Sau bao năm làm lụng vất vả nuôi cả 5 đứa con ăn học nên người, cuối cùng điều bà nhận được chỉ là sự quan tâm lạnh nhạt và những câu nói vô tình đến đau lòng…
Nhìn bà Vân còng lưng gánh gánh củi trên vai, mấy anh thanh niên trong làng cuống quýt chạy đến bảo: “Bà ơi, để cháu gánh cho, sao bà già rồi mà cứ gánh nặng như vậy ạ? Bà không có con trai hay sao thế ạ?”. Bà Vân nhìn cậu thanh niên đang gánh củi hộ mình rồi buồn rầu. Bà bảo: “Tôi có 5 cậu con trai, nhưng đều ở thành phố rồi cậu ạ, chúng nó thỉnh thoảng lắm mới về”.
Ai trong cái xóm nghèo đó khi nhắc đến bà Vân cũng lắc đầu ái ngại, bà rất nghèo, ông chồng đang khỏe mạnh của bà vào một ngày nọ bỗng dưng kêu đau đầu rồi từ đó, ông không còn tỉnh táo nữa, ông cứ đi ra đi vào rồi cười ngu ngơ, không thể kiểm soát được mọi hành động của mình.
Bà Vân từ đó là trụ cột chính về kinh tế trong nhà, 5 đứa con của bà vẫn còn đang ở độ tuổi đến trường, chúng nó chỉ biết đỡ đần mẹ làm những việc đơn giản trong nhà như thổi cơm, trông em chứ vẫn chưa biết đi làm thêm để giúp gia đình. Hơn nữa, bà Vân muốn chúng học hành đến nơi đến chốn chứ không muốn chúng bỏ bê để đi làm.
Bà Vân thấy đời mình cực quá, bà tâm niệm rằng bằng mọi giá, bà phải cho con đi học để chúng thoát nghèo. Thế là bà không từ một việc gì cả, bà có 3 sào ruộng, bà còn đi xin cấy thuê, đi làm phụ hồ, đi làm ô sin, có bao nhiêu thức ăn thừa ở nhà chủ, bà xin về nuôi con. Những đêm chồng bà trở bệnh, bà đành phải xích ông lại ở song cửa sổ rồi bón cơm cho ông ăn.
Chăm chồng, chăm con cực khổ nên người bà Vân khi nào cũng gầy như que củi. Nhưng trời cũng thương bà, con bà đứa nào học cũng giỏi, đến khi các con lần lượt vào đại học, chúng đã có thể tự đi làm để nuôi sống mình.
Những tháng ngày đó với bà Vân quả là kinh khủng vì khi nào gia đình bà cũng giống chị Dậu, luôn có người đến đòi nợ. Bà mượn bên này, đập bên kia cũng không đủ tiền, bí quá có lần bà còn bán ruộng hoặc đi ở không công cho nhà người khác.
Nhưng rồi mọi chuyện cũng khác đi sau khi đứa con đầu tiên của bà ra trường và đi làm. Bà như thoát được một gánh nặng trên vai. Lần lượt những năm sau đó, các con của bà đều đi làm. Cho đến khi đứa cuối cùng ra trường thì bà đã có thể thở phào nhẹ nhõm.
Những tưởng cuộc sống từ đó của bà sẽ tốt hơn, nào ngờ sau khi các con đi làm, chúng không còn về nhà nữa. Thỉnh thoảng lắm chúng mới về thăm bà. Nghe con nói công việc rất tốt, bà sung sướng tột độ, không phải bà mong sẽ có đứa nào đó cho bà tiền mà bà thấy rằng cuối cùng con mình cũng đã đủ lông đủ cánh để bay đi.
Đến khi đứa con trai đầu cưới vợ, bà lo sốt vó, bà sợ nhà thông gia chê bà nghèo, khi bà nói với con thì con bà chỉ đáp tỉnh bơ:
– Mẹ không phải lo gì đâu ạ, con nói với họ bố mẹ con mất cả rồi. Chứ mẹ nghĩ xem, về nhìn nhà mình nghèo rớt mồng tơi, bố thì tâm thần, ai mà còn muốn lấy con nữa.
Bà Vân nghe thế thì lặng người, ngày cưới đứa con trai đầu, bà ở nhà thắp hương lên bàn thờ xin tổ tiên tha tội. Những đứa con trai tiếp theo lập gia đình, chúng cũng không dám nhận cha mẹ vì vợ chúng đều là con của những gia đình giàu có. Bà Vân nuốt nước mắt vào trong, cứ nghĩ nuôi con lớn sẽ được nhận lại ít nhất là sự kính trọng từ tụi nó, ai ngờ khi nó đã đủ lông đủ cánh thì lại từ chối cả gốc tích.
Nhưng đến khi chồng bà qua đời, các con cũng không về dự. Họ một mực chối bỏ gốc gác, đám tang chồng, chỉ có bà Vân ngồi khóc bên quan tài, cứ nghĩ đẻ được 5 đứa con để sau này chúng còn chống gậy nhưng rồi chẳng có đứa nào về. Tự tay bà Vân phải cầm di ảnh của chồng trong ngày đưa ông lên nghĩa trang.
Hàng xóm biết chuyện ai cũng phẫn nộ, nhưng họ cũng chỉ có thể chửi đổng thôi vì từ ngày đó đến giờ có đứa con nào của bà Vân bén mảng về nhà đâu, chúng sợ người mẹ quê mùa làm bẩn cả cái hồ sơ lý lịch đang đẹp đẽ của chúng. Bà Vân từ đó sống một mình trong căn nhà tồi tàn.
Ngày ngày, người ta vẫn thấy một cụ bà tóc bạc đã 70 tuổi đi nhặt nhạnh phế liệu từ đầu xóm đến cuối xóm, nhiều người không biết cứ chậc lưỡi bảo bà tội nghiệp, chắc không có con cái gì nên mới vậy, chỉ có bà Vân là khóc thầm vì dứt ruột đẻ 5 đứa con nhưng khi trưởng thành chúng lại trả ơn bà quá tàn nhẫn.
Người xưa thường nói “Trong trăm cái thiện thì hiếu đứng đầu”, khuyên bảo chúng ta phải hiếu thảo với cha mẹ, với bề trên. Cha mẹ có thể hy sinh suốt cả cuộc đời vất vả của mình chỉ để cho con cái có được một tương lai tươi sáng.
Vậy nên là bổn phận làm con, không chăm sóc được cho cha mẹ mình khi về già, lại chối bỏ cả gốc tích, chối bỏ cha mẹ để đạt được giàu sang phú quý, công danh lợi lộc cho mình, thì đã khiến bản thân phạm vào tội bất hiếu. Đừng vì tham vật chất mà quên đi tình yêu thương của cha mẹ, hãy cố gắng báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ,đó mới là điều mà một người con nên làm.
Theo DKN