Trước khi gặp sự cố mất thắng trên đèo Bảo Lộc chiếc xe khách này đã dừng chân tại 1 ngôi miếu nổi tiếng có tên Ba Cô, ngôi miếu mang trong mình nhiều điều bí ẩn gắn liền với con đèo đẹp và cũng đầy nguy hiểm này.
Nếu ai đã lên Đà Lạt theo quốc lộ 20, nhất định phải ngang qua đèo Bảo Lộc hay còn gọi là đèo B’lao, con đèo dài hơn 10km. Đèo với đường dốc quanh co, khúc khỉu nhưng phong cảnh lại tuyệt đẹp và hữu tình.
Không hùng vĩ như ngoạn mục, nhưng đèo Bảo Lộc lại mang một vẻ hoang sơ riêng. Ẩn hiện dưới những vách đá cheo leo nhà những bông hoa tím nho nhỏ giăng khắp các vách đá trên đèo, những bông hoa rừng không hương, không mặn mà nhưng lại quyến rũ bởi cái duyên mộc mạc, đơn sơ của nó.
Nằm ở khúc cua quanh co hình chữ U, với cánh lái xe miền Đông thì hãi nhất phải vượt qua những khúc cua tay áo trên đèo Bảo Lộc, lái xe khi qua đây thường chạy rất chậm. Rất nhiều du khách, tài xế còn dừng xe tại đây để vào miếu Ba Cô thắp hương cầu cho chuyến đi được an toàn.
Miếu Ba Cô là một thắng cảnh đẹp mang vẻ đẹp tâm linh, gần gũi. Nhưng liên quan đến ngôi miếu này có nhiều câu chuyện hư cấu khiến cho miếu Ba Cô trở thành điểm tham quan đối với nhiều du khách trong chuyến hành trình đến với Đà Lạt.
Chuyện kể rằng: Trước đây có ba cô gái tên là Loan – Hòa – Thảo là người dân miền đất Bảo Lộc và cả ba cô đều là sinh viên đang học tại Sài Gòn. Mùa hè đến, khi ba cô trên chuyến xe về quê, chạy tới khúc cua này do tài xế chạy nhay nên bị lật xe và lao xuống vực tử nạn. Không lâu sau đó có một đoàn xe du lịch lên Đà Lạt chạy tới khúc quanh này thì cũng bị lật xe và lao xuống vực. May mắn thay trong đoàn xe ấy còn bốn người sống sót gồm một chàng thanh niên và ba cô gái.
Dù rất yếu sau vụ tai nạn nhưng cả bốn người đều cố động viên lẫn nhau để cùng leo lên tới mặt đường. Trong quá trình leo lên dốc vực, cả bốn người đã làm quen với nhau và nói chuyện rất vui vẻ và hợp ý nhau. Do chàng trai bị nặng hơn nên thường xuyên được ba cô gái dìu dắt, kéo lên. Khi lên tới mặt đường, do đuối sức, chàng trai đã ngất xỉu. Khi tỉnh dậy, chàng trai thấy mình nằm trong bệnh viện nhưng không thấy ba cô gái kia đâu. Chàng hỏi mọi người thì biết rằng người ta chỉ thấy có mỗi mình chàng nằm bên đường mà không hề thấy có thêm ai cả.
Khi chàng miêu tả nhân dạng của ba cô gái nhưng cảnh sát nói rằng toàn bộ số người trong đoàn xe ấy đã thiệt mạng, hoàn toàn không có ai trẻ tuổi và giống như người chàng trai miêu tả cả và chàng là người duy nhất may mắn còn sống sót. Điều đặt biệt là hình dáng chàng trai miêu tả lại rất giống với ba cô gái bị tử nạn lúc trước.
Người ta cho rằng vì chết quá trẻ và còn trinh trắng nên oan hồn của ba cô gái lúc trước cứ vất vưởng nơi chân đèo và khi gặp trường hợp tai nạn tương tự nên đã hiển linh giúp đỡ chàng trai trẻ thoát chết. Sau đó dân làng nơi đây đã lập một ngôi miếu nhỏ bên chân đèo để cầu siêu cho linh hồn của những người chết oan vì tai nạn xe cộ và nhất là oan hồn của ba cô gái trẻ, và cầu an cho những khách bộ hành có việc khi đi ngang qua đoạn đường đèo này! Từ đó tai nạn xe cộ , ngay chỗ đèo nguy hiểm cũng bớt , và sau này người ta không còn thấy ba cô hiện ra nữa”.
Tuy nhiên, sự thật về miếu Ba Cô được Bà Lộc – là con của hai người lập miếu là ông Đặng Hà và bà Nguyễn Thị Biện kể lại rằng: Năm 17 tuổi, dưới thời Pháp thuộc ba bà từ Bình Định lên đây tìm miền đất mới và trốn lính. Khi tới con đèo này thấy có nhiều vụ tai nạn thương tâm do địa hình khắc nghiệt nên ông đã dựng miếu để thờ cúng. Hiện trong miếu còn có bàn thờ của ông Hà và bà Biện cùng gia quyến của nhà bà Lộc. Lúc đầu chỉ là một ngôi miếu nhỏ nhưng sau đó người dân đã ủng hộ nên mới xây ngôi miếu khang trang như bây giờ.
Hiện tại câu chuyện về ‘ba cô’ vẫn được lưu truyền trong nhiều người dân và cánh lái xe, có người cho rằng đây chỉ là câu chuyện ‘thêu hoa dệt gấm’ nhằm thu hút khách du lịch nhưng lại cũng có người cho rằng điều này là sự thật.
Theo phapluatso