Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) bắt đầu chuyển sang giai đoạn rải đường ray và hoàn thiện nhà ga mẫu. Ban Quản lý dự án Đường sắt cho biết, đoạn đổ bê tông dài 25m liên kết ray và mặt cầu đã được thử nghiệm thành công trên chiều dài ray khoảng 350 m đã rải.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) có tổng mức đầu tư là 891 triệu USD, tương đương 18.000 tỷ đồng, đi qua các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Từ Liêm. Dự án gồm 13 km đường sắt đi trên cao, 1,7 km ra vào khu nhà ga với 12 ga trên cao, nhà điều hành 9 tầng.
Hiện 10/12 nhà ga cơ bản đã hoàn thành xong việc lắp đặt dàn mái thép, trang trí nội thất, xây dựng đường lên xuống kết nối và các công trình phụ tạm. Trong đó, theo kế hoạch nhà ga La Khê (Hà Đông) sẽ hoàn thiện vào tháng 10/2016 và được chọn làm mẫu về tiến độ, chất lượng, an toàn, sau đó sẽ được nhân rộng cho các ga còn lại.
Đến thời điểm hiện tại nhà ga La Khê đã hoàn thành xong phần kết cấu chính bao gồm việc lắp mái vòm, ốp lát gạch, xây dựng các phòng chức năng và chỉ chờ lắp các thiết bị là có thể đi vào hoạt động
Nhà ga La Khê gồm 3 tầng. Trong đó, tầng 3 là khu đón trả khách, được thiết kế với vòm thép có khả năng ngăn tia cực tím và tạo không gian mở.
Tầng 2, 3 của nhà ga đều được ốp lát gạch men và phủ bạt chống xước. Trong đó, có thêm phần thiết kế vạch kẻ an toàn cho người đứng chờ tàu.
Mỗi nhà ga được trang trí với màu sắc khác nhau nhằm tạo điểm nhấn và giúp hành khách dễ dàng phân biệt. Tại nhà ga La Khê, toàn bộ gạch ốp cầu thang bộ, đỉnh mái và các thiết kế sơn bề ngoài đều có mầu xanh cốm đặc trưng.
Các phòng chờ chức năng được bố trí ở điểm đầu và cuối của nhà ga. Hiện đã được sơn phủ, ốp gạch và chỉ chờ lắp thiết bị là có thể đi vào sử dụng.
Hành lang an toàn được thiết kế vững chắc với hệ thống khung thép cao khoảng 1,5m và gắn kính cường lực.
Cùng với việc hoàn thành nhà ga mẫu, những mét đường ray đầu tiên đã được thực hiện trên tuyến Vành đai 3 – Thanh Xuân.
Theo đó, 25m ray đầu tiên tại dự án đường sắt trên cao đã được nghiệm thu để bắt đầu tiến hành đổ bê tông toàn tuyến.
Ray được rải và liên kết tạm, được căn chỉnh trước chính xác, gông, khóa rồi mới tiến hành đổ bê tông.
Dự án sử dụng công nghệ ray hàn liền kết hợp liên kết ray với bản mặt cầu không đá Ba lát nhằm tạo êm thuận và giảm rung lắc cho đoàn tàu khi chạy. Đây cũng là công nghệ được nhiều tuyến đường sắt tiên tiến trên thế giới sử dụng
Công đoạn rải ray và đổ bê tông liên kết ray và mặt cầu là công đoạn rất quan trọng đòi hỏi sự chính xác gần như tuyệt đối cả về cao trình và chiều rộng.
Về tiến độ thực hiện toàn dự án, theo Bộ Giao thông vận tải, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về vốn nhưng đến nay khối lượng xây lắp hạ tầng chạy tàu của Dự án đã hoàn thành 80%, trong đó: hoàn thành 100% trụ cầu khu gian (419 trụ) và 100% xà mũ các nhà ga (112 xà mũ), hoàn thành 100% công tác đúc dầm (806 phiến) và lao lắp được 778/806 phiến (còn 18 phiến dầm tại khu vực tiếp nối nhánh vào ra và đầu ga Vành đai 3, Văn Khê).