“Nhiều lúc chạy xe chở khách, thấy người ta ngủ ngoài đường, ngẫm lại mình còn may mắn hơn nhiều người”, bà Nguyệt chia sẻ.
Đạp xích lô, chạy xe ôm nuôi cháu trai mồ côi cha
Đi theo bà Võ Thị Thu Nguyệt (73 tuổi) men dọc một con hẻm trên đường Tôn Thất Thuyết (quận 4, TP.HCM), tôi đến một dãy phòng trọ. Căn phòng chỉ rộng khoảng 3m2 có phần xập xệ là nơi ở của bà và đứa cháu trai 14 tuổi.
Bà Nguyệt cùng chồng rời quê Bạc Liêu lên Sài Gòn sinh sống từ lúc còn chiến tranh rồi sau khi đất nước hòa bình được vài năm thì chồng bà mất. Không lâu sau, con trai bà cũng qua đời vì căn bệnh bướu cổ, để lại đứa cháu trai mới 2 tuổi. Từ đó, bà Nguyệt chạy xe chở khách để kiếm tiền nuôi cháu là Hoàng Nhân Nghĩa (14 tuổi).
Theo bà chia sẻ, trước đây khi xe ôm chưa phổ biến bà làm nghề đạp xích lô. Bà dùng số tiền tích góp được mua một chiếc xe máy rồi chuyển qua chạy xe ôm. Sau đó, bà trở thành tài xế xe ôm công nghệ, làm cho Uber, Grab và nay là Go-Viet. “Tôi chạy Go-Viet cũng được hơn 1 năm, mình rảnh lúc nào thì mình chạy. Tôi chạy vậy rồi người ta thương lắm, hôm nọ chở cô kia, cô bảo sao không làm nghề khác… Từng này tuổi rồi còn biết làm gì nữa”, bà nói.
Cuộc sống khó khăn lại càng khó khăn hơn khi hai bắp chân của bà Nguyệt sưng to vì bệnh tiểu đường và nhiều bệnh khác. “Một tuần đến bệnh viện mấy lần, lại tốn tiền thuốc men”, bà tâm sự. Cuộc sống hằng ngày của 2 bà cháu phụ thuộc hoàn toàn vào bà Nguyệt nên những ngày bà đổ bệnh thì coi như không có thu nhập.
Dù phải nghỉ học nhưng không tủi thân
Việc chạy xe thì cũng vô chừng. Có ngày bà Nguyệt chạy được hơn 10 cuốc nhưng có ngày chỉ có 2 – 3 cuốc xe. Tiền bạc eo hẹp, những bữa cơm của hai bà cháu vì thế rất đạm bạc, có khi là cho qua bữa. “Em chỉ biết nấu mì với trứng. Ngày nào bà chạy được nhiều thì sẽ có khoảng 4 món, còn ngày nào bà ít khách thì có 2 món, một là trứng chiên” Nghĩa kể.
Nghĩa cũng tâm sự rằng chủ trọ thấy hoàn cảnh khó khăn nên giúp đỡ bớt tiền thuê nhà cho 2 bà cháu. Với Nghĩa, dù không nhớ mặt ba và không được đến trường nhưng điều đó không khiến cho Nghĩa cảm thấy tủi thân hay thua thiệt. Nghĩa chỉ mong muốn là bà luôn khỏe mạnh.
Cô Nguyễn Thị Điển (62 tuổi) – hàng xóm của bà Nguyệt chia sẻ: “Bà ấy tội nghiệp lắm, già như vậy rồi mà vẫn phải chạy xe để nuôi cháu. Chứ bà không nuôi thì ai nuôi. Những người ở xung quanh cũng biết hoàn cảnh rồi giúp đỡ hoài, có khi cho tiền có khi cho gạo”.
Tuổi càng cao, tay lái của bà Nguyệt càng yếu. Sợ bà không lên được con dốc đầu hẻm, Nghĩa luôn chờ sẵn để dắt hoặc lái xe qua con dóc đó. “Em biết chạy xe chậm chậm chứ không chạy nhanh. Lớn hơn một chút khoảng 15 – 16 tuổi em sẽ đi kiếm việc làm phụ bà”, Nghĩa nói.
Nhắc đến tương lai, bà Nguyệt thở dài: “Đối với tôi bây giờ chỉ cần chỗ che nắng che mưa, không phải ở ngoài đường. Nhiều lúc chạy xe chở khách thấy người ta ngủ ngoài đường ngẫm lại mình còn may mắn hơn nhiều người.” Nhìn Nghĩa ngồi bên cạnh, bà Nguyệt nghẹn ngào: “Giờ tôi không còn ước nguyện gì, sống được bao lâu nữa thì sống. Chỉ lo thằng cháu này, mong cho nó có sức khỏe, có tương lai để tự nuôi được bản thân nó. Như vậy tôi chết cũng yên lòng…”
Ước mơ trở thành streamer
Nghĩa nghỉ học ở trường hơn một năm nay vì bà Nguyệt không đủ tiền đóng tiền học. Mẹ tái hôn, Nghĩa có thêm một em trai cùng mẹ khác cha. Bà Nguyệt bận chạy xe kiếm tiền, ở nhà một mình Nghĩa thường đọc lại những cuốn sách được tặng trước đây hay qua chơi với em trai.
Đang tuổi ăn tuổi lớn, Nghĩa chững chạc hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Nghĩa chia sẻ bà Nguyệt rất thích nhân vật Bao Công trong phim còn bản thân Nghĩa thì muốn trở thành một streamer: “Em rất thích chơi game, em thường xem các streamer livestream ở trên YouTube, sau này em muốn mình cũng trở thành một streamer”, Nghĩa hớn hở kể chuyện.
Theo thanhnien