Chị khóc suốt phiên xử, tức tưởi trước những lời lẽ buộc tội của anh. Những người dự khán phiên tòa cũng ấm ức bởi cáo buộc anh đưa ra không đáng để ly hôn, chấm dứt ba năm yêu thương và… một tuần chồng vợ.
Chị là con duy nhất trong gia đình giàu có. Ba mẹ chị kinh doanh hàng nội thất nên tốt nghiệp đại học ngành kế toán, chị về giúp ông bà quán xuyến chuyện làm ăn. Anh làm thiết kế cho một công ty sản xuất gạch men. Nhiều lần gặp gỡ khi anh đến tiếp thị sản phẩm ở cửa hàng nhà chị, họ phát sinh tình cảm.
Biết anh lớn lên trong gia đình túng khó, tự bươn chải học hành, là người có ý chí nên chị càng yêu hơn. Vì thế, dù chỉ mới hai tháng chính thức hẹn hò, nghe anh tâm sự “mơ được học cao học nhưng điều kiện không cho phép”, chị xúc động, hứa giúp anh thực hiện giấc mơ. Rồi chị cho anh “dựa dẫm” khi nghỉ việc để tập trung học hành, thi thoảng còn giúp anh lo chữ hiếu bằng cách gửi về gia đình anh ở Bắc Ninh vài khoản tiền, quà…
Tháng 6/2016, sau ba năm yêu nhau, khi anh đã cầm trên tay tấm bằng thạc sĩ, họ tổ chức cưới. Những người quen biết tin rằng, đó sẽ là một cuộc hôn nhân hạnh phúc vì ngoài tình yêu, họ còn có cả sự hy sinh và nợ nần nhau… Vậy mà…
Chị
Cưới xong, tôi theo anh về quê làm bữa tiệc ra mắt. Một tuần sau, trở lại TP.HCM, thấy anh cứ bực bội, khó chịu suốt chuyến bay, tôi hỏi, anh thừa nhận: “Em làm anh mất mặt”. Câu trả lời khiến tôi thật sự ngỡ ngàng. Những lý do anh đưa ra không thuyết phục nên chúng tôi tranh cãi, anh bất ngờ tuyên bố: “Mình không hợp đâu” rồi đề nghị ly hôn. Sau đó anh bỏ nhà đi, ba ngày không về.
Tôi nhắn tin yêu cầu gặp nói chuyện, anh trả lời: “Ở trong nhà em vợ chồng muốn bàn luận hay tranh cãi đều bất tiện, mình mua căn nhà khác ra riêng đi”. Tôi rất sốc. Trước đây đã nhiều lần tôi nói với anh, ba mẹ chỉ có mình tôi, dù tôi lập gia đình thì vẫn phải sống chung để phụng dưỡng. Nhà ba mẹ rộng rãi, vợ chồng ở trọn một tầng lầu rất thoải mái. Hơn nữa, nếu chúng tôi muốn mua nhà thì cũng cần có sự hỗ trợ từ ba mẹ tôi. Tôi giải thích, thuyết phục hết lời nhưng anh vẫn quả quyết tôi ích kỷ, không biết nghĩ cho anh.
Nửa tháng sau, tôi bất ngờ nhận được thư mời hòa giải từ TAND Q.Phú Nhuận. Cho đến giờ, đứng trước tòa, tôi vẫn không hiểu mình làm gì sai để dẫn đến nông nỗi này?
Anh
Tôi biết ơn vợ đã giúp đỡ tôi rất nhiều suốt thời gian yêu nhau, nhưng không thể vì món nợ hay hy sinh đó mà chúng tôi níu kéo, bởi chỉ gây đau khổ cho cả hai. Tôi đưa vợ về quê “làm dâu” một tuần mà bao nhiêu điều phát sinh. Tôi coi đó là thời gian “thử thách”, thấy cô ấy không như mình mong muốn, nên khó chung sống lâu dài được.
Đầu tiên là việc nhà. Văn hóa gia đình tôi, nói rộng ra là ở quê tôi nhiều nhà đều như vậy, chuyện dùng thau giặt đồ để… rửa chén, rửa rau là bình thường, có gì gớm ghiếc đâu mà cô ấy nhăn nhó, còn nói thẳng với mẹ tôi “như vậy là mất vệ sinh”. Rồi cô ấy mua ba cái thau, dặn mẹ tôi mỗi cái một chức năng khiến bà rất sốc, cho là cô ấy khinh gia đình. Tôi cố giải thích nhưng mẹ không nguôi giận, còn trách tôi “trèo cao sẽ khổ thôi con”. Vợ tôi lớn lên trong giàu sang, khó mà hiểu được cuộc sống nghèo khổ của chúng tôi.
Thấy gạo quê không dẻo, thơm, cô ấy liền đi mua loại gạo hợp với khẩu vị về nấu, chẳng quan tâm mọi người có thích hay không. Đi chợ cùng mẹ chồng, trong khi bà tằn tiện trả giá từng đồng thì cô ấy rất “mạnh tay”, mẹ tôi cho đó là người phụ nữ không biết tính toán, quán xuyến, chăm sóc gia đình.
Bố tôi là người khó tính, mà văn hóa quê tôi cũng lại như thế, cứ gặp là phải chào, dù một ngày ra vô chạm mặt… trong nhà hay ngoài ngõ bao nhiêu lần. Vậy mà cô ấy chỉ gật đầu ở lần gặp đầu tiên trong ngày, nên bố tôi cho là vô lễ. Ông lo nếu người vợ không phép tắc, ứng xử kém, sẽ khó bền vì lâu ngày là coi thường chồng!
Chủ tọa phiên tòa cố gắng giải thích những lý do anh nêu chỉ là sự khác biệt lối sống, văn hóa vùng miền, chị cần có thời gian để hòa hợp, thích nghi. Anh quả quyết: “Bố mẹ tôi không an tâm khi tôi cưới cô ấy”. “Nhưng quan trọng là anh! Anh sống với cô ấy chứ không phải bố mẹ anh, những lễ nghĩa đó cô ấy sẽ học được. Cô ấy có điểm nào chưa được lòng anh không?” – chủ tọa phản biện. Anh lúng túng, đưa tay lau mồ hôi, chậm rãi: “Cô ấy không thông hiểu chồng, ích kỷ”.
Anh viện dẫn sự ngột ngạt không được chị “thấu hiểu” là khi anh phải ở rể, không được chia sẻ những vướng mắc, khó khăn trong lòng. Chị nức nở hỏi: “Gia đình anh họp, mọi người muốn em giúp trả món nợ 300 triệu đồng vì chị gái anh “vỡ hụi” phải trốn tránh, có phải điều anh muốn nói đến?”. Anh im lặng. Tòa tuyên cho ly hôn. Chị không cam lòng, ôm mặt khóc. Chủ tọa xin chị một cuộc gặp…
Chuyện từ thẩm phán
Vợ chồng nào mới chung sống cũng có nhiều mâu thuẫn, nên chúng tôi luôn cố hòa giải để họ có thêm thời gian nhìn nhận, hóa giải xung khắc. Tuy nhiên, đây là vụ ly hôn không xuất phát nhiều từ mâu thuẫn vợ chồng, mà toàn là những “bắt bẻ” vô cớ của chồng đối với vợ.
Trong các phiên hòa giải, chúng tôi gắng thuyết phục nhưng người chồng chỉ muốn bỏ vợ cho bằng được. Nghĩ là có ẩn khuất nào đó, trước phiên xử, chúng tôi đã trò chuyện riêng với người chồng để tìm hiểu. Anh ta thừa nhận đã yêu người khác và chưa từng yêu vợ mình, chỉ đến với vợ vì có cảm giác “đủ đầy” và an toàn do được cô ấy giúp đỡ.
Anh ta tin, hôn nhân không cần tình yêu, mà chỉ cần thế. Cho đến ngày anh ta gặp và yêu người khác thì mọi chuyện đã không còn như ý. Anh ta cưới vợ trong phân vân, nên tình yêu kia đã chiến thắng!
Anh ta đề nghị chúng tôi không nói sự thật đó tại phiên xử, sợ vợ anh không chịu nổi sau bao hy sinh và tình yêu dành cho anh, mà có những phản ứng không hay trước tòa.
Đó là người đàn ông thực dụng, yếu đuối; đòi hỏi rất nhiều ở vợ, ngay cả khi muốn chia tay vẫn mong một ngôi nhà, rồi thì sau đó là sao nữa? Giải quyết cho ly hôn cũng là cách chúng tôi ngăn cản tính thực dụng của anh với vợ mình. Cô ấy sẽ chỉ đau một lần nếu biết rõ sự thật.
Quả thật, người vợ ấy đã nhẹ lòng, mạnh mẽ hơn sau cuộc gặp riêng với chúng tôi. Cô ấy có thể lầm lẫn khi yêu, nhưng không chấp nhận sống mãi trong sai lầm. Cô ấy còn rất trẻ, mà không riêng cô ấy, ai té ngã cũng cần nhanh chóng đứng lên, làm lại cuộc đời…
Theo webtretho