Sự việc từng khiến cả nước Nhật Bản chấn động và sống trong lo sợ. Tuy nhiên, sau hơn 30 năm vụ án vẫn chưa có lời giải đáp và kẻ tẩm độc mang tên “Quái vật 21 mặt” mãi là một ẩn số không ai hay biết.
Trong tất cả những vụ án mạng hay bất cứ tội phạm nào, người ta luôn tâm niệm một điều: “Lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng khó thoát, hành ác tất sẽ nhận quả đắng”. Tuy nhiên, đối với vụ án tẩm độc kẹo ở Nhật Bản là một trường hợp ngoại lệ khi hơn 3 thập kỷ qua, người ta vẫn không biết cuối cùng sự thật là gì?
Vụ bắt cóc bí ẩn và sự trêu chọc không hồi kết của “Quái vật 21 mặt”
Mọi chuyện bắt đầu xảy ra vào ngày 18/3/1984, khi hai người đàn ông đeo mặt nạ đã bắt cóc một người đàn ông tên Katsuhisa Ezaki là giám đốc điều hành của thương hiệu kẹo nổi tiếng Glico của Nhật Bản. Ông Ezaki đã bị đưa đến một nơi bí ẩn và nhóm này đã đòi tiền chuộc là 1 tỷ yên. May mắn thay, Ezaki đã trốn thoát được trước khi nhóm bắt cóc nhận được tiền chuộc. Tuy nhiên đây chỉ là sự khởi đầu cho một loạt những điều kinh khủng sắp diễn ra phía trước.
Tháng 4/1984, cảnh sát nhận được báo cáo có một số xe đậu bên ngoài trụ sở chính của Glico đã bị đốt cháy, những khu vực xung quanh trụ sợ cũng bị phá hủy nặng nề. Mặc dù ban đầu cảnh sát cho rằng, nhóm bắt cóc chỉ nhắm vào Ezaki và người nhà của ông, nhưng hóa ra những nhân viên Glico cũng nằm trong tầm ngắm của chúng.
Một tháng sau, Glico nhận được một bức thư đe dọa có chữ ký của “Quái vật 21 mặt” nói rằng tất cả số kẹo của Glico sẽ bị tẩm độc xyanua. Sau đó, có một số cuộc thảo luận cho rằng cần phải thu hồi tất cả số kẹo ở cửa hàng tạp hóa trên khắp Nhật Bản, và điều này đã khiến công ty bị thiệt hại nặng nề khi tổn thất hơn 20 triệu USD và hơn 400 công nhân bán thời gian bị sa thải.
Lần theo những gì điều tra được, cảnh sát bắt đầu kiếm được một vài manh mối khả nghi. Được biết, trong camera an ninh tại một cửa hàng tạp hóa đã nhìn thấy một người đàn ông lạ mặt đặt các sản phẩm Glico lên kệ. Bởi vì người đàn ông này đội mũ bóng chày nên rất khó để xác định danh tính. Cảnh sát cho rằng, mặc dù chỉ thấy một người nhưng họ tin đằng sau là một tổ chức với nhiều thành viên và nghi ngờ có liên quan đến vụ bắt cóc Ezaki.
Theo một số nguồn thông tin cho biết, dường như nhóm tội phạm rất thích sự hoảng loạn của cảnh sát nên đã liên tục gửi thư nặc danh trêu chọc, ngày cả truyền thông cũng bị mắc bẫy. Có một bức thư được viết với lời lẽ mỉa mai: “Gửi đến lũ cảnh sát ngu ngốc. Đừng nói dối. Chúng ta, những người sống ở Nhật Bản nên biết rằng, tất cả tội ác đều bắt đầu bằng lời nói dối. Các anh biết điều đó chứ? Có vẻ như các anh hoảng loạn lắm…”
Tuy nhiên, sau đó mọi chuyện bất ngờ kết thúc chóng vánh khi vào ngày 26/6, “Quái vật 21 mặt” đã tuyên bố: “Chúng tôi tha cho Glico”. Thời điểm đó, cảnh sát không tìm ra được lý do gì để giải thích cho việc tại sao nhóm tội phạm lại nhắm vào công ty Glico, hay thậm chí họ luôn căng não suy nghĩ cuối cùng nguyên nhân của vụ khủng bố là gì? Thế nhưng sau đó, phía cảnh sát biết được rằng, Quát vật chỉ tha thứ cho Glico và chuyển sang tấn công những hãng kẹo khác như Morinaga, Marudai Ham và House Food. Tất cả đều là những thương hiệu có tiếng ở Nhật Bản.
Trước khi tuyên bố chấm dứt, Quái vật yêu cầu được trả 50 triệu yên và túi tiền phải được ném ra khỏi một tàu cao tốc đi về hướng thành phố Kyoto vào ngày 28/6. Trong quá trình này, một cảnh sát chìm được giao nhiệm vụ chuyển tiền và phát hiện được đối tượng khả nghi, đó là một người đàn ông vạm vỡ, tóc ngắn và xoăn, có đôi mắt trông giống mắt con cáo. Cảnh sát này đã cố gắng theo dõi nhưng đã bị mất dấu. Từ đó, người đàn ông mắt cáo đã trở thành một trong những nghi phạm chính.
Tháng 10/1984, Quái vật đã gửi cho truyền thông một bức thư gửi đến các ba mẹ trên khắp đất nước Nhật Bản. Trong đó, Quái vật tuyên bố rằng đã đầu độc 20 gói kẹo Morinaga, một món kẹo được trẻ em Nhật Bản vô cùng yêu thích. Trước tình hình này, phía cảnh sát đã tăng cường lực lượng thu hồi hết số kẹo. Điều đáng nói, các gói kẹo tẩm độc đều được dán nhãn rõ là: “Nguy hiểm: Có chứa chất độc”. Sự việc khiến công ty Morinaga bị tổn thất nghiêm trọng và quan trọng hơn hết là khiến người dân không ngừng hoang mang, sợ hãi.
Đến tháng 11/1984, Quái vật tiếp tục đòi số tiền 100 triệu yên và yêu cầu được thả vào một chiếc thùng được đánh dấu bằng vải trắng trên đường cao tốc Meishin ở khu vực Otsu. Lúc này lực lượng cảnh sát đã được thiết lập chặt chẽ với tiêu chí không thể làm mất dấu người mắt cáo nhưng cuối cùng lại bị trêu chọc một lần nữa. Một tháng sau, Quái vật bất ngờ mở rộng chiến dịch quấy rối và đe dọa đầu độc các sản phẩm kẹo của hãng khác. Cảnh sát lúc đó đã đăng áp phích phác họa người mắt cáo để tìm về thông tin nghi phạm nhưng không có ai khai báo.
Cảnh sát bất lực đến nỗi phải tự sát
Vào thời điểm đó, Nhật Bản được xem là một nước an toàn tuy nhiên sự việc đã khiến người dân hoảng loạn lo sợ với những tên tội phạm như những bóng ma lởn vởn. Tháng 8/1985, sau hơn một năm vụ án không có bất cứ manh mối nào khác, giám đốc cảnh sát tỉnh Shiga là Yamamoto đã tự thiêu. 5 ngày sau khi vị cảnh sát tự tử, Quái vật bất ngờ xuất hiện và gửi đến một bức thư với nội dung như sau:
“Yamamoto đã chết như một người đàn ông. Chúng tôi gửi lời chia buồn và quyết định từ bỏ việc tấn công các công ty thực phẩm. Nếu như sau này có ai tống tiền các công ty thực phẩm thì đó không phải là chúng tôi mà chỉ là những kẻ giả mạo. Chúng tôi là kẻ xấu, điều đó có nghĩa là chúng tôi có nhiều việc phải làm hơn là bắt nạt những công ty đó. Sống cuộc sống của kẻ xấu rất thú vị”.
Đây chính là bức thư cuối cùng mà “Quái vật 21 mặt” gửi cho cảnh sát trước khi biến mất hoàn toàn. Vụ án khép lại và được ví như một sự lãng phí công sức khổ cực nhất lịch sử của cảnh sát Nhật Bản khi suốt 17 tháng phải bất lực trước nhóm tội phạm này. Có nhiều thuyết âm mưu cho rằng nhân vật đứng đằng sau “Quái vật 21 mặt” là nhóm cực đoan âm mưu muốn phá giá cổ phiếu của các công ty thực phẩm. Một thuyết âm mưu khác xa hơn cho rằng đó là những điệp viên từ nước ngoài muốn phá giá cổ phiếu của các công ty thực phẩm Nhật Bản để làm lũng đoạn kinh tế.
Sau hơn 3 thập kỷ, vụ án tẩm độc kẹo vẫn mãi là một ẩn số mà đến nay chưa có lời giải đáp. Câu chuyện về “Quái vật 21 mặt” gần như trở thành một nỗi ám ảnh của người dân Nhật và không biết có tồn tại người đàn ông mắt cáo hay không? Cuối cùng, câu hỏi lớn nhất được đặt ra rằng: “Nếu như không phải vì tiền thì mục đích của chúng là gì?”
(Nguồn: Historicmysteries)