Nhiều người đã ngã ngửa khi phát hiện mình nhận được giấy thông báo kết quả trúng giải chứ không phải vé số trúng giải.
Nhận tin trúng số hàng chục tỷ đồng, một gia đình ở miền Tây vừa tổ chức liên hoan mừng trúng số vừa hào phóng “cởi ruột cởi gan” cho hàng xóm, bạn bè tất cả tài sản trong nhà. Đến khi lãnh thưởng mới ngã ngửa tờ vé số trúng thưởng kia chỉ là giấy thông báo kết quả…
Bỏ việc về quê nhận thưởng hàng chục tỷ đồng
Gần 1 tháng nay, người dân miền Tây đổ xô mua vé số của Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) vì trước đó liên tiếp có 2 người trúng giải đặc biệt là 92 tỷ đồng và 65 tỷ đồng. Xung quanh chuyện mua vé số này nảy sinh bao tình huống dở khóc, dở cười.
Hi vọng “thần may mắn” gõ cửa, anh Trung (quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ) cũng hòa vào “trào lưu” mua vé số như bao người dân miền Tây khác. Hơn 1 tháng trước, khi đi chợ anh gặp người bán vé số dạo mời mua tờ điện toán với giá 10.000đ. Tối cùng ngày, anh dò kết quả mở thưởng bằng điện thoại thì phát hiện 6 cặp số trên vé trùng với giải đặc biệt Mega 6/45, tương đương 72 tỷ đồng. “Suốt đêm đó cả nhà mừng vui tới mức không ngủ nổi. Sáng hôm sau tôi mang tờ vé đến chi nhánh của Vietlott tại Cần Thơ để lãnh thưởng nhưng nhân viên ở đây nói đó chỉ là… tờ thông báo kết quả chứ không phải vé số điện toán”, anh Trung kể lại.
Cũng mừng hụt vì tưởng trúng xổ số điện toán trị giá 65 tỷ đồng, ông Trần Hoàng (ngụ ấp Kiết Thắng, xã Lâm Kiết, huyện Thạnh Trịm, tỉnh Sóc Trăng) cùng vợ, con đang làm thuê tại Bình Dương đã hân hoan thuê xe trở về quê vào ngày 3/11 để tổ chức tiệc mừng. Đinh ninh con trai trúng giải độc đắc của Vietlott trong kỳ mở thưởng lần thứ 46, gia đình ông Hoàng hồ hởi cho hàng xóm rất nhiều tài sản giá trị trong nhà như tủ, bàn, ghế… Thậm chí, ông Hoàng còn hứa cho con rể 1 tỷ đồng.
Nhưng khi họ mang tờ “vé điện toán” đến đại lý để liên hệ đổi thưởng thì mới biết đó là tờ… thông báo kết quả trúng thưởng vì không có ô thông tin được mã hóa. “Chuyện gia đình ông Hoàng mừng hụt trúng số khiến cả xã xôn xao. Khi biết rõ không trúng, cả nhà lại dắt díu nhau đi Bình Dương làm thuê”, ông Khưu Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Lâm Kiết xác nhận.
Vietlott cảnh báo khách hàng
Từ việc nhiễu loạn thông tin, nên một số người dân ở miền Tây đã nghi ngờ về giá trị lớn của loại hình xổ số này. Họ hoài nghi chuyện chị Đào ở Trà Vinh hay người đàn ông ở Đồng Nai đeo mặt nạ lãnh thưởng có thật sự trúng số hàng chục tỷ đồng hay không? Hay đây là “chiêu trò” của công ty xổ số? Tại sao có chuyện mua nhầm tờ thông báo kết quả thay vì mua vé số?…
Trước thông tin này, Vietlott đã lên tiếng cảnh báo khách hàng: Một số người lợi dụng sự bất cẩn của khách hàng để thu thập các tờ thông báo kết quả được in ra từ thiết bị đầu cuối tại các điểm bán hàng của Vietlott để bán ra thị trường. Theo Vietlott, tờ vé số tham gia dự thưởng thật sự có in thời gian phát hành từ thiết bị đầu cuối. Ngoài ra còn có một số thông tin được mã hóa, đó là ô đen được in tại vị trí 1/3 phía dưới tờ vé số.
Mới đây, Vietlott và Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) ký kết thông tư liên tịch nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh số điện toán. Theo thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), thì hình thức kinh doanh loại hình xổ số điện toán tự chọn mà Vietlott triển khai được thực hiện chủ yếu trên nền tảng các ứng dụng công nghệ thông tin. Giải thưởng có giá trị rất lớn nên có thể trở thành mục tiêu tấn công của giới tin tặc và các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện các hành vi phạm pháp như lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Do đó, lực lượng chức năng đã vào cuộc để trấn áp loại hình tội phạm tinh vi này.
Đại lý điện toán “lụi”!
Trước “cơn bão điện toán”, người dân TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng) rất bất ngờ khi thấy địa phương này dù chưa được Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) cấp phép cho tổ chức, cá nhân lắp đặt thiết bị đầu cuối, nhưng vẫn có những điểm bán vé số tự chọn giống như đại lý chính thức. Ngoài việc in những mẫu giấy giống như danh thiếp với dòng chữ “Đại lý vé số Mega6/45”, điểm kinh doanh còn treo băng rôn, áp phích quảng cáo cơ hội trúng thưởng lên đến 150 tỷ đồng.
Đến “Đại lý vé số Mega6/45” gần Công an TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng) để giả tìm mua vé điện toán, chúng tôi được người bán hàng giới thiệu rất nhiều vé được in sẵn với giá 10.000đ/vé. Tại đây còn có các mẫu vé tự chọn để người chơi lựa các cặp số. Sau khi đánh dấu vào các ô số, người bán thu tiền rồi điện thoại đến nơi lắp đặt thiết bị đầu cuối của Vietlott để báo thông tin và in vé. “Ở đây có khuyến mãi, nếu mua vé điện toán nếu trúng 2 cặp số cuối sẽ được tặng 2 vé, 3 cặp tặng 5 vé. Khách hàng trúng giải nhất thì ngoài giải thưởng 10 triệu đồng, chúng tôi sẽ tặng thêm 3 triệu”, thanh niên bán vé điện toán khẳng định.
Đến “Đại lý vé số Mega6/45” nằm trong cửa hàng chuyên bán thiết bị bảo vệ sức khỏe ở phường 1, TP. Sóc Trăng, nhiều khách hàng choáng ngợp với thông tin quảng cáo loại hình dự thưởng nhiều bộ số. Hình thức chơi này gọi là “bao” để có cơ hội trúng thưởng lớn hơn. Có 11 cách “bao” với tối đa 18 cặp số, trong đó vé thấp nhất là 400.000 đồng (chọn 5 cặp số) sẽ được lãnh thưởng 120.000 đồng nếu trúng 2 cặp số. Giá trị tiền thưởng sẽ tăng dần nếu người chơi trúng 3 cặp (2.010.000 đồng), 4 cặp (31,4 triệu đồng), trúng 5 cặp được giải đặc biệt +390 triệu đồng…
Giá vé số điện toán cao nhất ở đại lý không chính thức của Vietlott có giá đến 185.640.000đồng/vé. Vé này gọi là “bao 18”, tức chọn 18 cặp số và trúng 3 cặp sẽ được thưởng trên 13,6 triệu đồng. Giá trị tiền thưởng sau đó sẽ tăng dần nếu người chơi trúng 4 cặp số (gần 80 triệu), 5 cặp được 332,8 triệu đồng và 6 cặp sẽ nhận giải đặc biệt cộng thêm 1,149 tỷ đồng… Tuy nhiên, giải đặc biệt của cả 11 cách bao lô là bao nhiêu thì không ghi rõ.
Chị Phạm Thị Huyền, bán vé số dạo ở TP. Sóc Trăng, cho biết chồng chị mua vé số điện toán trúng giải 8 là 30.000 đồng. Tuy nhiên, khi chị đến các điểm bán vé điện toán in sẵn để đổi thưởng thì nơi nào cũng từ chối. Vé này phát hành ngày 20/10, mở thưởng 23/10.
“Các điểm bán vé số nói mua ở đâu đổi ở đó, chồng tôi mua của người bán dạo nên không biết đâu mà đổi. Nếu trúng giải lớn mà gặp đại lý “lụi”, đổi không được chắc bức xúc lắm. Gần đây có nhiều người kêu tôi bán vé điện toán in sẵn nhưng tôi đã từ chối vé này vì chưa biết rõ hình thức chơi ra sao, ngại việc đổi thưởng cho khách trúng giải. Lo nhất là vé đã mua rồi mà bán không hết thì “ôm” chứ không trả lại được”, chị Huyền nói.
Nguồn tamsugiadinh