôn vào đầu nó. Đến khi nó choán hết vòng kính ngắm thì em kéo cò điểm xạ một loạt rồi bồi thêm một loạt ngắn nữa. Thế là nó phụt khói đen ra cuồn cuộn rồi cố lao ra biển nhưng không kịp. Sự việc chỉ có thê thôi ạ!
Đồng chí trợ lý tham mưu hỏi thêm: “Đồng chí có biết mình đã bắn bao nhiêu viên đạn không?”. Hường lúc lắc đầu rồi lại gật:
“Lúc ấy em cũng chẳng biết đã bắn bao nhiêu viên nhưng xong rồi đếm lại đạn trong hòm còn 39 viên. Vị chi là em bắn 2 loạt hết 11 viên”. Có lẽ thấy thế cũng đủ rồi, anh cho Hường về đơn vị cùng anh em trực sẵn sàng chiến đấu.
Sự căng thẳng còn bao trùm lên đơn vị đến tận gần tối. Suốt chiều hôm đó, ngoài chiếc L19 vẫn lượn lờ do thám tít trên cao và những toán máy bay bay qua thì không có dấu hiệu gì chứng tỏ khu vực trú quân của Tiểu đoàn XT177 đã bị lộ.
Lệnh báo động sẵn sàng chiến đấu được hạ cấp lúc 6 giờ chiều. Đúng lúc đó, điện từ Bộ Tư lệnh quân khu 4 và Bộ Tư lệnh Mặt trận B5 cùng dội về công nhận Tiểu đoàn XT 177 đã bắn rơi một máy bay tiêm kích F-100 – “Thanh bảo kiếm” của Mỹ bằng súng 12 ly 7. Với chiến công này, tiểu đoàn được tặng 1 Huân chương Chiến công hạng Ba.
Như trút được gánh nặng, hôm sau pháo thủ Đỗ Văn Hường rụt dè hỏi chính trị viên Bùi Văn Tùng: “Thủ trưởng ơi! Thế em có bị kỷ luật không?”. Chính trị viên tiểu đoàn cười cởi mở: “Không! Không đâu. Mà trái lại, tớ đã ký giấy khen tặng cậu rồi đấy! Hôm tới đây chào cờ sẽ trao”.
Theo Thời đại