Ngay cả cậu con trai 4 tuổi đi lạc khi xưa cũng không ngờ có ngày mình tìm được gia đình.
Một đêm năm 1986, khi chỉ mới được 4 tuổi, cậu bé Saroo Breirley khi đó đã trải qua một cơn ác mộng mà bất cứ gia đình nào cũng lo sợ: lạc mất mẹ.
Thời điểm đó, Saroo đang sống cùng mẹ và ba anh chị em trong một ngôi làng nhỏ ở Ấn Độ. Cuộc sống gia đình khi đó rất khó khăn và Saroo thường xuyên nghe tiếng khóc của mẹ vì quá khổ sở.
Để có tiền phụ mẹ trang trải cuộc sống, Saroo cùng anh trai Guddu phải đi quét dọn rác trên xe lửa.
Một ngày nọ, sau khi lên tàu, Guddu nói với Saroo: “Ở yên đây, anh quay lại ngay”. Saroo vâng lời anh và quyết định ngủ một giấc trong khi đợi anh trở về.
Đến khi thức giấc, Saroo hốt hoảng phát hiện ra chỉ có mỗi mình trong toa tàu vàanh trai không hề trở lại như lời đã nói.
Khốn khổ hơn, Saroo không biết đọc, chẳng biết viết hay đếm. Saroo cũng chẳng biết tên thị trấn hay khu vực mình ở, nên chẳng có cách nào liên lạc với mẹ.
Vậy là khi mới 4 tuổi, Saroo đã phải một mình lang thang ăn xin trên đường phố Calcutta – nơi chiếc xe lửa đã dừng lại.
Saroo nhớ lại: “Lúc đó tôi sợ lắm, tôi lại còn quá bé, chẳng biết mình đang ở đâu, từ đâu đến. Tôi hỏi rất nhiều người mong tìm lại được mẹ và anh trai nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu”.
Rất may mắn, trước khi trở thành thiếu niên, Saroo được đưa đến trung tâm cho trẻ em bị bỏ rơi.
Và số phận cũng chưa quá khắt nghiệt với Saroo khi bất ngờ được một gia đình người Úc nhận làm con nuôi vào năm 1987.
Từ đây, cuộc sống của Saroo đã bước sang một trang mới, chẳng còn những cuộc đấu tranh khủng khiếp, đầy nguy hiểm như đã từng phải trải qua suốt tuổi thơ, và dường như cơ hội tìm lại mẹ và anh chị em của Saroo ngày càng xa hơn.
Trong khi đó, mẹ Saroo kể từ khi mất con đã tìm kiếm khắp mọi nơi. Bà liên lạc với các cơ quan chức năng nhưng vẫn chẳng thể biết được tung tích của con.
Năm tháng qua đi, nỗi đau mất con vẫn âm ỉ trong bà và thi thoảng, nước mắt bà lại rơi khi nhớ con.
Ở Úc, mẹ nuôi của Saroo treo tấm bản đồ Ấn Độ trong phòng Saroo để con có thể nhớ về nguồn cội của mình.
Mỗi ngày, Saroo thức dậy, nhìn thấy tấm bản đồ đất nước mình và luôn bị ám ảnh bởi hàng loạt câu hỏi: Gia đình mình đang ở đâu?
Họ giờ như thế nào? Liệu mình có được gặp họ không? Những câu hỏi đó chưa bao giờ thôi xuất hiện trong tâm trí của Saroo.
Nhiều năm trôi qua, Saroo giờ đây đã là một chàng trai trưởng thành, bắt đầu hành trình tìm kiếm gia đình mình.
Và vào thời điểm năm 2011, Google Earth là nguồn hy vọng duy nhất của anh để tìm lại gia đình. Anh đã dành cả ngày để phóng to, thu nhỏ khu vực xung quanh Calcutta, kể cả những con hẻm, với hy vọng có thể nhận ra thứ gì đó đáng chú ý.
Saroo giải thích: “Tôi làm phép tính lấy thời gian ngủ trên xe lửa là 14 giờ nhân với tốc độ trung bình của xe lửa Ấn, ra được quãng đường khoảng 1.200km.
Và tôi bắt đầu dò tìm vị trí trên Google Earth”. Từ đó, Saroo tính toán rằng mình đã ngồi trên chuyến xe đi từ Khandwa đến Calcuta.
Và rồi, nhờ Google Earth, Saroo đã phát hiện ra điểm đáng lưu ý. Anh kể lại: “Khi tìm ra thị trấn đó, tôi phóng lớn hình ảnh và những ký ức khi xưa bắt đầu hiện về.
Tôi tìm thấy thác nước mình hay đến chơi lúc còn nhỏ”. Và thế là một ngày tháng 3/2012, Saroo quyết định quẩy balo lên về Ấn Độ, về thị trấn Khandwa để tìm mẹ và anh chị.
Khi về đến nơi mình sinh ra, Saroo liên tục lo lắng rằng gia đình sẽ không nhận ra mình. Ba người phụ nữ đang có mặt trong nhà vào lúc đó.
Không một lời nói, một trong số họ đã lao đến ôm Saroo trong vòng tay, ngay lập tức nhận ra anh chính cậu bé đã thất lạc 25 năm trước. Đó chính là mẹ Saroo. “Vậy là gia đình tôi được đoàn tụ”, Saroo hạnh phúc chia sẻ.
Saroo đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc. Sau rất nhiều năm không ngừng tìm kiếm, anh đã được gặp lại gia đình mình, 25 năm kể từ ngày đi lạc.
Hầu như tất cả mọi người trong gia đình Saroo đều còn, chỉ duy nhất một người. Đó chính là Guddu – người anh trai Saroo đã thất lạc.
Guddu không may mắn đã qua đời. Vài tháng sau khi Saroo mất tích, người ta đã tìm thấy xác của Guddu bên đường ray xe lửa.
Saroo giờ đây đã trở thành một doanh nhân thành đạt. Câu chuyện của anh đã được xuất bản thành quyển sách mang tựa đề: A long way home.
Không chỉ vậy, quyển sách này còn được hai nhà sản xuất Harvey Weinstein, Ian Canning, cùng đạo diễn Garth Davis chuyển thể thành phim với tựa đề Lion.
Bộ phim được đánh giá là ứng cử viên tiềm tàng trên đường đua Oscar 2017.