Mỗi quả chuối có độ dài từ 35 cm đến 45 cm và trọng lượng có thể lên đến 1,2 kg. Nhiều du khách đã hoảng hồn khi nhìn thấy giống chuối khổng lồ ở xứ Cầu Kè, Trà Vinh.
Loại chuối khổng lồ này có tên là chuối tá quạ (hay còn được dân địa phương gọi là chuối khổng lồ), một đặc sản của miền Cầu Kè, Trà Vinh.
Đặc điểm sinh trưởng của loại chuối này là ra nải trực tiếp chứ không trổ buồng như chuối thường. Mỗi cây chuối tá quạ cho ra rất ít trái nên được xem là loại trái cây quý, người Trà Vinh chỉ để dành dùng trong nhà chứ không bán.
Chuối tá quạ không thể lột vỏ ăn trực tiếp mà phải nấu lên chế biến thành món ăn. Vị của chuối tá quạ rất dẻo ngọt và thơm, thường được dùng để nấu cà ri, giả cầy… nhưng món ăn được người Trà Vinh yêu thích nhất là đem luộc chín.
Theo kinh nghiệm truyền lại, để luộc được chuối tá quạ phải lưu ý hàm lượng bột và quấn dây quanh từng trái như bánh tét, sao cho vỏ chuối không bị nứt, để nước không thấm vào làm nhão, nhạt ruột. Nước luộc chỉ đổ ngập trái, sau đó đặt phên tre, dằn đá cố định bên trên để chuối không bị xám màu của mủ, nấu khoảng tiếng rưỡi nhắc xuống chờ nguội xắt lát thưởng thức. Để đổi khẩu vị, có thể thái chuối cỡ hạt lựu nấu cháo vịt ăn rất ngon.
Một cây chuối tá quạ được trồng từ 8 đến 10 tháng ròng mới trổ quả. Chuối rất nhanh chín, nên phải tranh thủ ăn lúc vừa chín tới. Chuối tá quạ cũng rất khó trồng, bởi cây rất ít đâm chồi. Nhiều người cất công từ phương xa đến Cầu Kè để được một lần thưởng thức món chuối tá quạ nhưng cũng khó để thực hiện được ý định, bởi chuối trồng mất nhiều thời gian mới ra quả, lại rất dễ chín và hư hỏng.
Một số nhà hàng Nam Mỹ đã từng đến đây đặt hàng chuối tá quạ để nấu món cari truyền thống cho những thực khách đặc biệt thưởng thức.
Về miền Tây thưởng thức chuối tá quạ luộc
Theo ông bà xưa kể lại, chuối nầy trồng rất xui, và không nên trồng gần nhà vì ban đêm khi chuối trổ buồng vặn mình như chuyển dạ nghe tiếng động ”kịch… kịch” rất sợ. Sáng hôm sau, thức dậy ra sau vườn phát hiện buồng chuối non đã trổ tự bao giờ! Có lẽ, vì thế mà chúng có tên là “chuối tá quạ” (hay tá hỏa?) chăng?…
Ngày nay, chuối tá quạ được người dân nơi phố thị ưa chuộng, vì thế nông dân nhân giống về trồng rất nhiều. Chuối trồng khoảng chừng 8 – 9 tháng thì trổ bắp. Một buồng chuối thường chỉ có 1 – 2 nải, mỗi nải khoảng chục trái là cùng. Độ 2 tháng rưỡi sau, chuối già, có thể đốn xuống, ăn sống hoặc giú chín để bán.
Chuối tá quạ dẻo ngọt, thơm ngon nên có thể chế biến nhiều món ăn rất hấp dẫn như: nấu ca-ri, nấu lẩu… Nhưng món ăn được người lớn lẫn trẻ em ưa thích đó là chuối tá quạ chín luộc. (Giá tại Cần Thơ là 10.000đ một trái lớn)
Để có những trái chuối tá quạ chín luộc bán ra thị trường cần trải qua công đoạn sau: Chuối thật già chặt xuống, tách ra từng nải phơi nắng cho nóng rồi đem vào lu giú khoảng 2 hôm thì chuối chín hườm, lấy chuối ra. Dùng dao bén tách từng trái một. Lấy dây chuối (hoặc dây nylon) quấn chung quanh chuối (như đòn bánh tét) để giữ vỏ chuối không bị nứt, nước khi nấu sẽ không thấm vào khiến chuối bị mềm, không nhạt. Đổ nước ngập vào chuối bắc lên bếp nấu sôi. Chừng 1 tiếng sau, dùng đũa xom thử thấy chuối mềm nhắc xuống. Chờ chuối nguội xếp ra đĩa là xong. Chuối tá quạ vốn to trái, khi thưởng thức dùng dao bén xắt từng miếng cho vừa miệng, mới ngon.
Nếu có dịp về miền Tây trong ngày hè, mời bạn thưởng thức thứ trái ngon và lạ của vùng này. Cầm miếng chuối màu vàng nhạt, ruột trái tươm mật ngọt cho vào miệng nhai một cách từ tốn. Vị ngọt, dẻo thơm, bùi bùi của chuối lan tỏa thật hấp dẫn.