Phần lớn người Việt chúng ta, đặc biệt là các chị em đều có những thói quen xấu khó bỏ này khiến cho chiếc xe của mình mau hư hỏng, mọi người nên lưu ý những thói quen này nhé.
1. Thường không bơm bánh xe, kể cả khi bánh xe bắt đầu mềm.
Đây là sai lầm phổ biến nhất do sơ ý, quên hay lười bơm, nhưng đó thực sự là sai lầm to đấy. Khi bánh xe mềm sẽ gây ma sát rất lớn giữa vỏ (lốp) xe với ruột xe (săm) dẫn đến ruột xe bị mài mòn khiến dễ bị hỏng ruột xe, ngoài ra vỏ xe khi mềm sẽ tiếp xúc với mặt đường nhiền hơn dẫn đến mau mòn vỏ xe, giảm độ bền của cả vỏ và ruột và có khi hỏng lun những chi tiết liên quan. Ngoài ra bánh xe mềm sẽ làm giảm tốc độ của xe và làm tay lái nặng hơn, khó điều khiển.
2. Vá ruột khi bị thủng, vá những lỗ thủng to nhiều lỗ hay vá ruột đã vá nhiều lần trước đó.
Khi bị thủng ruột, suy nghĩ đầu tiên là vá mau mau để còn đi tiếp, nên thường kêu vá cho nhanh. Đó được gọi là vá tay hay còn gọi là vá tự động. Khi đi đường xa vá tay là tự sát, khi đi đường xa nhiệt độ bánh xe vào lúc trưa có thể lên đến gần 100 độ C, với nhiệt độ đó vá tay chắc chắn sẽ bị bong tróc, và bánh xe lại bị xì hơi, vừa mất tiền vừa mất thời gian.
Cách tốt nhất là kêu thợ hãy vá ép và thời gian vá ép không được dưới 10 phút , 10 phút là thời gian tối thiểu để miếng vá ép đảm bảo chất lượng. Còn chẳng may cán phải đinh hay tương tự, lỗ thủng quá to hay quá nhiều lỗ thủng, ruột quá nhiều lỗ vá đừng tiết kiệm vá lại, hãy thay cái ruột xe mới để đảm bảo cho chuyến đi suôn sẻ, an toàn.
3. Không thay vỏ khi vỏ đã mòn.
Vỏ xe là thứ quan trọng không kém gì ruột xe, tuy vỏ xe có tuổi thọ lâu hơn ruột xe nhưng không có nghĩa là không hỏng. Một cái vỏ xe khi dùng lâu sẽ bị mòn do bị vật sắc nhọn đâm phải, hay do đá trên đường, ổ gà…. nên nếu một cái vỏ xe khi sử dụng mà liên tiếp làm hỏng ruột thì tốt nhất là nên thay nó đi nếu không muốn tốn tiền và trên hết là phiền phức nó đem lại.
Mỗi vỏ xe đều có một rãnh khuyết ở bên ngoài vỏ xe, ngay giữa vỏ, đó gọi là rãnh tuổi thọ vỏ, nếu cái rãnh đó đã mòn hết thì là cũng đến lúc thay vỏ nếu không muốn gặp rắc rối.
4. Không thay nhớt khi xe đã hụt lượng nhớt cần thiết.
Nhớt xe là một điều tối cần thiết để động cơ xe máy hoạt động êm ái và giữ được tuổi thọ lâu bền. Tuy nhiên nếu không thay nhớt khi nhớ đã dưới mức cần thiết hay nhớt đã quá cặn và đen thì xe sẽ bị nóng máy hơn nhiều, tốc độ của xe sẽ giảm, động cơ bắt đầu kêu, hay tệ hơn là bị đứng máy do máy quá nóng và bị lúp bê (gip-pe) – hiện tượng hết nhớt khiến động cơ bị khô và kẹt cứng nhiều chi tiết máy.
Thế nên tốt nhất là thay nhớt định kỳ 3000km hay khoảng 2 tháng một lần. Hay kiểm tra nhớt thông qua nắp thăm nhớt (cũng chính là nắp nhớt) nếu lượng nhớt không đụng được que của nắp thì chắc chắn xe bạn đã hụt nhớt, hãy đi thay nhớt ngay để đảm bảo cho chiếc xe của bạn.
5. Không kiểm tra bộ nhông sên.
Bộ nhông sên là bộ truyền chuyển động từ động cơ sang bánh xe giúp xe chạy được. Là một bộ phận quan trọng nhưng ít người nào để ý đến nó, có thể vì không biết hay là biết nhưng lười. Nếu bộ nhông sên bị xuống cấp : sên dãn quá mức, mắt sên bị dập, dĩa nhông sau (gắn với bánh xe) và nhông trước (nằm trong đuôi cá, gắn với trục số) bị mòn hết răng. Nhẹ thì kêu, nặng thì tuột sên liên tục khiến xe không chạy tốt hay không chạy được.
Tốt nhất là hãy thường xuyên tăng đưa để tránh sên bị dùng quá, khi bộ nhông đã xuống cấp quá mức thì tốt nhất nên thay cả bộ, đừng thay một món lẻ, vì khi như thế bộ nhông sên sẽ không đồng đều dẫn đến phát ra tiếng kêu khó chịu và độ bền bị giảm mạnh. Mỗi xe có mỗi bộ nhông sên khác nhau nên cần thay đúng đời xe.
6. Không chịu kiểm tra khi xe có dấu hiệu bất thường
Chúng ta thường hay mặc kệ những chi tiết bất thường nho nhỏ khi chạy xe, nhưng hỡi ôi, những chi tiết nhỏ đó nếu không được xử lý ngay từ đầu sẽ hỏng nặng hơn sau một gian “được” bỏ mặc và hậu quả là sẽ gặp nhiều phiền phức hơn và chắc chắn là tốn nhiều tiền hơn, ví dụ như xe có vài tiếng kêu lạ, kèn không kêu, đèn không cháy, xi nhan không đánh đèn, xe chạy bị lệch tay cầm, rung lắc nhẹ, xe chạy không êm, lên ga bị bụp….
Hãy ngay lập tức tìm đến một thợ sửa xe máy và nhờ họ giải quyết ngay. Hãy tự tìm cho mình một người thợ đáng tin cậy nhé ! Bởi thợ không cứng khi sửa xe cho chúng ta đôi khi làm hỏng nhiều hơn. Và ưu tiên thay phụ tùng tốt đảm bảo an toàn và độ bền để tránh những phiền phức không muốn có.