“Mẹ còn phải làm việc, sao con không hiểu mẹ phải kiếm tiền nuôi con. Thế này không chịu, thế chai cũng không chịu thì mẹ biết tính sao? Mẹ không có tiền cho con đi nhà trẻ đâu”.
Vợ chồng tôi đều là dân lao động chân tay, chồng tôi đi bốc vác thuê còn tôi thì có một quán nhậu nhỏ nên gần như phải đi suốt ngày. Thế nên mỗi lần đi làm là tôi khốn khổ vì không biết gửi con ở đâu. Lúc con còn bé, mẹ tôi còn lên trông hộ chứ giờ bà phải về quê chăm con của em trai tôi nên tôi không thể nhờ vả ai được.
Cũng có đợt tôi định gửi con về quê cho bà ngoại trông nhưng chưa kịp làm thì mẹ tôi lại bị gãy chân, thế là đành phải cắp con ra cửa hàng. Ngặt nỗi, nó ra cửa hàng thì toàn tiếp xúc với bợm nhậu nên tôi không muốn, hơn nữa, cửa hàng của tôi lại gần một ga tàu, đường đông đúc lắm nên tôi không muốn con gái tôi ra đó.
Cũng may là dạo gần đây, bên nhà tôi có chú Hùng mới chuyển đến. Chú đã có 3 con, bị liệt một chân nên ở nhà. Chú có vẻ quý con bé con tôi, toàn cho kẹo các thứ. Bé Bông nhà tôi cũng thích sang nhà chơi với các con của chú, thấy mấy đứa trẻ chơi vui vẻ với nhau, lại được cho kẹo các thứ thì tôi vui lắm, tôi mới nói với chú hàng xóm:
– Chú ở nhà không làm gì hay cho chị gửi con bé, chị gửi thêm tiền ăn rồi cơm gạo cho cháu nữa.
– Vâng, vợ em đi suốt, em toàn ở nhà trông con thôi, cũng chẳng nặng nhọc gì vì con của chị cũng lớn rồi, chị cứ gửi cháu qua đây đi ạ.
Tôi mừng lắm, đưa tiền rồi đưa cả gạo gửi sang nhà hàng xóm. Được 3 ngày thì con bé nằng nặc không chịu qua nhà chú Hùng nữa. Tôi thấy vậy thì cũng không ép con, lại bỏ nó trong nhà rồi khóa cửa ra cửa hàng.
Nhưng mấy hôm sau con bé lại cứ đòi đi theo tôi, nó khóc ngằn ngặt. Tôi bực quá hét lên:
– Mẹ còn phải làm việc, sao con không hiểu mẹ phải kiếm tiền nuôi con. Thế này không chịu, thế chai cũng không chịu thì mẹ biết tính sao? Mẹ không có tiền cho con đi nhà trẻ đâu.
Con bé vẫn cứ khóc không nói gì. Tôi đưa nó sang nhà hàng xóm rồi bảo:
– Chú trông hộ chị một lúc, khoảng 2 tiếng sau anh Tấn về trông cửa hàng rồi chị chạy về đón cháu.
Nhưng con bé lại hét lên:
– Không, con không ở đâu.
– Ở nhà với chú hàng xóm một chút có sao đâu mà cứ khóc ầm lên thế. Hư lắm, đi nhanh.
Nói rồi tôi xách con bé lên qua giao cho chú Hùng hàng xóm, không quên dặn chú nhớ coi con bé cẩn thận vì nó đang lên cơn giận dỗi. Tôi cứ đinh ninh rằng mình chỉ đi một tí, nào ngờ khách đông quá nên ở lại làm luôn đến tối mới về, bụng bảo dạ: “Chắc con ở với chú hàng xóm thì không sao vì chú Hùng là người đàng hoàng, lại có vợ con ở đó”.
Thế mà tối về, tôi vừa mở cửa ra thì đã thấy con bé nằm bất tỉnh ở trên giường. Tôi tá hỏa lay con thì thấy người con bé trầy xước hết cả. Tôi chẳng hiểu vì sao con tôi lại leo được vào nhà.
Tôi đưa con đi cấp cứu, trong lòng lo lắng khủng khiếp, đến khi bác sỹ bảo do con bé bị đói, lại bị khủng hoảng tâm lý nên mới thế thì tôi òa lên khóc vì sợ, tôi nghĩ ngay đến việc tồi tệ nhất.
Đợi con tỉnh dậy, tôi ôm lấy nó rồi hỏi:
– Sao thế con? Sao không ở nhà chú Hùng mà lại về nhà mình vậy? Sao con vào được nhà? Nói mẹ nghe đi, đừng sợ, mẹ không mắng con đâu.
– Mẹ đừng gửi con ở nhà chú Hùng nữa, chú ấy chẳng bao giờ cho con ăn, đồ mẹ gửi qua chú ấy cho con chú ăn hết, đến bữa cứ bắt con ngồi nhìn, lại còn đánh con nữa, con sợ lắm. Lúc chiều con đói quá lấy bánh mẹ gửi để ăn thì mấy đứa con của chú lôi con ra đánh, con sợ quá chạy về leo cửa vào rồi lấy chìa khóa mẹ giấu ở sau chậu cây vào nhà. Con đói quá, lại bị chú ấy túm tóc dọa nên con sợ. Con không qua nhà chú ấy nữa đâu.
Tôi ôm con vào lòng khóc vì sợ hãi. Tôi hỏi con:
– Thế ngoài việc ấy ra chú Hùng còn làm gì con nữa không?
Con bé lắc đầu. Lúc này tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Nếu như gã hàng xóm bẩn tính ấy làm gì con gái tôi thì có lẽ, tôi sẽ ân hận suốt đời mất. Thế mà trước giờ tôi không nghe con, cứ gạt lời nó đi và cho rằng gã hàng xóm là người tốt. Từ nay chắc tôi phải cắn răng chọn trường tốt cho con đi học chứ thả con ở nhà vất vưởng thế này vừa sợ vừa lo. Đấy, đôi khi các bậc cha mẹ như chúng ta cứ đổ lỗi cho công việc, thời gian và tiền bạc rồi bỏ mặc con cái, đến khi chuyện đáng tiếc xảy ra thì mới ôm đầu hối hận.
Theo QTCS
Xem thêm: Cười té ghế với màn thay tã của ông bố.