Ngẫm lại cái sự học thêm, nó chẳng khác gì hiện tượng mắc tiểu. Mắc tiểu là nhu cầu bức thiết của con người, còn bộ phận “xả nước” chỉ là một phương tiện để giải quyết cái nhu cầu ấy.
Đang đứng đợi ông con ở cổng trường thì thấy cu cậu đi ra, mặt méo xẹo. Hỏi làm sao thì nó giậm chân thình thịch xuống đất, nhìn bố bằng ánh mắt hình viên đạn: “Tại bố cả đấy!”. “Sao mà tại bố?”. “Tại bố cứ giục con, con không kịp đi vệ sinh, bây giờ… tè ra cả quần rồi đây này”. Thằng con trai sắp khóc, mắt đỏ hoe. Tôi kéo nó vội lên xe: “Đi mau, nhanh lên còn đến đón em con kẻo không kịp”. Nó leo lên xe, nhấp nhổm cái mông rồi cằn nhằn: “Thế không cho con về nhà thay quần à? Con ứ chịu đâu… hu…hu…”. “Đến đón em con rồi đưa đến trung tâm học thêm đã”.
Nó cứ cằn nhằn mãi không thôi, tôi tức quá quát: “Con tè dầm là tại chim con chứ tại bố à? Lần sau cố mà nhịn”. Nó im bặt, có vẻ đang ngẫm nghĩ.
Hai bố con phóng xe ầm ầm đến trường học của con em út, đợi mấy phút thì nó hớt hải chạy ra. Ba bố con cấp tốc đến trung tâm học thêm để học ngoại khóa môn Toán.
Gớm, mới lên lớp 4 thôi mà mỗi tuần học thêm 3 buổi môn Toán do nhà trường tổ chức, 2 buổi học tiếng Anh do bố mẹ đầu tư bài bản để sau này thi vào trường chuyên, tương lai là tìm được học bổng đi du học nước ngoài.
Thằng anh cả thì đang học lớp 6 một trường “xịn” mà mẹ nó chạy vạy ngược xuôi xin được một suất. Lực học thì hơi yếu so với các bạn cho nên thằng bé phải học “phụ đạo” tất cả các lớp mà thầy cô nghĩ ra để “nâng cao nhận thức” của học sinh. Ngoài các tiết học chính khóa cũng phải học thêm đến 3 buổi một tuần. Đó là chưa kể chiến dịch “Tây tiến” của mẹ nó với lịch học tiếng Anh dày đặc. Tính ra mỗi tuần hai đứa học thêm 12 buổi “phụ đạo” và “nâng cao” các kiểu.
Để thực hiện chiến dịch, vợ liền phân công vị trí “tác chiến” rất rõ ràng. Bố chịu trách nhiệm đưa đón con đi học, mẹ đi làm về chợ búa cơm nước, chăm lo nhà cửa. Đàn ông sức dài vai rộng lại “lái lụa” hơn phụ nữ, nhất là lúc tắc đường có thể “cướp đường” hoặc nhảy phóc lên vỉa hè mà đi cho kịp giờ học của con.
Mỗi đầu năm học, các con ôm về nào đơn xin sử dụng dịch vụ sổ liên lạc điện tử, nào là đơn tự nguyện học phụ đạo môn này môn kia… Hàng đống các loại đơn có sẵn chỉ việc ký xoẹt vào một cái là tha hồ học. Hỏi ông con là có cần thiết phải học không thì cu cậu bảo: “Cô bảo không đi cũng được nhưng ở lớp đã có 29 bạn đăng ký rồi ạ”. Lớp có 30 học sinh, 29 bạn đăng ký, chẳng nhẽ mình không? Cô con gái thì ngẩn tò te:“Con có biết đâu, cô bảo mang về cho bố mẹ ký rồi mang nộp cô”.
Năm đầu, hai vợ chồng còn nhìn nhau thắc mắc, đắn đo, sang đến năm thứ hai thì coi như đó là tiền lệ, cứ thấy đơn là ký, thấy giấy là ký, trừ khi muốn con mình “tự kỷ”.
Quay lại cái vụ tè dầm của thằng cu con. Đưa được con em gái đến trung tâm dạy thêm, nếu quay về nhà thì cả đi cả về cũng mất một tiếng, thường thì hai bố con sẽ tìm cái hiệu bánh mỳ mua tạm hai cái để ăn chống đói, rồi tạt vào quán nước chè gần cổng trung tâm ngồi chờ. Thế nhưng lần này nó nhất định đòi về nhà vì cái quần ướt giờ đang bốc mùi khai. Để cho nhanh và tiện, tôi dắt nó sang bên kia đường mua luôn cái quần đùi thay cái quần đồng phục. Kết quả là bên trên áo trắng in logo của trường, bên dưới là quần đùi hoa, trông rất kỳ cục. Nhưng vào thời điểm nhạy cảm này, ông con thấy như thế là thỏa mãn.
Lo cho ông con xong, vừa ngồi cầm cốc trà đá đưa lên miệng rít được một nửa khoan khoái thì tự nhiên thấy tức ở bụng, mới nhớ ra là vì mải “chạy show” đưa đón các con đi học thêm, mình cũng chưa kịp đi “giải quyết”. Nhớn nhác nhìn quanh thì đâu đâu cũng hàng quán, người ngợm đông đúc, chẳng có chỗ nào mà “xả” được. Chẳng nhẽ lại phải “hoãn cái sự sung sướng” lại ngay lúc này, mà còn hơn nửa tiếng nữa con bé mới học xong, mà học xong thì cũng còn mấy cây số nữa mới về được tới nhà, đó là chưa kể nếu tắc đường…
Nghĩ đến đây tôi vã mồ hôi hột, cái bàng quang dường như sắp nổ tung. Tôi nói nhỏ với thằng con: “Bố buồn đi giải quyết”. Nó tủm tỉm cười: “Bố tự tìm cách đi”. “Nhưng ở đây đông quá, làm sao bây giờ?”. Tôi hy vọng nó có thể tìm phương án cứu cánh cho bố. “Thì bố cứ tè luôn ra quần, rồi sang đường mua cái quần đùi như con mà mặc”.
Đang định cốc đầu nó thì chợt tôi thấy lóe sáng một ý tưởng. Tôi dắt nó sang cái hiệu quần áo ban nãy, lấy cớ hỏi mua thêm cái quần đùi rồi tiện thể xin đi nhờ… nhà vệ sinh. Thế là 100 ngàn vừa mua được quần đùi vừa có thể “giải quyết bức xúc”.
Dắt tay nhau sang đường, thằng con cứ hỏi: “Bố ơi, tè dầm là tại mình không nhịn được, chứ không phải tại chim bố nhỉ?”.
Ngẫm lại cái sự học thêm, nó chẳng khác gì hiện tượng mắc tiểu. Mắc tiểu là nhu cầu bức thiết của con người, còn bộ phận “xả nước” chỉ là một phương tiện để giải quyết cái nhu cầu ấy.
Vừa qua ngồi nghe báo đài nói về cái vụ bắt ép học sinh học thêm tại trường Cao Bá Quát ở tận Đắc Lắc. Hầu như tất cả phụ huynh học sinh đều “tự nguyện” ký vào đơn “xin” cho con học thêm nhưng trên fanpage của một nhóm học sinh, hàng loạt phụ huynh và học sinh ngấm ngầm phản đối.
Ông Chánh thanh tra Sở GD& ĐT thì kết luận đây là “thiếu sót” trong hoạt động dạy thêm học thêm và những cái mà ông cho là thiếu sót ấy là hàng loạt các… thiếu sót như chưa tổng hết đánh giá kết quả dạy thêm học thêm, chưa thống nhất các thuật ngữ… Tóm lại là đến hơn chục cái lý do “thiếu sót”.
Nếu dùng từ “sai phạm” có lẽ không hợp lúc này, bởi nhà trường đã được “cấp phép tổ chức dạy thêm học thêm” cơ mà. Nếu sau phạm thì có mà…
Đó mới chỉ là trường hợp một trường Cao Bá Quát lên tiếng, còn không biết bao nhiêu trường học đang ở trong tình trạng “mắc tiểu” như thế này.
Đôi khi một số bộ phận những người làm nghề giáo dục có nhu cầu dạy thêm vì lý do của riêng họ nhưng lại đổ tại học sinh có nhu cầu học thêm nên họ mới phải dạy. Thế chẳng hóa ra, tè dầm lại đổ tại chim đó sao?
Nguồn: Tamsugiadinh