Nổi lên từ đầu 2016 nhưng đến nay, trào lưu làm đẹp da bằng phương pháp lăn kim vẫn đang thu hút được rất nhiều sự chú ý của các tín đồ làm đẹp. Nhiều cô gái đang phân vân muốn thử nghiệm nhưng chi phí thực hiện liệu trình ở spa quá đắt mà tự làm ở nhà thì thiếu kiến thức.
Nổi lên như 1 trào lưu làm đẹp da được ca ngợi hết lời, phương pháp lăn kim được giới thiệu là sẽ kích thích tế bào da tái tạo, sản sinh collagen, tăng khả năng đàn hồi và trẻ hóa làn da.
1. Phương pháp lăn kim là gì?
Thực chất, phương pháp này sử dụng bánh lăn hoặc bút lăn chứa nhiều đầu kim nhỏ và sắc bén tác động lên da làm tăng cường sản sinh collagen, khắc phục các khiếm khuyết của da một cách tự nhiên.
2. Nguyên tắc hoạt động
Phương pháp này hoạt động theo nguyên tắc những đầu kim siêu nhỏ sẽ đâm vào lớp biểu bì trên da, tạo nên các tổn thương nhỏ nhằm kích thích cơ chế tự làm lành vết thương của da.
Từ đó, tăng sinh tế bào, hình thành collagen và elastin mới, tái tạo lớp da mới tươi trẻ hơn.
Ưu điểm vượt trội đã được nghiên cứu của phương pháp này là cải thiện làn da từ trong ra ngoài.
3. Công dụng của phương pháp này
Công dụng chính của lăn kim là tăng sản sinh collagen giúp trẻ hóa da và tăng khả năng hấp thụ dưỡng chất gấp nhiều lần.
4. Dụng cụ cơ bản
Dụng cụ cơ bản của phương pháp này có 2 loại là Dermaroller (con lăn tay) và Dermapen (bút kim điện). Cách hoạt động của 2 dụng cụ này về cơ bản đều giống nhau nhưng chi phí lại chênh lệch nhiều lần.
Trong khi Dermaroller (trái) chỉ có giá 30$ (khoảng hơn 600.000 VNĐ) thì Dermapen (phải) lại có giá thành đắt hơn nhiều lần: 750$ (khoảng hơn 16 triệu VNĐ)
Đối với những tín đồ muốn lăn kim tại nhà, Dermaroller sẽ là lựa chọn hoàn hảo. Dermaroller có cấu tạo 1 bánh lăn hình ống, trên bánh lăn có hơn 200 đầu kim siêu nhỏ được sắp xếp chuẩn xác làm từ vật liệu thép chống rỉ, có độ cứng cao.
Những đầu kim siêu nhỏ sẽ giúp tái tạo da hoàn hảo
5. Những cái “giá” của việc lăn kim
Tại các spa, giá của 1 lần lăn kim trị mụn là 5 triệu VNĐ và gói 3 lần là 7.5 triệu VNĐ. Thế nhưng, bên cạnh những cô nàng nhận được hiệu quả tích cực từ phương pháp làm đẹp này thì cũng xuất hiện không ít cô gái đã “khóc thét” vì gương mặt sau lăn kim.
Làn da căng bóng không thấy đâu mà bỗng đóng vẩy thành từng mảng như thế này
Cô nàng này sau khi lăn kim cũng gặp rắc rối vì da bị thương tổn
Mụn thậm chí còn lên nhiều hơn và da trở nên bóng dầu, ửng đỏ
Tình trạng này do đâu mà ra?
Theo các BS da liễu, tái sử dụng kim mà không đảm bảo vệ sinh hay dùng kim Trung Quốc kém chất lượng đều có thể gây nên tình trạng da tổn thương, viêm nhiễm, sưng tấy,… như trên. Chưa kể đến các bệnh về da có thể lan truyền khi tái sử dụng kim. Ngoài ra, kim kém chất lượng, đầu kim không đủ sắc và nhỏ sẽ làm rách mô liên kết, thủng mạch và mao mạch dẫn đến hình thành các ổ tụ huyết cầu dưới da làm da sạm đen hơn.
Kim lăn nhái được bán trôi nổi với giá rẻ hơn rất nhiều lần
Thay vào đó, nếu sử dụng kim lăn đảm bảo nguồn gốc và vệ sinh sạch sẽ thì việc tự thực hiện lăn kim ở nhà hóa ra lại là 1 giải pháp hiệu quả hơn hẳn.
6. Nếu lăn kim ở nhà, cần chú ý gì?
Nếu tự lăn kim tại nhà, bạn không nên sử dụng lực để lăn kim. Có thể sẽ có cảm giác ngứa khi mới thử nghiệm nhưng sau đó sẽ hết.
Khi lăn kim, bạn nên thực hiện vào buổi tối và lăn theo các hướng ngang, dọc, chéo. Ngoài ra, bạn nên tránh lăn vùng da sát mắt, môi bởi nó rất nhạy cảm và mỏng hơn.
Khi chọn phương pháp tự lăn kim tại nhà, bạn cần kim nhỏ, dao động từ 0,2 – 1mm để tránh gây tổn thương quá lớn cho da.
7. Quy trình thực hiện
Bước 1: Đầu tiên, bạn cần tẩy trang thật sạch lớp trang điểm.
Bước 2: Tiếp đó, rửa sạch mặt để lấy đi lớp bụi bẩn, dầu nhờn và những tạp chất sâu nằm sâu trong lỗ chân lông.
Bước 3: Nên tẩy tế bào chết để tăng hiệu quả cho quá trình lăn kim.
Bước 4: Dùng thuốc tê thấm vào miếng cotton ấn nhẹ lên da rồi tiến hành ủ tê (phủ màng bọc thực phẩm lên trong khoảng 15-30 phút để thuốc tê ngấm).
Bước 5: Lau sạch da bằng nước muối sinh lý thật kỹ rồi sát trùng da bằng Betadine 10% (có bán tại các hiệu thuốc). Sau đó lau lại bằng nước muối sinh lý 1 lần nữa, chờ khô để tiến hành lăn.
Bước 6: Bạn nên lăn vùng trán đầu tiên do đây là vùng da mỏng và nhạy cảm hơn các vùng còn lại nên cần được lăn trước vì thuốc tê còn đang phát huy tác dụng giảm đau cao.
– Sau đó lăn xuống 2 bên thái dương và 2 bên má, mũi, nhân trung và cằm.
– Lăn đều tay theo thứ tự từ trán đến cằm. Cần lăn kỹ ở những vùng da cần được điều trị.
Thoa các sản phẩm phục hồi (serums, vitamin, …) để kết hợp. Thời gian lăn tối đa là 2 phút và chỉ nên thực hiện khoảng 2 lần/ tuần là đủ.
8. Sau khi lăn kim cần lưu ý gì?
– Sau mỗi lần lăn kim, bạn cần sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF tối thiểu là 30 cho ít nhất 1 tuần đầu trong mọi thời điểm ra khỏi nhà để bảo vệ da.
– Bên cạnh đó, bạn cần bổ sung độ ẩm và dưỡng chất để da tự sửa chữa, tái tạo đồng thời chống khô, cải thiện kết cấu da hiệu quả hơn.
Nguồn: Phunuvagiadinh