Liên hoan 8/3, các bạn sinh viên này mua rượu về uống và chỉ sau 1 ngày mọi người có dấu hiệu mờ mắt, nôn ra máu nên đã được đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai, ngày 10/3, Trung tâm vừa tiếp nhận thêm 7 bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc methanol – cồn công nghiệp, dung môi làm các chất tẩy rửa.
Tất cả các bệnh nhân này đều có quê tại Gia Lai, đang là sinh viên của trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương (Cơ sở tại Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội). Hiện người nhà các bệnh nhân vẫn chưa đến được bệnh viện.
Theo TS. Hà Trần Hưng – Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc, 7 trường hợp này đều đang trong tình trạng khá nặng. Tất cả đều có chỉ định lọc máu để thải trừ methanol, toan chuyển hóa nặng, trong đó có 3 bệnh nhân đang trong tình trạng hôn mê sâu, phải thở máy.
7 sinh viên này gồm 5 nam, 2 nữ, trong độ tuổi từ 21 đến 27. Theo lời kể của Siu L. (1 bệnh nhân nhẹ nhất trong số 7 bệnh nhân phải vào viện), nhân ngày 8/3, nhóm bạn này đã mua khoảng 1,5 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ (không có nhãn mác) về phòng trọ tại Nhân Hòa, Trung Kính để liên hoan, ăn uống lai rai từ trưa đến 12h đêm ngày 8/3.
Đến sáng 9/3, một số bạn xuất hiện triệu chứng đau đầu, mờ mắt và nôn ra máu nên đã được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện 198 và sau đó được chuyển đến Trung tâm Chống độc vào rạng sáng 10/3.
Liên tiếp có các ca ngộ độc rượu nặng, Hà Nội đã tiến hành kiểm tra các cơ sở nhà hàng, quán ăn có bán rượu và đã phát hiện có cơ sở bán rượu có chứa cồn methanol vượt gấp 2000 lần cho phép.
Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Hùng Long cũng nhận định, để kiểm soát được lượng rượu bán ra tại các quán ăn, nhất là những quán hàng nhỏ, bình dân không đơn giản.
Ông Long cũng cho hay, mẫu rượu trắng được lấy tại một quán cơm ở phường Mộ Lao (quận Hà Đông) có hàm lượng methanol vượt ngưỡng tới hơn 2.000 lần, tức là cứ 1 lít rượu có 200cc cồn công nghiệp. Vì vậy, nguyên nhân xảy ra ngộ độc là do uống phải cồn công nghiệp pha, chứ không phải rượu nấu.
Methanol là dạng đơn giản nhất của alcohol, có liên hệ rất gần với ethanol (một dạng alcohol thường có trong bia, rượu), nhưng methanol độc hơn rất nhiều và thường xuất hiện trong những loại bia rượu tự làm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ.
Methanol hình thành một lượng rất nhỏ trong quá trình lên men, làm rượu từ những sản phẩm thực vật như nước ép trái cây, ngũ cốc… Nó thường xuất hiện một lượng nhỏ trong rượu bia nhưng không đủ để gây ngộ độc. Tuy nhiên, các loại rượu mạnh chưng cất tại nhà như gin hoặc rum có nồng độ cao cả ethanol và methanol.
Rượu công nghiệp thường an toàn vì nhà máy dùng công nghệ đặc biệt để tách methanol khỏi ethanol. Nhưng rượu tự làm thường không được dùng công nghệ ấy, và hầu như không có phương cách an toàn nào để tách methanol khỏi ethanol.
Điều đáng lo ngại là nhiều khi rượu tự làm được đưa vào thay thế cho rượu công nghiệp ở các hàng quán vì giá rẻ hơn. Thậm chí rượu tự làm cũng có thể được đóng chai và bán thương mại. Ở nhiều nước, bán rượu tự làm là bất hợp pháp. Do đó, cách an toàn nhất là biết rõ nguồn gốc rượu được bán để tránh bị ngộ độc.
Ngộ độc methanol gây ra các tác hại như suy thận, các vấn đề tim mạch và tuần hoàn, hại gan, rối loạn thị giác như mờ mắt, hẹp tầm nhìn, biến đổi nhận biết màu sắc, mù tạm thời hoặc vĩnh viễn, gây hại cho thần kinh và não bộ… Thời gian ngộ độc càng lâu, nguy cơ mất thị giác, mất khả năng tư duy và ảnh hưởng đến cả các nội tạng càng cao.
Xem thêm: Mỗi một ly rượu là một liều thuốc độc!!!