Phát hiện con có biểu hiện lạ khi nôn ra rất nhiều mảnh đen không xác định khi từ trường về, bố mẹ cậu bé đã gặng hỏi và tá hỏa khi biết được sự việc đau lòng xảy ra với con trai.
Hôm 23/9 vừa qua, cậu bé Liu XinZe, 10 tuổi, hiện đang là học sinh lớp 3 Trường tiểu học số 4 ở Đại Khánh, Hắc Long Giang, một tỉnh ở phía bắc Trung Quốc đã phải nhập viện sau khi gia đình phát hiện em nôn thốc nôn tháo ra chất dịch có “vật thể lạ” sau khi đi học về.
Theo Nhân dân nhật báo, khi đang ăn tối cùng gia đình, cậu bé đột nhiên cảm thấy chóng mặt và chạy vào nhà vệ sinh nôn dữ dội. Chị cậu bé đã rất sốc khi chứng kiến em trai nôn ra rất nhiều mảnh nhỏ màu đen. Gia đình vội vàng đưa bé Liu tới Bệnh viện Đa khoa Đại Khánh cấp cứu.
“Có rất nhiều mảnh nhỏ màu đen trong chất nôn của Liu. Tôi tự hỏi hay là em ấy ăn bánh quy Oreo mà chưa tiêu hết. Thế nhưng, sau đó tôi phát hiện ra đó thực ra là những mảnh ruột bút chì còn cứng nguyên”, chị gái của Liu XinZe kể lại với Đài truyền hình Hắc Long Giang.
Do nuốt phải quá nhiều ruột bút chì nên dịch dạ dày của bé Liu Xinze đã chuyển sang màu đen. Các bác sĩ phải mất 3 giờ đồng hồ mới làm sạch được dạ dày của cậu bé. Khi cha mẹ thắc mắc tại sao con lại ăn ruột bút chì, Liu tỏ ra sợ hãi nói em đã ăn chúng vì quá đói.
Tuy nhiên, sau nhiều lần gặng hỏi, cuối cùng Liu cũng khai thật rằng cậu bé bị hai bạn nữ học lớp 5 dọa nạt sẽ đánh nếu không nuốt hết vốc ruột bút chì mà chúng đưa cho. Cha mẹ của Liu đã báo cáo vụ việc cho cảnh sát.
Rất may, theo bác sĩ, bé Liu không bị nhiễm độc chì vì thực tế ruột bút làm bằng than chì này không có chứa chìa. Than chì được sử dụng cho những chiếc bút chì hiện nay chỉ là một dạng mềm của carbon và hầu như không có độc tính.
Tuy nhiên, những hiện tượng như đau bụng, nôn mửa vẫn có thể xảy ra khi người bệnh chẳng may nuốt phải ruột chì này.
Trước đó, hồi tháng 3/2016, một bé trai học lớp 2 tại Trường tiểu học SRK Batu Unjur thuộc thị trấn Bukit Tinggi, Malaysia cũng thú nhận bị năm nam sinh học lớp trên bắt nạt, bắt cắt lưỡi nếu không sẽ đấm vào mặt.
Những vụ bắt nạt, bạo hành học đường như vậy cũng không phải là hiếm tại Việt Nam. Chính vì vậy, câu chuyện này được xem như một bài học cho rất nhiều bậc phụ huynh có con em trong độ tuổi đến trường.
Ngoài việc chăm lo cho con về đời sống vật chất thì cha mẹ nên dành nhiều thời gian hơn để quan tâm đến tâm sinh lý của bé cũng như các mối quan hệ của con ở trường.
Để tránh những trường hợp đáng tiếc tương tự xảy ra, cha mẹ cần hết sức lưu ý thái độ của con sau khi tan trường để có hướng xử lý kịp thời. Nếu đi học về mà bé có những biểu hiện như sau thì nhiều khả năng bé đã phải chịu ấm ức ở trường:
– Cơ thể bé xuất hiện những vết bầm tím, trầy xước mà bé không giải thích được lý do
– Bé không thích đến trường và ngại tham gia các hoạt động tập thể hay không thích đến những chỗ đông người
– Tâm trạng bé trở nên bất thường mà không rõ lý do, xuất hiện những thay đổi trong hành vi ứng xử và tích cách.
– Thường xuyên bị mất đồ dùng học tập mà không nói rõ lý do vì có thể bé đã bị bạn nào đó cướp mất mà không dám nói.
– Bé đặc biệt sợ khi phải ở một mình nên thường bám bố mẹ hơn khi đưa trẻ đến trường.