Nếu bạn muốn “đi đường tắt” vừa tiết kiệm thời gian, vừa chóng được khen về bát cơm mềm, thơm, tơi, xốp thì tham khảo mẹo nấu cơm rất đơn giản này.
Vo gạo nấu cơm thật sự là chuyện không thể nào quen thuộc hơn được nữa với hầu hết người Việt Nam, và người châu Á nói chung. Nhưng nói vậy không có nghĩa ai cũng đã nấu cơm ngon. Tuy thời này dùng nồi cơm điện thì rất khó xảy ra tình trạng nửa sống nửa khê nhưng chuyện cơm nhão, cơm khô, cơm vón cục… thì vẫn thường ngày ở huyện.
Tùy theo khẩu vị của gia đình và việc tự rút kinh nghiệm gia giảm mà mỗi người, nếu để tâm, sẽ tự khắc phục được những vấn đề trên sau vài lần thử – sai.
Nhưng bên cạnh đó, nếu bạn muốn “đi đường tắt” vừa tiết kiệm thời gian, vừa chóng được khen về bát cơm mềm, tơi, xốp thì có thể tham khảo mẹo nước cốt chanh: Rất đơn giản, bạn chỉ cần thêm 1 muỗng cà phê nước cốt chanh vào nước sôi trước khi cho gạo vào và nấu như bình thường, hoặc 2-3 muỗng cà phê nước cốt chanh để có thể cảm nhận vị chanh rõ hơn – việc này tùy thuộc khẩu vị.
Không như lo ngại, bạn sẽ chẳng thấy vị chua của chanh đâu mà chỉ nhận được thành quả là cơm tơi, mềm, dễ xới hơn hẳn.
Không chỉ thế, việc cho chanh (hoặc giấm) vào nước nấu cơm còn có thể giúp cơm không dễ bị thiu, chua, đặc biệt trong mùa hè nóng bức.
Ngoài nước cốt chanh (hoặc giấm), bạn cũng có thể cho vào cơm khi nấu những nguyên liệu quen thuộc khác:
– Muối – một chút muối sẽ giúp cơm lâu thiu;
– Dầu ăn – một chút dầu ăn hoặc mỡ động vật giúp cơm mềm, thơm;
– Đá viên – khoảng 2-3 viên đá cho vào nước ngâm gạo, để khoảng 15 phút rồi đem nấu sẽ giúp cơm dẻo, ngọt hơn;
– Trà xanh – có thể dùng lá trà, hoặc nước trà để nấu cơm, sẽ giúp cơm thơm hơn, lợi tiêu hóa và sức khỏe nói chung.
Bên cạnh đó, cũng hãy lưu ý rằng trong gạo, ngoài tinh bột là chủ yếu thì cũng chứa cả protein, vitamin, khoáng chất… nhưng những dưỡng chất này rất dễ bị thất thoát nhiều vì những lỗi thường mắc phải khi nấu cơm như:
– Vo gạo quá nhiều lần, quá kỹ, chà xát quá nhiều – hành động này có thể làm mất đến 60% vitamin nhóm B quan trọng ở gạo, do vậy, chỉ nên rửa qua gạo 1-2 lần cho sạch bụi là được.
– Nấu cơm quá lâu – bạn có thể rút ngắn thời gian đơn giản bằng cách ngâm gạo trước hoặc dùng nước nóng để nấu cơm.
Theo chuyên gia dinh dưỡng, dù bạn nấu cơm bằng bếp gì hay nồi gì, kể cả nồi cơm điện thì sử dụng nước sôi vẫn luôn tốt hơn nước lạnh do nước sôi giúp hạt gạo chín nhanh hơn, đều và dẻo hơn, ngoài ra còn bảo đảm được dưỡng chất.
Theo Soha