6 tấn kẹo thành phẩm đã hết hạn sử dụng và gần 2,7 tấn nguyên liệu không có nguồn gốc rõ ràng đã bị cơ quan chức năng thu giữ tại cơ sở sản xuất bánh kẹo.
Sau thời gian phục kích theo dõi, trưa ngày 29/11, Đội Quản lý thị trường Củ Chi (Chi Cục Quản lý thị trường TP.HCM) đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi bất ngờ kiểm tra một cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo tại căn nhà không số trên đường 20, thuộc ấp Trung, xã Tân Thông Hội do bà Võ Thị Bích Nga làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện gần 6 tấn kẹo thành phẩm đã hết hạn sử dụng và gần 2,7 tấn nguyên liệu không có nguồn gốc rõ ràng. Đáng nói hơn, cơ sở này đang cho nhân viên “tái chế” để làm mới hạn sử dụng nhằm đưa số kẹo hết “đát” này ra thị trường dịp Tết Đinh Dậu.
Trong số gần 6 tấn kẹo thành phẩm đã hết hạn sử dụng, có đầy đủ các loại như me, ô mai, mãng cầu,… Các nhân viên cho biết, họ chuẩn bị cắt vỏ, tháo gỡ bao bì gốc để chứa trong các túi ni-lông không ghi nhãn hàng hóa. Sau đó sẽ gắn bao bì và làm mới hạn sử dụng cho các loại này.
Theo Đội Quản lý thị trường Củ Chi, tại hiện trường, còn có gần 3 tấn nguyên liệu được trữ gần nhà vệ sinh, chuồng ngỗng cáu bẩn. Ngoài ra, số nguyên liệu là mãng cầu tách vỏ được chứa trong các thùng đựng sơn cũ. Trong khi đó, số kẹo mứt hết “đát” bị tháo dở đang để trên sàn nhà, đều không đảm bảo vệ sinh.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở này vắng mặt, tiếp đoàn là bà Trương Thị Đầm (quản lý cơ sở). Bà Đầm không xuất trình được bất cứ giấy tờ, hóa đơn, chứng từ nào liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bánh kẹo tại cơ sở, cũng như giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ số nguyên liệu trên. Theo bà Đầm, số nguyên liệu trên được mua từ nhiều nguồn trên thị trường. Bánh kẹo tại đây được sản xuất với số lượng khá lớn và chờ đến giáp Tết Đinh Dậu 2017 sẽ đưa ra thị trường.
“Cơ sở này hoạt động ở đây được một thời gian, hằng ngày vào khoảng sáng sớm hoặc chiều tối có những người đàn ông dùng xe gắn máy chở hàng đến giao hoặc đến đây lấy hàng. Họ lấy hàng rồi đi ngay, xe được che đậy kín nên chúng tôi không phát hiện đó là những nguyên liệu gì. Khi cơ quan chức năng xuống kiểm tra thì mới phát hiện họ sản xuất bánh kẹo không hợp vệ sinh”, một người dân địa phương trình bày.
Đại diện Đội Quản lý thị trường Củ Chi cho biết, ngay sau khi kiểm tra, Đội này đã lập biên bản vi phạm và ban hành quyết định tạm giữ toàn bộ phương tiện cùng số kẹo hết hạn sử dụng và nguyên liệu nêu trên để xử lý.
Theo một số chuyên gia về y tế và an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng sử dụng nhầm các loại bánh mứt, kẹo hết hạn sử dụng hoặc kẹo được làm từ nguyên liệu bẩn không hợp vệ sinh sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ đến sức khỏe.
Cụ thể, có thể nảy sinh một số bệnh về đường tiêu hóa, như viêm ruột, dạ dày, rối loạn tiêu hóa. Trường hợp nặng hơn là ngộ độc thực phẩm tức thời với các biểu hiện xây xẩm mặt mày, nôn mửa. Xét về lâu dài, số lượng độc tố sẽ tích tụ trong cơ thể, dễ nảy sinh các bệnh lý khác, thậm chí là ung thư.
Dịp giáp Tết, các hoạt động kinh doanh hàng hóa diễn ra sôi nổi cũng là lúc nhiều mặt hàng giả, hàng nhái hoặc kém chất lượng được tung ra thị trường. Nhằm ứng phó trước tình hình này, các cơ quan chức năng TP.HCM đã khẩn trương vào cuộc với nhiều đợt thanh, kiểm tra nhằm bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của nhân dân.
Các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo, người dân nên chọn mua những mặt hàng đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ và thương hiệu uy tín chất lượng. Tránh mua những mặt hàng trôi nổi (đặc biệt là thực phẩm) không nguồn gốc xuất xứ vì có thể tiềm ẩn những nguy cơ cho sức khỏe.
Xem thêm video kinh hãi công nghệ phù phép lợn chết thối thành đặc sản lợn mán Tam Đảo