Yêu lắm những khi con “quậy” banh chành trong bụng mẹ. Cứ mỗi 1 tuần trôi qua, mẹ lại cảm nhận sự hiện diện của con ngày càng rõ ràng hơn, không còn là 1 hạt đậu nữa mà ngày càng to dần trong bụng mẹ. Càng về cuối thai kỳ, lưng mẹ lại càng mỏi hơn, buổi đêm phải trở dậy đi vệ sinh nhiều hơn, cùng vì lý do này đây.
Một trong những đặc điểm rõ ràng nhất khi mang thai là khi em bé lớn lên từng ngày, bụng của mẹ cũng sẽ từ từ to lên để chứa em bé. Nhưng có mẹ nào thắc mắc như em không, đó là cơ quan nội tạng của người mẹ sẽ đi đâu nhỉ? Trên thực tế, các bà mẹ mang thai càng về cuối thai kỳ thì càng nặng nề, vất vả, nhịp thở ngắt quãng, mũi to ra, bàn chân phù lên, mặt nám… Tất cả là do khi thai nhi phát triển, nếu các khoảng trống trong khoang bụng không thể đáp ứng được, em bé sẽ “lấn” sang các khoảng không gian khác, ép đẩy cơ quan nội tạng của người mẹ.
Từ tháng thứ 3-4, bụng mẹ sẽ bắt đầu phình to. Đến cuối tháng thứ 6, đỉnh tử cung sẽ chạm gần đến khung xương sườn khiến cho mẹ bầu cảm thấy đau nhức một bên bụng hoặc cả hai bên vì thành bụng và dây chằng bị kéo căng để đỡ tử cung. Khi tử cung phát triển lớn dần, nó sẽ nhô ra khỏi khung xương chậu và khiến cho dạ dày, ruột và các cơ quan khác trong hệ tiêu hóa phải di chuyển khỏi vị trí cũ. Hóc môn Progesterone tăng làm giảm trương lực của cơ vòng thực quản dưới, gây ra một số triệu chứng khó chịu về dạ dày như trào ngược dạ dày, ợ nóng, ợ chua.
Khi thai nhi phát triển, dạ dày của người mẹ sẽ bị ép lên, làm cho nó ngày càng ít không gian hơn. Nhiều bà mẹ mang thai thường không có cảm giác thèm ăn hoặc giảm mạnh sự thèm ăn khi mang thai. Một lý do lớn là khả năng dạ dày của người mẹ mang thai bị nén lại. Thế nên mới có tình trạng ăn ít nhưng lại mau no. Các ông chồng thì than thở “Thèm cái gì là đòi ngược xuôi cho bằng được, đem về chấm chấm mấy miếng lại bảo em no rồi”, bây giờ đã biết lý do thì cũng đừng trách mẹ bầu nhé.
Vào tam cá nguyệt thứ ba, diện mạo của mẹ bầu có sự thay đổi đáng kể, các cơ quan nội tạng di chuyển nhiều hơn do trẻ phát triển nhanh vào giai đoạn này. Gan của bà bầu bị đẩy lên phía trên và trong bụng không còn nhiều chỗ. Trái tim của bà bầu cũng bắt đầu làm việc vất vả hơn, do đó mẹ bầu hay thở dốc, hay mệt là vì vậy. Ruột cũng được ép sang hai bên và phía trên khoang bụng trong quá trình phát triển của thai nhi. Sức ép sẽ làm suy yếu nhu động và chức năng tiêu hóa của ruột, và cũng sẽ khiến các bà mẹ không có cảm giác thèm ăn trong suốt thai kỳ. Do đó, các bà mẹ mang thai nên ăn ít bữa và tập thể dục điều độ để đảm bảo cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của bé.
3 tháng cuối tháng kỳ là khoảng thời gian các cơ quan nội tạng của mẹ bầu thực sự bị chèn ép. Trẻ lớn dần, hai buồng phổi của mẹ bị bó hẹp và dịch chuyển lên phía trên, trong khi đường ruột phải rời khỏi vị trí thông thường của nó và bàng quang bị đè nén thấy rõ. Hậu quả là, một số bà bầu bị khó thở, khó ngủ, sưng phồng ở mặt, mắt cá chân và các ngón tay.
Một hiện tượng khác ở phụ nữ mang thai trong tam cá nguyệt thứ ba là đi tiểu thường xuyên, nguyên nhân là do bàng quang bị chèn ép. Bàng quang trở nên nhỏ hơn sau khi bị thai nhi chèn ép. Khi một lượng nhỏ nước tiểu được chuyển hóa, nó sẽ xuất hiện thành nước tiểu, dẫn đến đi tiểu thường xuyên. Theo cách này, nó không thành vấn đề vào ban ngày, nhưng các ông bố cứ tưởng tượng cả đêm mà cứ phải lọ mọ đi vệ sinh, về đến giường đã qua cơn buồn ngủ, đến lúc thiu thiu lại buồn tè, có điên không chứ?
Ngoài ra, do tử cung ngày một lớn dần nên tạo ra lực ép lên bàng quang, niệu đạo và các cơ sàn chậu, gây ra một số hiện tượng cho mẹ bầu như tiểu nhiều, tiểu són mỗi khi hắt hơi, ho hoặc cười lớn. Thận cũng phải làm việc vất vả hơn để bài tiết các chất thải của cả mẹ và thai nhi. Xương cột sống thay đổi độ cong, ưỡn ra như hình cánh cung để đảm bảo giữ thăng bằng cho cơ thể, khiến cho phần hông mở rộng ra hai bên tạo nên dáng đi đặc trưng của các mẹ bầu trong những tháng cuối thai kì. Các dây chằng nối tử cung và xương chậu bắt đầu dãn ra để chuẩn bị cho em bé chào đời cũng khiến những cơn đau lưng và háng thêm trầm trọng.
Cận ngày sinh, em bé đã phát triển về cơ bản và trọng lượng của nó gần bằng trọng lượng của trẻ sơ sinh. Cùng với lượng nước ối lớn trong tử cung, bụng mẹ sẽ rất nặng, và bụng bầu sẽ làm cho bà mẹ mang thai dồn trọng tâm của toàn bộ cơ thể di chuyển về phía trước, khiến cột sống của người mẹ mang thai phải chịu áp lực rất lớn và biến dạng.
Sự chèn ép các cơ quan bên trong cơ thể đã khó chịu, mẹ bầu còn phải chịu nhiều thay đổi, đôi lúc nhìn vào gương mà phát hờn, đúng không các mẹ? Đối với làn da, rất nhiều mẹ bầu phải trải qua sự xuất hiện các vết rạn ở bắp chân, mông, bụng, ngực do da bị kéo căng hơn vào nửa cuối thai kì, da trở nên sậm màu ở vùng bụng, núm vú, mặt, nách do sự thay đổi hóc môn trong khi mang thai, tính mạch mạng nhện, gân nổi chằng chịt trên da. Hiện tượng chuột rút cũng xuất hiện thường xuyên do chân phải phải chịu sức nặng của cơ thể, sức ép của các mạch máu, thiếu canxi, magie và sự biến động hormone trong suốt thai kì. Nói tóm lại, các bà mẹ mang thai vô cùng vất vả, hy vọng các bố sẽ hiểu và thương yêu mẹ nhiều hơn.
Theo WTT