“Gặp mình, mình cũng đuổi cổ thẳng tay, ai đời đi ăn mà lại thái độ lồi lõm thế kia, lại còn õng ẹo, nhìn là ngứa mắt…”.
Những câu chuyện xấu về văn hóa ăn uống dường như vẫn đang tiếp tục và chưa có hồi kết, bởi người ta vẫn ra rả hàng ngày về những câu chuyện như “ăn hết 3 con gà, tới khi tính tiền lại chê đắt rẻ”, “cô gái ăn xong bữa ăn rồi quỵt tiền bỏ trốn”, “bà chủ quán lấy việc chửi khách hàng làm thú vui buôn bán”,…
Tết cả những việc đó khiến cho ai là nạn nhân, dù là khách hàng hay làm chủ đều đau đầu nghĩ ngợi, để không còn những tình cảnh trái ngang như trên nữa. Vậy mà mới đây, trong lúc người ta loay hoay giải bài toán ấy, thì có một cô gái xuất hiện bôi thêm một vệt màu xấu xí vào cái gọi là văn hóa ăn uống của chính mình.
Câu chuyện được đăng tải trên một trang mạng khá dài nhưng tóm lại thì như sau:
“Mình ăn tại một quán phở bún miến quen thì có một đôi anh chị này vào quán. Chị kia gọi một bát miến bò trộn. Anh kia nói vừa ăn cơm tại nhà rồi nên không ăn vì vẫn no.
Gắp được 2 đũa, chị kia õng ẹo:
– Anh ơi miến ăn chán lắm. Em không ăn được. Anh ăn đi em gọi món khác.
– Ừ em.
Tiếp tục gọi một bát phở gà. Sau khi húp được 1 thìa nước và gắp được hai lần:
– Eo ơi anh ơi nước phở tởm lắm. Ăn kinh lắm.
Anh kia lấy thìa húp thử nước.
– Anh thấy ăn cũng được mà. Đâu đến nỗi như em nói?
– Eo ơi tởm lắm. Nước phở ăn tởm lắm. Bánh phở thì dai, thịt gà thì bở, eo ơi tởm lắm tởm lắm tởm lắm. Em không ăn đâu!
Sau những màn đối đáp và õng eo chê món ăn với người yêu đấy thì lúc này cô chủ quán mới chen vào chửi:
– Này cô kia, không ăn được thì về nhà mà ăn, quán tôi không phục vụ cho những người như cô. Cút đi để cho tôi còn bán hàng.
Sau đấy thì cô gái khóc thút thít như oan lắm và anh người yêu thì bấm bụng ăn hết hai bát kia mới tính tiền ra về”.
Câu chuyện về văn hóa ăn uống xấu xí này được đăng tải chỉ sau vài giờ thì thu hút hàng ngàn lượt xem, hàng trăm lượt chia sẻ và bình luận. Đương nhiên đa số bình luận thì đều chỉ trích thói “tiểu thư” hay chê bai người khác của cô gái và tỏ ra tội nghiệp cho anh người yêu vì đã được một phen ê mặt với mọi người. Trích hai trong nhiêu bình luận của người dùng mạng sau khi đọc xong câu chuyện “nóng hết cả mặt” trên:
“con gái con lứa, ăn uống đã xấu mà ăn nói lại càng tệ hơn”.
“Gặp mình, mình cũng đuổi cổ thẳng tay, ai đời đi ăn mà lại thái độ lồi lõm thế kia, lại còn õng eo u nhọt. Nhìn là ngứa mắt, lần sau có muốn ăn thì tốt nhất anh người yêu nên nấu cho cô ta ăn, không thì để cô ấy tự nấu, chứ ra ngoài ăn gặp chủ hàng hung hang thì bị tạt nước sôi như chơi đấy nhé!”.
Vậy mà, cũng có một số ít người tỏ ra bênh vực cho cô gái vì cho rằng ngon hay dở là hai khái niệm rất vô chừng, đừng đánh đồng cô ấy. “Mình ngon thì chắc gì người khác thấy ngon nên khen chê là chuyện bình thường. Chưa kể buôn bán hàng thì phải chấp nhận chuyện đó, 9 người 10 ý, làm dâu trăm họ, sao mà chiều lòng được hết tất cả”.
Nhưng suy cho cùng, đúng là chuyện ngon dở thuộc về phạm vi cá nhân cảm nhận của mọi người, nhưng ai đời lại chê ra miệng thế kia! Lại còn dùng những tính từ rất nặng như “tởm”, “kinh” để ám chỉ món ăn nữa chứ. Thử hỏi, làm chủ, món mình bán bao nhiêu lâu nay, không ai ý kiến gì, nếu có thì họ cũng góp ý chứ chẳng mấy khi mà ỏng eo chê như đúng rồi giống cô gái ấy. Ai mà không chửi cho được.
Đây cũng là một bài học cho mọi người khi đi ăn uống bên ngoài. Làm dịch vụ ẩm thực không đơn giản như mọi người nghĩ, người làm chủ, người trực tiếp nấu ăn sẵn sàng niềm nở nghe góp ý nhưng họ sẽ rất không thích chuyện chê bai không thương tiếc món họ làm ra như thế.
Có thể nó dở, nó tệ đủ đường thật, nhưng không nhất thiết mình phải õng eo thái độ như cô gái kia. Giữ cảm xúc trong lòng, nếu không ăn được nữa thì tính tiền ra về. Rồi tự động, ai buôn bán dở, ai nấu không ngon thì cũng sớm dẹp tiệm. Chứ mình càng làm quá thì một số nơi không chỉ “nặng lời” như cô bán hàng trong câu chuyện đâu.
Thôi thì chuyện ngon dở nó không quan trọng bằng thái độ văn minh trong việc ăn uống của mình đâu mọi người ạ. Đừng vì cái vị giác nhất thời mà đánh mất thiện cảm của mọi người xung quanh nhé!
Theo afamily