Cuối tháng 5/2016, thời điểm mà hàng ngàn người đang tin tưởng bỏ tiền tỷ để mua tiền ảo bitcoin thì bất ngờ sàn giao dịch bị dừng. Hơn 4.000 nạn nhân đã đồng loạt làm đơn tố cáo chủ sàn đến các đơn vị trực thuộc của Bộ Công an. Nhiều người tự tử vì gặp cảnh nợ nần.
Mới đây, hàng trăm người kéo nhau từ Gia Lai xuống TP.HCM để tìm Nguyễn Thiện Lâm (SN 1990, quê Đồng Tháp; chỗ ở hiện tại quận Tân Bình, TP.HCM), người đứng đầu một đường dây đầu tư qua mạng có dấu hiệu lừa đảo.
Theo những người này, vào khoảng tháng 4/2016, Lâm đã đứng ra lập một sân chơi tài chính có tên fxmt4 (website fxmt4.us) hoạt động trên nguyên tắc cho – nhận (người chơi tự giao dịch với nhau). Người chơi thanh toán bằng bitcoin (một loại tiền giao dịch qua mạng có giá trị tương đương tiền mặt, có khả năng thanh khoản cao), chủ sân chỉ thu phí (tiền pin).
Để thu hút người chơi, Lâm nói rằng sân chơi này chạy ở nhiều quốc gia, số lượng người tham gia đã lên đến hàng chục ngàn người. Tin vào những lời “quảng cáo” này, rất nhiều người đã mua bitcoin để tham gia sàn đầu tư (giá trung bình 1 bitcoin là 14 triệu đồng) của Lâm.
Khoảng cuối tháng 5/2016, thời điểm mà hàng ngàn người đang tin tưởng bỏ tiền ra mua bitcoin của Lâm thì bất ngờ Lâm cho dừng sàn. Tổng số các nạn nhân theo danh sách thống kê đã lên đến hơn bốn ngàn người. Các nạn nhân đã đồng loạt làm đơn tố cáo Lâm đến các đơn vị trực thuộc của Bộ Công an.
Được biết, hiện nay số tiền của người chơi trên cả nước trong đường dây này là hơn 6.000 tài khoản (mỗi tài khoản 1 bitcoin, cộng thêm 900 ngàn đồng tiền pin cho mỗi bitcoin – PV).
Tại xã An Khê (tỉnh Gia Lai), có nhiều người “sập bẫy” của Lâm nhất. Ước tính ban đầu, số tiền “đầu tư” vào sàn của Lâm đã lên tới gần 50 tỷ đồng. Trong đó người nhiều nhất là khoảng 700 bitcoin (tương đương hơn 10 tỷ đồng).
Chị Trần Nguyễn Thanh Thanh (33 tuổi), một trong số các nạn nhân của Lâm buồn bã kể: “Giữa tháng 4/2016, qua người quen đã từng chơi ở sàn của Lâm nói đã được Lâm chuyển trả một phần lãi của giao dịch đầu tiên nên em cũng thấy ham. Lúc đó, cả hai vợ chồng có khoảng hơn 10 triệu dư nên liền bỏ ra mua một bitcoin. Sau đó, phía đường dây của Lâm cũng chuyển trả đầy đủ cả gốc và lãi.
Thấy có lời, em liền đi vay của người thân, bạn bè được hơn 100 triệu đồng rồi chuyển cho Lâm để mua bitcoin. Nhưng chưa nhận được tiền lời thì cuối tháng 5, em thấy Lâm thông báo đóng “sàn giao dịch” do lỗi kỹ thuật rồi lặn mất tăm.
Cũng từ khoản nợ nần đó mà vợ chồng em phát sinh mâu thuẫn, rồi chủ nợ gây áp lực. Không còn con đường nào nên em đã nhảy xuống giếng tự tử. Cũng may, được mọi người cứu thoát nhưng giờ hàng tháng em phải lo gần 10 triệu tiền lãi trả cho chủ nợ”.
Xót xa không kém là trường hợp của nạn nhân Nguyễn Anh Bình, một nông dân chính hiệu. Khi nghe việc đầu tư qua mạng sẽ có lời và có tiền lo cho con cái ăn học nên anh Bình cũng chạy vạy vay mượn mua được 2 bitcoin. Sau đó, anh được hai lần rút ra và có được khoản tiền lời nên tiếp tục đầu tư.
“Ngoài số tiền mua 2bitcoin ban đầu, tôi còn vay mượn của nhiều người mua thêm 5 bitcoin nữa (tổng số tiền hơn 100 triệu đồng) mà chưa nhận được đồng nào. Chắc giờ phải bán hết cả đồng ruộng, nhà cửa có khi còn không đủ để trả nợ cho người ta nữa”, giọng anh Bình não nề.