Nhà em nằm trong khu đô thị Xa La các mẹ ạ! Cứ tới mùa mưa là sợ lắm. Sợ nhất là lũ kiến ba khoang tràn vào nhà. Khổ thân, năm rồi con em từng bị mấy con kiến quỷ này cắn, bỏng cả hai bắp chân phải điều trị hơn tháng mới dần lành được.
Người lớn bị kiến này cắn đã nguy lắm rồi huống chi con nít, da mỏng manh và dễ bị kích ứng.
Con em bị rồi, qua rồi nhưng nhân đọc trường hợp này liên quan tới mấy con kiến quỷ sứ nên viết vài dòng cảnh báo cho các mẹ.
Ở Thái Lan đã từng có bé 12 tuổi suýt chết vì bị kiến cắn. Bé này được bố mẹ gửi sống tại một ngôi chùa ở Bangkok trong dịp hè.
Trong lúc quét chùa vào buổi sáng, bé bị kiến cắn. Sau 15 phút, từ chỗ vết cắn, da bé này bắt đầu dày rộp lên như cơm cháy rồi dần dần lan khắp người từ chân, tay, miệng cho đến mí mắt. Tất cả mọi bộ phận trên cơ thể bé đều bị sưng đỏ. Một lúc sau khi vết sưng đỏ lan gần hết người thì bé thở gấp và có dấu hiệu sắp ngưng sưng thở. Đến lúc này, mọi người mới đưa bé đến bệnh viện để cấp cứu. Các bác sĩ chẩn đoán bé bị ứng nghiêm trọng và cần phải được điều trị sớm nếu không có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Bản thân em, hồi còn bé cũng đã từng chứng kiến một thằng bạn bị kiến cắn phải nhập viện cấp cứu. Chính vì vậy dù là con hay bất kỳ ai trong nhà bị kiến cắn em đều rất lo lắng.
Tại sao kiến cắn có thể gây dị ứng?
Dị ứng kiến hay côn trùng là phản ứng của cơ thể với nọc độc của côn trùng có chứa protein với những đặc tính enzym gây dị ứng. Các triệu chứng có thể là đau, sưng tấy hoặc nóng buốt tại vị trí bị cắn và có thể lan khắp toàn thân nếu dị ứng nặng. Tất nhiên, không phải bất kỳ loài kiến nào cũng có thể gây ra những triệu chứng này nhưng các mẹ cũng phải cẩn thận khi thấy con bị kiến cắn, đặc biệt là kiến ba khoang.
Trên cơ thể của kiến ba khoang có chứa độc tố có tên Pederin (C24H43O9N), có độc tính gấp 12-15 lần nọc rắn hổ nhưng với lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ để gây chết người như nọc rắn. Pederin có trong máu con vật. Khi con vật đã chết khô và để trong 8 năm thì độc tính vẫn tồn tại.
Làm thế nào để biết con bị dị ứng nghiêm trọng do vết kiến cắn?
Nếu dị ứng nghiêm trọng, các triệu chứng sẽ xuất hiện rất nhanh ngay sau khi bị cắn với cảm giác đau, nóng rát hoặc bỏng. Trong vòng 1-4 giờ, sau khi bị cắn, bé cần phải được xử lý gấp. Trong một số trường hợp, bé có thể bị nhồi tim và đột quỵ với các triệu chứng: chóng mặt, ngất xỉu, huyết áp thấp và sốc phản vệ. Ngoài ra, một số bé có thể gặp triệu chứng liên quan đến hệ hô hấp như: hắt hơi, nghẹt mũi, chảy nước mũi, khó thở, tiếng ngực nổ ran lớn. Nếu là các triệu chứng trên da bao gồm: phát ban, nổi mề đay, sưng miệng và mí mắt.
Loài kiến nào nguy hiểm với trẻ nhỏ?
Không phải tất cả các loài kiến đều gây dị ứng cấp tính nghiêm trọng khi cắn qua da. Sự khác biệt giữa các loài kiến ở mỗi huyện trong cả nước có thể gây ra những triệu chứng khác nhau. Ở nước ta và các nước châu Á, kiến ba khoang là đáng sợ nhất. Tuy nhiên, mức độ gây dị ứng nghiêm trọng nhất phải kể đến kiến Canada, kiến lửa Thái Lan.
Nếu con bị kiến cắn gây dị ứng nghiêm trọng phải làm gì?
Nếu bị kiến cắn và gây dị ứng nghiêm trọng, nên rửa vết cắn bằng nước và xà phòng, sau đó thoa hồ nước làm dịu vết cắn và đưa đi bệnh viện gấp. Nếu bé từng bị dị ứng nghiêm trọng với các vết đốt côn trùng càng phải nhanh chóng đưa trẻ đi bệnh viện. Bác sĩ sẽ tiêm thuốc khẩn cấp để cứu sống bé và điều trị theo phác đồ.
Nếu đó là kiến ba khoang, nên:
Dùng nước muối sinh lý rửa nhẹ nhàng để làm sạch chất độc bám trên da.
Sau đó dùng hồ nước bôi lên vùng da tổn thương nhằm mục đích làm mát da, tránh phồng rộp.
Khi da đã bị nổi mụn, phòng rộp như vết bỏng, tiếp tục dùng hồ nước bôi để làm sạch, dịu da.
Nếu vùng tổn thương xuất hiện mủ, dùng dung dịch xanh methylen bôi lên vết thương để sát khuẩn, tránh bị nhiễm trùng.
Khi vết thương đã khô, không còn chảy dịch, hãy sử dụng các loại thuốc dạng mỡ có tính kháng sinh, diệt khuẩn kèm corticoid loại nhẹ và vừa (ví dụ fucidin-H, fucicort) để bôi, giúp vết thương mau lành.
Nếu bị tổn thương nặng, cần phải có bác sĩ kê đơn thuốc uống kèm với bôi bên ngoài để ngăn ngừa nguy cơ dị ứng toàn thân hoặc bội nhiễm nặng.
Phòng kiến cắn
Kiến ba khoang rất khó diệt, những loại thuốc xịt côn trùng thông thường không có tác dụng. Trong khi đó, đặc điểm của loài côn trùng này là ưa ánh sáng, người dân có thể dựa vào đặc tính này để hạn chế kiến ba khoang vào nhà. Riêng ở khu khu chung cư nên bố trí hệ thống đèn hợp lý, chỗ xa nhà nên bố trí ánh đèn mạnh để thu hút côn trùng, càng đến gần nhà thì dùng ánh sáng dịu, đỏ, vàng.
Theo Webtretho