Nữ hoàng Anh có một số đặc quyền độc đáo, trong đó đặc biệt nhất là đi du lịch không cần hộ chiếu.
Tổng thống Mỹ Barack Obama là một trong những nhân vật quyền lực nhất thế giới, nhưng khi đi ra nước ngoài vẫn cần đến hộ chiếu.
Thậm chí, khi xác ướp pharaoh Ramesses II được chuyển từ Ai Cập đến Paris năm 1974, chính quyền Ai Cập đã cấp cho vị pharaoh quá cố một hộ chiếu chính thức để có thể đi “du lịch”. Nghề nghiệp được ghi trên đó là “Vua (đã qua đời)”.
Nhưng Nữ hoàng Anh Elizabeth II lại không cần hộ chiếu. Tại sao vậy?
Câu trả lời cho quyền đặc biệt của Nữ hoàng Anh Elizabeth II là tất cả hộ chiếu của người Anh được cấp dưới tên của Nữ hoàng. Thông điệp về điều này được ghi ở ngay trang đầu tiên của hộ chiếu Anh.
Tóm lại, một phần ý nghĩa hộ chiếu Anh chính là yêu cầu của Nữ hoàng cho phép công dân Anh được xuất ngoại. Tất nhiên, hộ chiếu cũng là phương tiện để nhận dạng người sở hữu nó.
Vì thế, Nữ hoàng Anh cũng phải qua kiểm soát như những người bình thường khi đến một quốc gia khác. Nhưng nếu bị yêu cầu cho biết tên, tuổi, nghề nghiệp, bà thường chỉ trả lời là “Nữ hoàng”.
Ngoài việc không cần hộ chiếu, Nữ hoàng Anh không phải mang theo loại giấy tờ hình ảnh chính thức nào để xác minh thân phận. Trước khi bà đến một nước, các trợ lý của bà sẽ giải thích rõ ràng với các ban ngành liên quan của nước đó.
Bằng cách này, việc kiểm soát khi bà đến sẽ diễn ra nhanh chóng, đảm bảo các quan chức hải quan nước sở tại không đưa ra bất kỳ câu hỏi nào về việc bà thiếu hộ chiếu hay hình ảnh chứng minh, trong trường hợp họ không tin bà là Nữ hoàng.
Tất nhiên, hầu hết mọi người thế giới đều có thể nhận ra Nữ hoàng Anh. Bởi trên thực tế, bà thường xuyên đi cùng một đoàn tùy tùng, bằng máy bay riêng. Vậy nên, các sự cố thường sẽ không xảy ra, kể cả khi không gọi điện báo trước.
Tất cả các thành viên khác của hoàng gia đều phải có hộ chiếu như các công dân khác. Nhưng, hộ chiếu của họ có những chỉ dẫn ngoại giao đặc biệt, cho phép họ bỏ qua một số thủ tục kiểm tra an ninh thông thường.
Nữ hoàng cũng là người duy nhất ở Vương quốc Anh có thể lái xe mà không cần bằng lái. Tương tự hộ chiếu, bằng lái xe ở Anh được cấp nhân danh Nữ hoàng.
Trong suốt Chiến tranh thế giới thứ hai, Nữ hoàng, khi đó là công chúa, đã làm thợ máy và lái xe trong một quân đoàn nữ. Bà được đào tạo để có thể chữa và lái các loại xe quân sự.
Một câu chuyện thú vị về khả năng lái xe của Nữ hoàng xảy ra năm 1998 khi bà tới thăm trang viên ở Balmoral, Scotland, cùng với thái tử Ả Rập Saudi Abdullah bin Abdulaziz Al Saud.
Biết được ở Ả Rập, dù luật pháp không ghi rõ cấm phụ nữ lái xe, nhưng bằng lái xe lại chỉ được cấp cho đàn ông. Hơn thế, để thể hiện sự lịch thiệp và hiếu khách của người Anh, Nữ hoàng đã mời thái tử tham quan vùng đất thuộc trang viên.
Đại sứ Ả Rập lúc đó là Sherard Cowper-Cole cho biết, thái tử Abdullah đã vô cùng ngạc nhiên và lo ngại, ngay khi Nữ hoàng ngồi vào ghế lái và bắt đầu lái xe.
Lúc đó Nữ hoàng đã 72 tuổi, biết được thái tử Abdullah chưa bao giờ ngồi trong xe do một người phụ nữ điều khiến và đang tỏ ra lo lắng, bà cố tình lái xe càng nhanh càng tốt trên những con đường Scotland nhỏ hẹp.
Khi bà tăng tốc đến chóng mặt, thái tử đã phải hét lên với người phiên dịch, hy vọng bà có thể lái chậm lại. Nhưng Nữ hoàng bỏ qua và tiếp tục trò chuyện vui vẻ. Thật khó có thể tưởng tượng phản ứng của thái tử Abdullah, nếu Nữ hoàng nói với ngài ấy là bà không hề có bằng lái.