Nồi áp suất là dụng cụ gia dụng được nhiều gia đình lựa chọn nhưng nếu lựa chọn hàng kém chất lượng và sử dụng sai cách nó vô cùng nguy hiểm.
Nồi áp suất là một loại dụng cụ nhà bếp rất tiện lợi với các ưu điểm như tiết kiệm nhiên liệu, giữ được các chất bổ dưỡng trong thức ăn mà các cách nấu nướng bình thường khác không làm được, nấu ăn trong khoảng thời gian nhanh…. Do đó chúng được sử dụng khá nhiều trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, những trường hợp nổ nồi áp suất, bị bỏng do sử dụng nồi áp suất cũng không phải ít. Tai hại nguy hiểm đó được gây ra bởi những nồi áp suất tương đối lớn. Tuy nhiên những nguy cơ này cũng có thể gặp ở những nồi áp suất dạng nhỏ. Càng nguy hiểm hơn với người tiêu dùng khi lựa chọn và sử dụng nồi áp suất kém chất lượng.
Theo chuyên gia, về cơ chế, nồi áp suất là loại nồi nấu có nắp đậy kín. Khi nấu, hơi trong nồi tăng cao nhưng không thoát ra ngoài được nên áp suất tăng lên và kéo theo nhiệt độ trong nồi tăng cao. Khi áp suất đến ngưỡng chịu đựng thì phải có một bộ phận là van hạ áp, hay còn gọi là xu-páp đảm bảo việc cân bằng áp suất. Nếu van xả có vấn đề thì rất dễ gây nổ khi có áp suất lớn.
Ngoài ra, cấu trúc của nồi áp suất có thể thay đổi tùy theo thương hiệu và kích thước khác nhau, nhưng tất cả đều có chung ba bộ phận chính: một bộ điều chỉnh áp suất, kiểm soát và duy trì áp suất trong nồi nấu; một ống thông hơi, cho phép phần áp lực dư thừa thoát ra ngoài; và một vòng đệm, giúp gắn khít phần nắp và thân để hơi nước không thoát ra ngoài.
Do hoạt động theo cơ chế trên nên trường hợp van hơi bị nghẹt khiến áp suất bị nén quá lớn nên nếu người sử dụng hầm thức ăn đến cạn nước mà không biết cũng có thể gây nổ nồi. Còn nếu mua phải nồi kém chất lượng, các thiết bị như van an toàn, vòng đệm không bảo đảm nên khi nấu, các linh kiện này không hoạt động hoặc gắn kết không chắc chắn cũng dẫn đến nổ khi áp suất trong nồi tăng cao…
Ngoài ra, người sử dụng cũng rất dễ bị tai nạn khi vừa nấu xong đã mở ngay nắp nồi. Lúc này áp suất trong nồi còn rất lớn sẽ đẩy hơi nóng hoặc thức ăn bắn vào người gây bỏng. Hoặc nhiều khi sơ ý, người nấu đặt vật nặng lên vung nồi khiến van điều áp không hoạt động cũng có thể gây nổ.
Vì thế, người tiêu dùng nên chọn nồi áp suất có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng và vẫn phải đọc kỹ hướng đẫn sử dụng trước khi dùng.
Để kiểm tra độ an toàn của nồi bạn hãy đổ nước vào nồi rồi đun thử. Nếu không có hơi nước phì ra ở miệng có nghĩa gioăng của nồi đạt yêu cầu. Nếu van khí của nồi tự động mở để xả khí khi áp suất trong nồi đạt ngưỡng – vẫn đạt yêu cầu.
Còn khi dùng nấu thức ăn thì nên chú ý những điều sau: Lượng thức ăn khi cho vào nồi không không nên quá 2/3 nồi. Đặc biệt với những loại thực phẩm có độ nở to, tạo bọt nhiều…
Cần đậy nắp kỹ, vặn nắp đúng chiều để nắp đóng thật kín, kiểm tra lại các van xem nó có nghẹt không. Khi sử dụng nên chú ý vệ sinh nồi thường xuyên, đặc biệt là vệ sinh gioăng cao su và van điều áp để tránh rò hơi hoặc tắc van gây nguy hiểm.
Khi nấu nên để bếp cháy vừa phải, đun trong thời gian từ 15-20 phút đến khi nồi đạt áp suất ngưỡng – van khí tự động xả hơi thì vặn nhỏ lửa hoặc tắt bếp để đồ ăn tự chín. Cách làm này vừa giúp tiết kiệm lại an toàn.
Khi muốn thấy thức ăn cần: Tắt bếp trước 5-10 phút; Ấn nút xả hết khí trong nồi ra ngoài để áp suất trong nồi và bên ngoài cân bằng rồi mới được mở nắp
Theo Phụ Nữ và Gia Đình