Anh Trường tình cờ gặp cô gái xinh đẹp Huyền Thương gần xưởng ô tô của gia đình, muốn thử lòng nên giả làm thợ sửa xe đến tận khi quyết định kết hôn.
Cuộc gặp gỡ định mệnh và mối tình nghèo lãng mạn
Năm 2011, chị Thương gặp gỡ và quen biết anh Trường khi còn là sinh viên báo chí năm nhất. Lúc đó anh Trường vừa về Việt Nam phụ giúp bố mẹ trông coi gara ô tô của gia đình sau hơn 10 năm du học và làm việc tại Mỹ.
Thấy cô sinh viên trẻ dễ thương, anh Trường lân la làm quen hỏi số điện thoại, tự nhận là thợ sửa xe ở gara. Từ đó anh hay nhắn tin trêu ghẹo, gọi điện trò chuyện với chị Thương. Còn chị thì thấy anh thật thà nên cũng vui vẻ đáp lời.
Đến một ngày chị trêu anh, bảo là đang đói thì một lúc sau liền thấy anh mang đồ ăn đến tận kí túc xá cho chị. Sau đó hai người bắt đầu nghiêm túc hẹn hò.
Suốt thời gian yêu nhau, đêm nào anh Trường cũng đứng canh ở sân kí túc xá đến tận 11 giờ đêm mới chịu về. Anh cũng hiếm khi mua quà tặng người yêu ngoài mấy gói mì tôm, cháo ăn liền, sữa đậu nành. Đặc biệt một lần chị được nhận món quà đắt tiền nhất từ anh là một chiếc điện thoại đã cũ, loại rẻ tiền.
Theo lời chị Thương, anh Trường ngày quen chị thường ăn vận rất lôi thôi, quần áo thì bẩn, túi thì rách, đầu tóc lại bù xù. Anh thường đi làm bằng xe buýt rồi nhờ chị ra đón đến chỗ làm. Ngoại hình của anh chẳng có gì đặc biệt, lùn lùn béo béo, nhưng chị mến anh ở cái tính hài hước, thật thà và có phần ngố ngố.
Quen nhau được vài tháng thì anh Trường ngỏ ý muốn kết hôn, cũng “khai” thật với chị về gia thế của mình. Lúc này trong đầu chị Thương chỉ nghĩ đơn giản rằng tiền của ấy là của bố mẹ chứ anh cũng chẳng có gì. Thậm chí khi nghe anh Trường nói nếu lấy nhau anh chỉ có chiếc ô tô, sẽ đi lái taxi thì chị có chịu nổi không thì chị xúc động quá, lại thấy tội anh vì mình mà phải chịu khổ, trong khi anh sống sung sướng từ bé.
Tuy nhiên chị Thương cũng rất tin tưởng vào chồng, vốn là người xông xáo, không ngại công việc, cũng không ăn chơi đua đòi và lên mặt với người khác. Vì thế mà chị gật đầu đồng ý lấy anh chứ chưa từng nghĩ tới chuyện giàu nghèo gì.
Thế nhưng đến hôm làm đám cưới chị mới biết cả những lời ấy của anh cũng đều là phép thử. Bố mẹ anh rất quý mến cô dâu mới và cuộc sống của vợ chồng anh cũng rất sung túc, dư giả.
Cuộc sống hôn nhân không như mơ
Cho đến nay anh chị đã gắn bó với nhau được 3 năm và cũng có với nhau một cậu con trai kháu khỉnh. Thế nhưng những ngày còn là vợ chồng son, hai người đã phải trải qua khoảng thời gian khá khủng hoảng.
Chị Thương kết hôn khi còn trẻ, chỉ mới là sinh viên năm 2, lại sinh con ngay nên gặp phải nhiều khó khăn. Chồng chị lại tham công tiếc việc nên có những khi ở lại gara mấy hôm liền, vô tâm với vợ con khiến chị giận dỗi và buồn phiền. Hai vợ chồng nhiều lần cãi vã và đỉnh điểm là một lần chị ôm con bỏ về nhà mẹ đẻ cả tháng trời, cắt đứt mọi liên lạc.
Lúc đó chị quyết tâm chấm dứt với chồng nếu anh còn không chịu thay đổi, vì theo chị, vợ chồng sống với nhau trọng chữ tình chữ nghĩa chứ không chỉ có vật chất. Nhưng may mắn thay, anh Trường còn thương vợ thương con nên đã sang đón hai mẹ con về và xin lỗi rất chân thành. Anh cũng thay đổi kể từ đó.
Giờ đây tổ ấm của họ rất hạnh phúc. Chị Thương làm chủ một công ty kinh doanh mĩ phẩm còn anh Trường thì tiếp quản công việc nhập khẩu, kinh doanh ô tô của gia đình.
Chia sẻ chân thành của thiếu gia giả nghèo thử lòng vợ
Anh Trường cho biết lúc mới về Việt Nam đã xem bộ phim Bỗng dưng muốn khóc nên rất muốn lấy vợ giống như nhân vật cô Trúc và thấy giả nghèo là cách thích hợp nhất. Anh cũng chỉ định trêu vợ thôi nhưng khi thấy chị tin và thương anh thật lòng thì ngày càng dành nhiều tình cảm cho vợ hơn.
Sau 3 năm mặn nồng thì anh Trường vẫn thấy quyết định chọn chị Thương là đúng đắn. Anh nói dù vợ có ương bướng và vụng việc nhà nhưng luôn biết cảm thông, chia sẻ với chồng là đủ rồi. Anh quan niệm đàn ông trong mọi hoàn cảnh đều phải tự mình gây dựng sự nghiệp và phải luôn nghiêm túc trong chuyện tình cảm. Có như vậy mới tìm được tri kỉ mà không cần dùng đến phép thử như anh.