Mùa 8 của chương trình Anthony Bourdain: Parts Unknown vừa được phát trên kênh truyền hình CNN cách đây ít ngày, và chính Hà Nội của chúng ta chứ không phải nơi nào khác đã được chọn lên sóng ngay tập 1 khởi đầu chương trình.
Trong suốt 42 phút, đầu bếp Anthony Bourdain đã hòa mình vào dòng người địa phương khi chạy xe máy khám phá thủ đô của Việt Nam, ngắm nhìn khung cảnh thành phố cũng như tận hưởng ẩm thực nơi đây. Phân đoạn lúc Tổng thống Obama thưởng thức bún chả cũng xuất hiện. Thế nhưng, trong số những món ăn được ông Bourdain giới thiệu có một món ăn hết sức đặc biệt khiến người xem không biết nên cười hay nên khóc: Món “bún chửi”.
Theo chân đầu bếp Bourdain, chúng ta được đến với một quán bún nhỏ chuyên bán những món như bún sườn móng giò, bún dọc mùng… nằm ở phố Ngô Sĩ Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Thực ra, nếu bạn là người sành ăn, chắc chắn bạn cũng đã biết đến quán bún này, chỉ là dưới một cái tên khác – Bún chửi Ngô Sĩ Liên hay Bún chửi bà Thảo.
Gọi như vậy là bởi theo nhiều thực khách từng đến ăn tại đây cho biết, bà chủ quán lúc nào cũng luôn miệng la mắng, nói mát khách hàng bằng thứ giọng the thé… Chính ông Bourdain cũng không giấu nổi sự kinh ngạc của mình khi chứng kiến cách mà bà chủ nói chuyện với khách. Chia sẻ trải nghiệm về quán bún trên CNN, ông Bourdain nhận xét đây là “quán gắn liền với bà chủ nổi tiếng vì cách giao tiếp thẳng thắn và suồng sã với khách.”
Có thể thấy trong chương trình, khi có một thực khách nữ đứng chọn món, bà chủ quán đã chảnh chọe: “Gọi cái gì gọi nhanh lên, gọi gì mà lâu thế!”. Cuối cùng, vị khách chọn món bún lưỡi với mọc và ngay lập tức bị “ăn mắng”: “Nhà chị không có mọc. Em thích mọc, em ra ngoài chợ ấy. Ngoài chợ đầy mọc. Thôi tốt nhất là tự đi về nhà nấu lấy ăn nhé. Ở đây không nấu. Đi luôn!”
Ông Bourdain hài hước cho rằng món chửi của bà chủ quán cũng là một món trên thực đơn:“Chúng tôi nghe những lời mắng chỉ để thưởng thức món này”. Mặc kệ “món chửi” gia vị, đầu bếp nổi tiếng không ngớt lời khen cho món bún đậm đà của quán.
Ngay khi chương trình được lên sóng, nhiều người đã tỏ ra thích thú và phấn khích khi một quán ăn đặc biệt như vậy được xuất hiện trên kênh truyền hình nổi tiếng thế giới, còn một bộ phận khác lại cho rằng họ cảm thấy xấu hổ thay khi những hình ảnh không mấy đẹp như vậy được lan truyền đến bạn bè quốc tế. Và những cuộc tranh cãi nảy lửa cũng đã xảy ra giữa hai phe.
Nhiều người cho biết họ không ủng hộ việc chửi mắng khách hàng thái quá của không chỉ bà Thảo mà còn của nhiều chủ quán khác, tuy nhiên cũng không nên quá gay gắt với vấn đề này. Như chính Bourdain cũng nói, có thể coi đó là gia vị khiến món ăn trở nên đặc biệt hơn. Bà chủ quán cũng chỉ dừng lại ở mức chì chiết, “nói mát” chứ không có ác ý. Hơn nữa, đồ ăn ở đó ngon, điều này là không thể phủ định, hãy coi nó như thương hiệu riêng “độc, dị”, như một nét văn hóa chấm phá.
Còn phe phản đối cũng đưa ra nhiều ý kiến rằng không nên cổ súy cho phong cách dịch vụ “thiếu văn hóa” này.
Trên Facebook cá nhân của mình, nhà báo Trương Anh Ngọc cũng đã có một chia sẻ khá dài về vấn đề này. Anh cho biết mình không rõ các bạn tự hào vì chuyện “bún chửi” xuất hiện trên sóng CNN ở đây là tự hào thật hay là trong ngoặc kép, riêng anh thì “chỉ thấy xấu hổ”, bởi chương trình của Anthony Bourdain không chỉ là chương trình ẩm thực đơn thuần mà là từ ẩm thực suy ra văn hóa của vùng đất ấy, anh e ngại vị đầu bếp này cũng như những người theo dõi chương trình có thể sẽ nhìn thấy trong cái quán bún chửi ấy, thông qua văn hóa giao tiếp của bà chủ một nét văn hóa gì đấy của Hà Nội. Anh không rõ thông điệp mà người làm chương trình muốn gửi đến khán giả là gì khi đưa chi tiết quán “bún chửi” vào, phải chăng “nó là một nét văn hóa Hà Nội liên quan đến ẩm thực”?
Nhà báo cho rằng đã qua rồi thời bao cấp thiếu thốn, cái gì cũng phải phân phối theo tiêu chuẩn, hiện tại, người bán hàng là người cung cấp dịch vụ và khách hàng bỏ tiền ra để được phục vụ cho tương xứng với số tiền đã bỏ ra, trong một không gian mà họ chấp nhận được. Cũng theo anh, “Khách hàng ở mình nhiều người dễ dãi quá. Họ có thể nổi khùng trên Facebook khi ai đó không đồng ý với quan điểm của mình. Họ cũng sẵn sàng gây gổ đánh lại hoặc chửi người khác trong các vụ đụng xe trên đường. Nhưng họ sẵn sàng cất đi lòng tự trọng của họ vào ngăn kéo trước các dịch vụ kiểu này, chỉ cần được ăn ngon, ngon theo định nghĩa của họ.”
Quả đúng như vậy, nhiều người cho rằng “miếng ăn là miếng nhục”, hay như quán bún của bà Thảo, họ chỉ cần biết “bà ấy không chửi mình là được”, vậy là dần dà, việc nhẫn nhục, chịu đựng, “lâu rồi sẽ quen” đã trở thành phong cách của nhiều người. Họ quên mất rằng ăn uống cũng chỉ là một dịch vụ mà họ bỏ tiền ra để được đáp ứng nhu cầu, chứ không phải để bị ăn mắng, ăn chửi, hay thậm chí là bị xúc phạm như thế.
Tuy nhiên đến cùng thì chất lượng món ăn hay chất lượng phục vụ cái nào quan trọng hơn đều do chính khách hàng quyết định. Hy vọng mỗi hàng quán sẽ đừng bỏ quên tiêu chí “Khách hàng là thượng đế” và khách hàng cũng luôn là những khách hàng thông minh!