Em đã 18 tuổi, tức đã đủ tuổi trưởng thành để buộc phải có kiến thức nhất định khi cần bảo vệ mình. Em lại sắp lấy chồng, vậy ít nhất em phải trang bị cho bản thân kiến thức về hôn nhân, tình dục, sức khỏe sinh sản…
Em gái thân mến,
Em đang đau khổ vì bị mẹ chồng sắp cưới hủy hôn, bà cho rằng em không còn trinh tiết sau khi “bị bác sĩ nam dùng sai công cụ trong khi khám phụ khoa. Cụ thể là thay vì đặt thuốc để chữa bệnh cho em thì bác sĩ đã đặt… vật thể lạ vào. Lúc ấy trong phòng khám lại không có ai ngoài bác sĩ ấy và em.
Sau đó, em sợ hãi quá, em đứng dậy đi về mà không dám phản ứng tí gì với vị bác sĩ ấy, cũng không dám nói với ai đang ở chung quanh. Em về tận nhà mình mới kể lại cho người nhà biết“. (Trong ngoặc kép là nội dung vụ việc, do cô gái đơn phương thuật lại. Nguồn tin từ phía người bác sĩ – chưa được xác minh – cho biết cô gái bị viêm nhiễm âm đạo nặng và ông đang đặt thuốc thì cô đứng dậy bỏ ra ngoài).
Trước hết, chị phê bình em.
Giả sử những điều em thuật lại là khớp với thực tế.
Em đã 18 tuổi, tức đã đủ tuổi trưởng thành để buộc phải có kiến thức nhất định khi cần bảo vệ mình. Em lại sắp lấy chồng, vậy ít nhất em phải trang bị cho bản thân kiến thức về hôn nhân, tình dục, sức khỏe sinh sản… Ít nhất em cũng phải biết hét toáng lên khi bị vị bác sĩ kia (giả sử là) đang sàm sỡ em. Hét toáng lên để ngăn chặn hành vi ấy, để bộc lộ thái độ phản kháng của em, để có những người ở phòng khám làm chứng cho em là nạn nhân và khiến ông ấy xấu hổ. Sự xấu hổ đôi khi cũng ngăn đôi tay làm bậy lại.
Thế nhưng em lại chọn một cách hành xử rất tiêu cực và bất lợi là im lặng đi về. Cũng thật lạ lùng là vị bác sĩ đang làm cái việc sai trái kia lại để em đi một cách dễ dàng như vậy. Chị đoán rằng ông ấy phải lo sợ hoặc mua chuộc năn nỉ em để em giữ im lặng. Nếu không, còn bệnh nhân nào dám đến khám ở chỗ ông ấy?
Em hãy nhớ trước hết mình phải tự bảo vệ mình, sau đó mới nhờ đến những sự giúp đỡ khác.
Sau đó, em kể vị bác sĩ nọ đến nhà em đưa 5 rồi 10 triệu đồng. Trong các bài báo không nói rõ ông ấy đưa tiền để làm gì nhưng chi tiết này khiến người đọc ngầm hiểu đó là số tiền mua sự im lặng của em.
Lẽ ra, em nên làm thế này: giữ ông ấy lại, mời vài người chứng kiến việc ông ấy đưa tiền cho em, ghi rõ biên bản đưa tại đâu, mấy giờ, và quan trọng nhất là đưa để làm gì. Nhỡ đâu ông ấy nhờ em mua hàng, gửi lại số tiền em làm rơi trong phòng khám, hay trả nợ em thì sao? Nếu ông ấy thừa nhận đưa tiền để mua sự im lặng thì đó là bằng chứng gián tiếp cho thấy ông ấy đã có hành vi sai trái với em. Đó có thể đủ cho em kiện ra tòa đòi bồi thường danh dự và thiệt hại vật chất, giúp em “rửa mặt rửa mày” với thị phi nếu có.
Còn nếu đó là tiền đưa với mục đích khác thì em cần phải công bằng và minh bạch trong chuyện này. Em muốn bảo vệ danh dự của em, vị bác sĩ ấy cũng có danh dự phải bảo vệ. Một chi tiết bị hiểu lầm hay hiểu mơ hồ đều có thể gây oan ức cho một trong hai người, nhưng chi tiết “đưa tiền” này khi chưa được xác minh thì chỉ gây bất lợi cho phía vị bác sĩ ấy. Như vậy là không tử tế, không công bằng.
Nếu gia đình chồng vì nghi rằng em mất trinh tiết mà đòi hủy hôn, em hãy bình tâm xét lại mong muốn ấy thực sự do ai.
Nếu từ phía mẹ chồng, hãy nói rõ một lần với bà để bà hiểu. Nếu bà không thể hiểu, điều quan trọng là thái độ người chồng sắp cưới của em. Nếu con trai bà hạnh phúc với em, thì chậm nhất là khi bồng cháu bà sẽ quay lại thương yêu con dâu ngay thôi.
Nếu yêu cầu hủy hôn là từ phía người đàn ông mà em sắp cưới, còn chờ gì nữa, thỏa nguyện cho anh ta ngay đi.
Người đàn ông nỡ bỏ rơi vợ sắp cưới của mình trong một tai nạn, giữa lúc cô ấy đang hoang mang, khổ sở và cần anh ta nhất, chỉ vì lý do hết sức ích kỷ và man rợ là cô ấy mất trinh tiết, người ấy đã vứt toẹt mọi giá trị con người của em. Trong mắt anh ấy, em và một chiếc màng trinh ngang giá nhau, nỗi sợ hãi và cảm xúc của em cũng chẳng đáng một xu nào cả. Người ấy không thể là người đàn ông mạnh mẽ sẽ cùng em vượt khó khăn trong cuộc đời để xây dựng một gia đình đầm ấm đâu em. Hãy tặng anh ấy một chục chiếc màng trinh nhân tạo và rời xa anh ấy. Xong đâu đấy thì thắp nhang cảm tạ trời đất em nhé.
Em cũng đừng lo sẽ khó lấy chồng. 18 tuổi lấy chồng cũng còn sớm lắm. Có lẽ em nên học nghề cho thật giỏi, có việc làm thật tốt, học thêm kiến thức hôn nhân rồi hẵng lấy chồng. Lo gì, đàn ông nước mình nhiều hơn phụ nữ, em có nhiều cơ hội chọn được người đồng hành vững bền.
Nếu anh ấy tỏ vẻ cao ngạo “anh tha thứ cho em” xong rồi vẫn cưới. Đừng! Cứ chạy mất dép cho chị. Vì em không có lỗi, em không cần được ban ơn tha thứ. Hạnh phúc chỉ có trên cơ sở tôn trọng và bình đẳng, không ai được vênh vang cho mình cái quyền ban phát cho bên kia. Sau này, nó hành cho em ra bã.
Nếu anh ấy coi việc đó là một tai nạn, em đang là nạn nhân, anh ấy bên em để bảo vệ em khỏi điều tiếng và đau khổ, anh ấy bên em để sẵn sàng vạch mặt kẻ sai quấy kia ra tòa… thì túm chặt lấy em nhé không cho anh ấy thoát. Đấy là người đàn ông thực sự, điềm đạm và vững chãi, sẽ có thể bên em lâu dài.
Nhân đây, chị cũng giới thiệu lời khuyên của các bác sĩ để em có thêm chút kinh nghiệm trong lần đi khám phụ khoa sau.
Các bác sĩ nói, quy định trong khám phụ khoa là phòng khám phải luôn có từ ba người trở lên(có những trường hợp bệnh nhân chỉ muốn có mặt mình với riêng bác sĩ, đó là quyền chính đáng của họ để dễ trao đổi những thắc mắc riêng tư). Do vậy em có thể yêu cầu để cho bạn thân hay người nhà của mình có mặt cùng em trong khi em được khám, để họ hỗ trợ tinh thần và trấn an cho em.
Các bác sĩ cũng dặn thêm, em có thể yêu cầu được giải thích trước quy trình khám để có thể yên tâm và phối hợp tốt với bác sĩ trong khi khám. Tuyệt đối tránh trường hợp e ngại không dám hỏi rõ nên trong quá trình lại hiểu lầm các thao tác khám (có thể chạm vào các phần cơ thể nhạy cảm) rồi vội vã la hoảng lên khiến cả hai khó xử, gây bất lợi cho việc khám bệnh, hoặc tệ hơn là vu cáo luôn cho bác sĩ là lợi dụng sàm sỡ, hiếp dâm mình em nhé.
Trừ một số rất ít những kẻ bại hoại mặc áo ngành y, tuyệt đại đa số nhân viên y tế và bác sĩ đều hiểu rất rõ những ranh giới bất khả xâm phạm của công việc. Em nên tin họ, vì em đã trao cho họ toàn quyền chữa chạy cho cơ thể của mình. Họ là thầy thuốc cơ mà. Còn nếu vẫn chưa an tâm, em cứ đề nghị được khám với một bác sĩ nữ. Chuyện nhỏ như con thỏ, phải không?
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả*