Người giàu mua sự an toàn và người nghèo thì bán sự an toàn. An toàn thì không có giá rẻ.
Sự an toàn, ngỡ ấm áp mà luôn lạnh lùng. Nó được bày ra giữa chợ đời, sòng phẳng hơn bất cứ thứ sòng phẳng nào trên đời.
Bạn mua đắt thì cao, bạn mua rẻ thì thấp. Người mua không chỉ mua đứt bán đoạn mà còn phải tái tạo. Tức là, phải đầu tư để sự an toàn không bị cạn kiệt.
Ấy mà éo le thay, chúng ta luôn đòi hỏi những người bán – những người nghèo trong xã hội Việt Nam đương đại phải bán cho mình rẻ nhất, trong khi chúng ta không làm gì cho họ cả.
Đâu chỉ là người chở tôn?
Chiều 25/9/2016, theo thông tin từ bệnh viện 103, một nạn nhân được đưa vào bệnh viện trong tình trạng có một vết thương dài 20 cm ở vùng cổ, làm đứt khí quản và mạch máu, ở mặt có vết thương dài 5 cm.
Cho dù chưa có kết luận chính thức nào từ cơ quan điều tra, một loạt các báo đã lên tin với kết luận nạn nhân chết do một tấm tôn cứa cổ. Tuy nhiên thông tin từ hiện trường cho thấy các tấm tôn vẫn nằm nguyên trên xe và vết máu chủ yếu nằm ở chân chống xe cải tiến.
Có lẽ nỗi ám ảnh về cái chết của đứa bé bị tấm tôn cứa cổ đã đẩy cảm xúc của công chúng đi quá đà. Xe chở tôn chở thành một cụm từ nhạy cảm gắn liền với cái chết. Những người chở hàng cồng kềnh đồng nghĩa với những người cần bị trừng phạt và đào thải khỏi cuộc sống.
Nhưng họ có phải những người duy nhất gây nguy hiểm cho cuộc sống này?
Các thành phố lớn để thỏa mãn các nhu cầu của mình đều phải đón nhận một lượng lớn lao động nhập cư. Theo những thống kê không đầy đủ số lao động nhập cư không chính thức ở Hà Nội khoảng 1 triệu người và ở thành phố Hồ Chí Minh là khoảng 1,3 triệu người.
Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam năm 2015 cho biết 70% số lao động nhập cư nghèo trả lời họ đã phải thực hiện những công việc còn thiếu kỹ năng, kinh nghiệm.
Ví dụ đơn giản nhất là công việc trông trẻ em. Chắc chắn hầu hết các giúp việc trong lĩnh vực này đều chưa kinh qua bất kỳ trường lớp đào tạo nào mà chỉ đơn thuần thực hiện công việc theo kinh nghiệm.
Vì thế họ hoàn toàn không có khả năng xử lý những tình huống phức tạp liên quan đến sinh mệnh trẻ em: Xử lý hóc vật cứng, xử lý sơ cứu, xử lý cháy nổ… Khi giao con cái và cả một căn nhà cho họ cũng đồng nghĩa với việc để con cái và gia sản trong vòng nguy hiểm.
Trong khi đó mỗi ngày trung bình có khoảng 20 trẻ em tử vong từ các nguyên nhân chính: đuối nước, tai nạn giao thông, ngã, ngộ độc, bỏng, rắn cắn, vật sắc nhọn đâm vào người.
Ví dụ việc cháy nổ trong lĩnh vực hàn cắt kim loại. Vụ cháy tòa nhà ITC 64 người chết, hơn 70 người bị thương;vụ cháy tại tòa nhà 32 tầng đường Lê Duẩn, vụ cháy tại bar Barocco… Tất cả đều chung một nguyên nhân do thợ hàn không đủ trình độ và hiểu biết để thực hiện công việc chuyên môn.
Đa số các thợ hàn đều là lao động phổ thông, nhiều người học nghề qua truyền miệng và không hề được trang bị bất kỳ kiến thức phòng cháy chữa cháy nào.
Đó chỉ là hai ví dụ cho những mảng tối của lao động nhập cư nghèo. Đa số họ đều phải làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm và độc hại mà người thành thị hiếm khi làm.
Để có đủ các điều kiện và tiện nghi sống với mức giá phải chăng những người thành thị đã chấp nhận họ cũng như toàn bộ những rủi ro họ có thể mang lại từ hàng chục năm nay.
Họ có thể là những người chở gas không tuân thủ bất kỳ quy định an toàn nào; có thể là những anh thợ xây chỉ có kinh nghiệm và hoàn toàn có thể gây ra những vụ sập nhà như tại 34 Cửa Bắc; có thể là những anh thợ lắp điều hòa khiến thay đổi toàn bộ công suất của nguồn điện dẫn đến chập cháy bất kỳ lúc nào…
Vậy tại sao người chở tôn lại bị lên án mạnh mẽ như vậy? Cho dù về mặt thống kê nếu tính cái chết của cháu bé trên phương diện trẻ em tử vong do tai nạn thương tích thì đó chỉ là 1 trong số khoảng 580 trẻ em bị tai nạn, thương tích mỗi ngày.
Một năm trung bình có khoảng từ 6000 đến 7000 trẻ em chết từ những vụ tai nạn đó. Tỉ lệ này thuộc diện cao nhất thế giới và gấp đôi so với các nước trong khu vực.
Chúng ta đã làm gì cho họ ngoài sự đòi hỏi?
Không để những cảm xúc chi phối thì xét trên phương diện thống kê tỉ lệ chết do bị tôn cứa cổ là cực thấp.
Và nếu xã hội thực sự muốn an toàn thì vấn đề cốt yếu nằm ở việc giải quyết sự thiếu chuyên nghiệp của tất cả lực lượng lao động nhập cư và lao động mùa vụ. Trong đó những người chở hàng chỉ là một bộ phận.
Vì vậy việc cấm xe chở hàng cồng kềnh chắc chắn sẽ mang một tác dụng nhất định nhưng nếu đứng dưới góc độ an toàn thì rõ ràng đây là một biện pháp hành chính để trấn an xã hội nhiều hơn.
Những người lao động nhập cư nghèo ấy, họ có muốn sự an toàn không?
Xét trên điều kiện sống, họ không có khả năng nghĩ tới sự an toàn.
Đơn giản nhất từ những bữa ăn họ buộc phải ăn tất cả những gì có được, không quan tâm thực phẩm bẩn hay sạch; từ nơi ở họ buộc phải ở đâu rẻ nhất, thậm chí công viên vườn hoa.
Họ phải làm những công việc bẩn thỉu, nặng nhọc với những trang thiết bị khiêm tốn nhất, như chở tôn chỉ với một chiếc xe ba gác và vài đoạn dây.
Hầu như chưa từng có một chương trình phúc lợi nào cho họ, dù là đào tạo miễn phí về an toàn hay cung cấp những điều kiện sống tối thiểu.
Tự họ phải xoay sở với cuộc sống của mình. Ít nhất họ kiếm sống và không ngửa tay xin ai điều gì.
Và họ chỉ bán đi những gì mình có. Người nghèo có gì để bán ngoài sức lực và sự cố gắng? Khi đến cả sự an toàn của bản thân họ còn không nghĩ tới thì liệu họ có ý thức giữ an toàn cho người khác không?
Xã hội thượng tầng muốn đòi hỏi thêm gì ở những người ở dưới đáy xã hội đó?
Chưa kể đến những áp lực khác họ phải gánh chịu trong cuộc sống. Đơn giản như sự kỳ thị.
Cũng theo nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam tỉ lệ lao động nhập cư nghèo có sự e ngại thái độ thiếu thiện cảm của mọi người khi làm việc là 64,6% và lo ngại bị phân biệt đối xử trong công việc là 58%.
Đối với những người có điều kiện, để sống phải tìm kiếm các yếu tố an toàn.
Đối với những người nghèo, để mưu sinh đừng nghĩ đến chuyện an toàn.
Em bé bị tai nạn đã thổi bùng lên bức xúc của xã hội. Thế nhưng dường như chuyện người chở tôn chỉ là con dê tế thần cho những kỳ thị đô thị.
Để đạt tới an toàn thật sự hãy làm sao để những người lao động nhập cư nghèo có một cơ hội mưu sinh an toàn cho mình và cho cả xã hội.
Đó là bài toán của triết lý chính trị và kinh tế, khi những bất công được xử lý bằng một trí tuệ kiên định và sự phân hóa giàu nghèo được rút ngắn trong những nỗ lực thực tâm.