Là một trong những bí ẩn thách thức khoa học gần 200 năm, những câu chuyện kinh dị có thật xoay quanh hiện tượng “người tự bốc cháy” khiến không ít người thấy sợ hãi.
Thế giới mà chúng ta đang sống luôn ẩn chứa những điều kỳ lạ mà khoa học chưa thể giải mã thành công. Hiện tượng kinh dị “người tự bốc cháy” là một trong những chuyện mà phần lớn người ta chỉ tin là có trên phim ảnh.
Trên thực tế, đã có những câu chuyện có thật xoay quanh hiện tượng có thật này.
Từ những câu chuyện “người tự bốc cháy” kinh dị có thật trên thế giới…
Câu chuyện thứ nhất
Một trong những trường hợp người tự bốc cháy nổi tiếng đầu tiên trên thế giới được ghi nhận là vào ngày 5/7/1835. Vào ngày đó, James Hamilton, Giáo sư toán học của một trường đại học danh tiếng ở Mỹ đang ngồi đọc sách, bỗng nhiên ông thấy chân trái của mình nhói đau khủng khiếp.
Chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra, ông bỗng thất kinh khi thấy chân trái của mình bốc cháy ngùn ngụt trong ngọn lửa cao đến 10 cm.
Phản ứng đầu tiên của ông là dùng tay không dập tắt lửa ở chân mình. Sau đó, ông được người nhà mang tới bệnh viện để chữa trị trong sự bất ngờ và khó hiểu của các bác sĩ.
Câu chuyện thứ hai
Câu chuyện thứ hai xảy ra vào năm 1951. Không may mắn như trưởng hợp của giáo sư toán học James Hamilton, khi sự việc được phát hiện, người ta chỉ còn thấy một phần xót lại là cẳng chân và bàn chân mang dép, các phần còn lại, kể cả chiếc ghế bà ngồi đều cháy thành tro.
Nghi ngờ bà bị ám sát, cảnh sát liên tục mở các cuộc điều tra. Thế nhưng, điều khó hiểu là sàn nhà không hề có dấu muội của đám cháy hay mùi khét của một vụ hỏa hoạn thông thường.
Cũng như trường hợp thứ nhất, những bí ẩn của trưởng hợp người tự bốc cháy ở câu chuyện thứ hai khiến cảnh sát và giới khoa học điên đầu.
Câu chuyện thứ ba
Chưa dừng ở đó, vào năm 1982, người ta lại tiếp tục ghi nhận một trường hợp người tự bốc cháy nữa ở Anh.
Nạn nhân trong câu chuyện thứ ba này là bà Jeannie Saffin (61 tuổi). Một buổi tối, khi đang ngồi nghỉ trong gian bếp sau khi chuẩn bị bữa cơm cho cả gia đình, cơ thể bà bỗng dưng phát hỏa.
Điều khó hiểu là bản thân bà Jeannie Saffin không cảm nhận được nỗi đau hay có phản ứng gì khi ngọn lửa đang muốn bao trùm lấy cơ thể bà.
Rất may, cha của bà Jeannie Saffin phát hiện sự việc và nhanh chóng dùng nước lạnh cứu con gái khỏi ngọn lửa tử thần.
Lúc này, khi ngọn lửa được dập tắt, bà Jeannie Saffin mới bừng tỉnh và bắt đầu khóc vì sợ hãi và đau đớn. Người nhà đưa bà đến bệnh viện và nhanh chóng báo cáo với cảnh sát.
Cảnh sát kết luận, ngọn lửa không đến từ bếp gas đang cháy cách chỗ bà ngồi 1,5 mét nhưng họ cũng không tìm được bằng chứng cho thấy bà bị phóng hỏa.
Còn trong hồ sơ bệnh án tại bệnh viện kết luận, bà Jeannie Saffin bị bỏng cấp độ 3 (cổ, tay, bụng đầu gối đều bị bỏng nặng, riêng khuôn mặt bị biến dạng hoàn toàn). Đáng buồn thay, 1 tuần sau bà chìm vào hôn mê sâu rồi qua đời vì chứng viêm phổi.
Trong lịch sử, có khoảng 200 trường hợp được ghi nhận là người tự bốc cháy mà không có dấu hiệu bị thiêu từ một nguồn nhiệt bên ngoài.
Các nạn nhân xấu số bị cháy cho tới chết phần lớn là những người sống một mình. Phần đầu và phần thân của họ bị lửa hủy hoại nặng nhất.
Có những trường hợp, ngọn lửa chỉ xảy ra ở phần thân, khiến cho cơ thể nạn nhân biến thành tro bụi trong khi phần tay và chân vẫn còn… nguyên vẹn.
… đến những bí ẩn không thể giải mã hoàn chỉnh
Spontaneous human combustion (SHC) là thuật ngữ phổ biến vào những năm 1800, chỉ hiện tượng người tự bốc cháy bí ẩn.
Với thuật ngữ này, người ta tin ngọn lửa không đến từ bên ngoài mà bắt nguồn từ bên trong cơ thể nạn nhân. Và khi “tin” vào điều đó, họ bắt đầu đi giải thích hiện tượng “chết từ bên trong” này ở con người.
Vào thế kỷ trước, các nhà khoa học tin rằng rượu là tác nhân gây ra sự tự bốc cháy ở cơ thể con người do men rượu bão hòa với các tế bào gây nên sự cháy. Lại có người cho rằng, trầm cảm từ những người hay sống đơn độc đã khiến con người ta tự bốc cháy.
Khi khoa học phát triển thêm một bước thì họ giải thích, nguyên nhân gây nên hiện tượng SHC là do những cơn bão từ vũ trụ, các vết đen Mặt Trời hay vi khuẩn đường ruột đã sinh ra khí hoặc tích tụ năng lượng khiến con người phải phát hỏa để giải phóng.
Về sau, tất cả các cách giải thích đều bị nhiều người phản bác. Theo đó, về cơ bản, cơ thể con người có đến 70% là nước, nên chúng ta không thể tự bốc cháy.
Hơn nữa, nếu con người tự bốc cháy thật thì nó cũng phải bốc cháy khi người nào đó đang bơi hoặc đang tắm. Trong khi đó, trường hợp người tự bốc cháy khi đang tiếp xúc với nước chưa từng được ghi nhận.
Cho đến nay, các nhà khoa học tuyên bố đã nghiên cứu 10 trường hợp người tự bốc cháy để truy tìm nguyên nhân. Và họ cho rằng, SHC không bí ẩn như nhiều người nghĩ.
Cụ thể, họ nhận thấy, những nạn nhân phần lớn là những người cao tuổi, sống neo đơn và khá gần nguồn lửa (như bếp, đèn nến, thuốc lá…). Rất có thể, ngọn lửa đã bén vào người họ lúc nào không hay.
Ngoài ra, quần áo của những nạn nhân phần lớn là bông, sợi (là những thứ rất dễ cháy). Khi các chất béo trong cơ thể tiết ra cùng với quần áo và sức nóng của cơ thể đã tạo nên một hỗn hợp nhiệt rất dễ cháy khi gần lửa.
Kết
Những cách giải thích trên đều chỉ dừng ở những quan sát và phỏng đoán mà chưa có sức thuyết phục vững chắc nhất.
Do đó, cho đến nay, hiện tượng người tự bốc cháy vẫn là một trong những bí ẩn thách thức các nhà khoa học nhiều nhất trên thế giới.
Để kết thúc bài viết, người viết xin đưa ra trường hợp người tự bốc cháy mới nhất trong thế kỷ 21. Vào ngày 22/12/2010 tại Ireland, người ta phát hiện thi thể chìm trong lửa của người đàn ông tên là Michael Faherty tại phòng khách trong căn hộ của ông ở Ballybane, Galway, Ireland.
Trước đó, người hàng xóm bị đánh thức bởi tiếng chuông báo động hỏa hoạn bên nhà của người đàn ông 76 tuổi này.
Họ chạy sang thì thấy toàn cơ thể của Michael Faherty bốc cháy dữ dội, chỉ duy đôi chân còn nguyên vẹn. Không có bất cứ dấu vết phóng hỏa nào được ghi nhận. Trong hồ sơ của cảnh sát địa phương có ghi về trường hợp cái chết của Michael Faherty là: Tự bốc cháy.