Bài viết trên facebook của nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Thạch về cái kiếp đàn bà nhận được đông đảo sự quan tâm, đồng cảm và chia sẻ từ cư dân mạng.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch chia sẻ:
“Đàn bà biết không…
Đến một cái ngưỡng nhất định trong đời, chúng ta phải leo lên một cái ghế, đưa đầu vào cái thòng lọng được đặt tên rất ngọt ngào là “hôn nhân”. Vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta không biết liệu đến bao giờ thì cái ghế dưới chân mình bị đá văng đi mất.
“Lấy chồng”, hai cái chữ nghe nhạ tênh mà nặng ình ịch. Chọn một người để sống chung cả nửa đời còn lại, mà theo cái viễn cảnh bao đời nay là “nương nhờ chồng” thử hỏi, đàn bà nào không khỏi đắn đo cái chuyện chọn đúng hay sai.
Nhiều người tự hỏi, không chọn có được không?
Cái xã hội chúng ta đang sống nó lạ kỳ lắm. Người ta tự mặc định rằng những thứ phải đi theo đám đông sẽ thành quy chuẩn, những gì lệch ra khỏi quỹ đạo đó đều lạ dị biệt, khác người.
Chuẩn của đàn bà muôn đời nay mà người ta vẫn nghĩ, là sống đến lớn, lấy chồng rồi sinh con, làm cái công việc thiêng liêng là duy trì nòi giống, sản sinh ra cái thế hệ tiếp theo mang dáng vóc, hình hài của cả hai gia đình. Mà mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày, sinh ra đứa con rồi thì cái từ nó bập bẹ nói đầu tiên cũng là “Ba ba” chứ có bao giờ nó học kêu tiếng “mẹ” trước đâu.
Chệch đi khỏi cái chuẩn chung đó, đàn bà tự khắc trở thành giống loài dị biệt.
Chọn chồng, đâu dễ như đi chợ chọn bó rau con cá. Bởi chồng có khi cưới về thì tốt mà dăm bảy năm sau tự dưng đổ đốn, hư thân.
Đàn bà cưới chồng, nếu ở nhà nội trợ thì đâu mong gì chồng coi mình như bà hoàng, bà chúa. Chỉ đơn giản ông chồng biết hỏi han, quan tâm vài câu là đã thấy nhẹ lòng, thấy hạnh phúc. Vậy chứ bao nhiêu đàn ông làm được cái việc tưởng chừng như đơn giản đó hay cũng chỉ về nhà với cái gương mặt không quạu đăng quạu đeo thì cũng ngật ngà say xỉn?
Cưới chồng về, đàn bà vừa làm mẹ, làm vợ, làm bạn của đàn ông.
Chăm sóc đàn ông từ miếng ăn, cái mặc, giấc ngủ, không là mẹ thì là gì. Ngủ cùng đàn ông, sinh con cho đàn ông, đó phải chăng là thiên chức làm vợ. Còn những khi đàn ông buồn bã, bất đắc chí, đàn bà lại phải ngồi bên tâm sự như hai người bạn bè lâu năm. Đàn bà đa đoan cũng là vậy.
Nhiều khi chán, mà đàn bà có dám bỏ đàn ông đâu.
Đàn ông một đời vợ, nghe cái tiếng nó thanh, nó nhẹ nhàng. Chứ đàn bà một đời chồng thì nặng nề xiết bao. Mà dù cho bất cứ cái lý do gì để chia tay, dù cho đàn bà chủ động thì người ta vẫn xầm xì sau lưng rằng “Con đó bị chồng bỏ” chứ mấy đời ai nói “Thằng kia bị vợ đòi ly hôn.”
Mà đàn bà một đời chồng rồi thì coi như xong.
Bà chị sau khi chứng kiến ông chồng dắt gái về nhà trong lúc đi công tác, quyết định li dị. Rồi thì yêu một anh trẻ hơn vài tuổi, trai tân, tính chuyện trăm năm. Nào ngờ bên gia đình anh nhất định không chịu vì cái lẽ “Mấy đời trai tân nheo nhẻo đi cưới con mụ nạ dòng.”
Bà chị quyết định chia tay, mấy ngày buồn ngồi bên bàn rượu nhạt, chị hút thuốc, giọng nghe đắng lè, “… cái kiếp đàn bà, em ơi.”
Nghe mà thương, mà xót… Mà cầu cho cái kiếp đàn bà bớt khổ, nếu sống được trên chân mình thì phải sống, nếu phải nương nhờ đàn ông, cũng là tìm được một thằng đàn ông để xứng đáng gọi hai chữ “mình ơi”.
Cái kiếp đàn bà, ngàn năm vẫn khổ…”
Không phải ngẫu nhiên bài viết nhận được nhiều sự quan tâm và đồng cảm như vậy, phải chăng bạn Nguyễn Ngọc Thạch đã đánh trúng tâm tư suy nghĩ của chị em phụ nữ. Tuy nhiên, bài viết cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Bạn Duy Khoa nói: “Đàn bà hay đàn ông đều có cái khổ riêng. Đàn bà ngày xưa ở nhà chăm con đàn ông đánh giặc nhiều khi phơi xác sa trường không kịp nhìn mặt mũi con cái. Đàn ông nay mang nặng trên vai cả gia đình, sự nghiệp, con cái, lo kinh tế. Đàn ông xây nhà đàn bà xây tổ ấm. Đời đàn bà không đến nỗi như Thạch viết . Đời có sướng có khổ, chung quy là kiếp số.”
Bạn Hoa Phượng cho rằng: “Đã sinh ra là thân phận đàn bà thì sớm phải chịu bất công và thiệt thòi. Không thương bản thân mình thì chẳng ai thương thay mình. Chúng ta đến với thế giới này một mình thì trước khi song hành cùng một người khác thì hãy tập cách sống tốt 1 mình đi đã… Độc lập lên mà sống khoan vội dựa dẫm vào bất kì ai khác.”
Mặc dù trong xã hội ngày nay, quyền bình đẳng giới luôn được kêu gọi nhưng không thể một sớm một chiều có thể thay đổi. Dù chấp nhận hay không chúng ta vẫn phải thừa nhận phụ nữ đang phải chịu khá nhiều nhiều thiệt thòi: không chỉ ngoài xã hội mà còn trong đời sống gia đình. Chỉ mong rằng, phụ nữ sẽ được yêu thương và trân trọng vì họ xứng đáng được như vậy. Đừng để hôn nhân là việc hệ trọng cả đời ngưi của người phụ nữ lại được ví: “lấy chồng như một canh bạc”.