Trong xã hội phong kiến Trung Quốc, thái giám là nghề bị phân biệt đối xử hơn cả, bởi trong mắt người thường, hoạn quan là những kẻ “dị nhân” sở hữu thân thể không trọn vẹn.
Trên thực tế, những hoạn quan có khả năng “một tay che cả bầu trời” như Cao Lực Sĩ, Ngụy Trung Hiền, Lý Liên Anh… đều vô cùng ít ỏi. Phần lớn các hoạn quan phải cam chịu cả đời sống trong thân phận bị người đời dè bỉu, thậm chí tha hương cầu thực lúc về già.
Tủi nhục kiếp “nô tài” chốn hoàng cung
Trong hoàng cung, thái giám dù quyền lực tới đâu cũng chỉ mang thân phận nô tài, chịu đánh đập, mắng chửi, lăng mạ là điều khó tránh.
Bản thân những hoạn quan “khét tiếng” như Ngụy Trung Hiền, Lý Liên Anh, An Đức Hải… cũng từng chịu đủ mọi hành hạ, sau đó luôn phải nhìn sắc mặt chủ nhân mà cư xử.
Kỳ thực, bất kể có quyền thế, tiền tài tới đây, các hoạn quan đều mang những nỗi khổ riêng ít ai thấu hiểu. Bản thân họ là những người cả đời phải phục dịch chủ từ, thậm chí có nguy cơ vong mạng như chơi trong chốn hoàng cung nhiều rủi ro.
Trong mắt những chủ nhân cao quý nơi hoàng cung, thái giám chỉ là những nô tài cả đời phải làm công việc phục dịch. (Hình ảnh đoàn thái giám khênh kiệu cho Từ Hi Thái hậu).
Mặc dù phải đảm đương vô số công việc, nhưng các thái giám không ngại làm việc nặng nhọc, mà chỉ sợ không có việc để làm hoặc không còn đủ sức để làm việc.
Càng được đảm nhiệm nhiều việc, thái giám càng có cơ hội phát huy sở trường, tài năng để nhanh chóng được chủ nhân cất nhắc, trọng dụng.
Ngược lại, nếu là một kẻ vô dụng, bất tài hay đơn giản hơn là ốm đau, sinh bệnh, không có khả năng làm việc, hoạn quan đó sẽ nhanh chóng bị “quét” ra khỏi hoàng cung, mang theo thân thể khiếm khuyết tự mình mưu sinh nơi dân dã.
Ngoài cánh cửa hoàng cung là bão tố bủa vây
Những thái giám bị đuổi ra khỏi hoàng cung hoặc đến tuổi “nghỉ hưu” phần lớn đều có kết cục rất bi thảm.
Các hoạn quan chủ yếu nhập cung từ khi còn nhỏ hoặc thành niên, dành cả đời mình để phục vụ cho hoàng tộc, họ hiểu hơn ai hết cách “nhìn mặt chủ nhân” mà hành sự, nhưng lại non nớt trong việc đối nhân xử thế ở bên ngoài, càng không thông thạo những nghề nghiệp bình dân để mưu sinh.
Bởi vậy, sau khi ly khai hoàng cung, các thái giám có người về quê cũ cày cấy, có người đến chùa miếu làm việc, lại có người ngày ngày lang thang trên phố.
Vậy nhưng, dù làm công việc gì, thì cuộc sống ngoài hoàng cung chẳng khác nào “bão tố” bủa vây các hoạn quan “hết thời” bởi những định kiến xã hội.
Trong hồi ức kể về cuộc đời đầy cay đắng của mình, hoạn quan cuối cùng của triều đình phong kiến Trung Quốc là Tôn Diệu Đình từng tâm sự: Sau khi vua Phổ Nghi thoái vị, ông xuất cung và trở về quê cũ làm ruộng.
Vậy nhưng, người dân trong làng thường châm biếm, chê cười ông là kẻ “nửa nam nửa nữ”, thậm chí còn xa lánh, lăng mạ Tôn Diệu Đình.
Không chịu nổi những điều tiếng của dân làng, Tôn Diệu Đình buộc phải rời bỏ quê hương, lên Bắc Kinh sống nương tựa cùng một nhóm các hoạn quan già nua neo đơn cho tới cuối đời.
Cuốn hồi ký của vị thái giám cuối cùng ấy còn tiết lộ thêm: Chính vì sợ hãi cuộc sống ngoài hoàng cung, nên khi vua Phổ Nghi thoái vị và hạ lệnh trục xuất các thái giám ra khỏi cung, rất nhiều hoạn quan đã thắt cổ tự sát.
Cũng dễ hiểu thôi vì họ sợ rằng có sống, cuộc sống của họ chưa chắc đã bằng chết.
Cả đời cống hiến, cuối đời chẳng có chỗ dung thân
Luật lệ của các triều đại phong kiến Trung Quốc đều không cho phép các thái giám được qua đời hay an táng ở hoàng cung. Theo đó, khi đã ở vào tuổi “nghỉ hưu”, các thái giám phải tự “cáo lão hồi hương” nếu không muốn bị triều đình trục xuất.
Bấy giờ, những thái giám có địa vị cao, có quyền có tiền sẽ được an bài xuất cung và chu cấp cẩn thận. Ngược lại, các hoạn quan vô danh tiểu tốt chỉ được phát cho một số tiền đủ để sống vài tháng, sau đó phải tự mình lo liệu cho tới lúc cuối đời.
Vào thời xưa, xã hội phong kiến có tồn tại loại hình cơ cấu công hội. Theo đó, các thái giám khi còn làm việc trong hoàng cung sẽ gửi tiền định kỳ cho công hội. Tới lúc xuất cung, họ sẽ được công hội chu cấp và an bài cuộc sống khi về già.
Một “lối ra” khả quan hơn cho các thái giám là hình thức thu nhận ở các chùa, miếu.
Vào thời Minh – Thanh, không ít hoạn quan khi xuất cung liền vào chùa, miếu làm việc công ích như nấu cơm, quét dọn. Họ sẽ được các tăng lữ cấp cho nơi ăn, chốn ở và được các du khách bố thí tiền để sống qua ngày.
Một số thái giám có tầm nhìn xa trông rộng sẽ chủ động nhận con nuôi, chờ tới ngày phải xuất cung thì về ở cùng người con này để tránh khỏi kết cục cô đơn trong những năm cuối đời.
Còn lại số đông các hoạn quan bất hạnh khác đều sống với thân thể không toàn vẹn, không có con cái. Chính vì những định kiến xã hội đối với thân phận của mình, các thái giám “hết thời” không được thuê để làm việc, chỉ có thể nhận sự “bố thí” của người khác để sống qua ngày.
Vào thời nhà Thanh, “lối ra” được nhiều thái giám lựa chọn sau khi xuất cung nhất chính là trở về quê cũ.
Đại bộ phận các thái giám Thanh triều đến đến từ tỉnh Hà Bắc. Sau khi đến tuổi “nghỉ hưu”, họ trở về quê cũ cày cấy trên mảnh ruộng mà ông cha đã để lại cho mình.
Bất hạnh nhất chính là những hoạn quan neo đơn, không có người thân, không thể trở về quê quán. Họ chỉ còn cách ở lại Bắc Kinh, thuê những căn phòng tạm bợ trong khu ổ chuột hoặc ngủ ngay trên đường cái.
Vào thời vãn Thanh, đường phố Bắc Kinh còn có nhiều nhóm thái giám hành nghề “đồng nát”. Họ ngày ngày đi thu thập phế phẩm, nương tựa nhau sống qua ngày.
Không chỉ cuộc sống sau khi “về hưu” của các thái giám có nhiều điểm khác biệt mà ngay tới nơi an nghỉ của họ cũng khác nhau một trời một vực.
Số ít các hoạn quan có địa vị và tiền bạc sẽ được an táng tại một khu nghĩa trang riêng. Một số người quyền thế còn tự xây cho mình một lăng mộ khang trang, ngày đêm có người khói hương thờ cúng.
Số đông các thái giám còn lại hoặc là được an táng trong chùa, miếu, hoặc được chôn cất tại quê nhà.
Nhưng ngay cả khi yên nghỉ tại cố hương, các thái giám cũng không được chôn trong khu mộ của tổ tiên, bởi đối với gia tộc, họ đã không làm tròn nghĩa vụ nối dõi tông đường và bị coi là kẻ “bất hiếu”.
Vậy mới nói, dù là kẻ quyền thế hay vô danh, những người mang thân phận hoạn quan đều là phải gánh chịu tấn bi kịch không có lối thoát.
Theo Phununew