Những lời đồn đoán bà bầu cơ thể không được “sạch sẽ”, đi lễ đền chùa không tốt cho em bé, dễ bị “bắt” mất con… khiến nhiều bà bầu hiếm muộn không dám đi ngang qua cửa đền chùa. Sự thật thế nào?
Đi lễ dễ bị bắt mất con?
Bạn Khánh Linh (Hà Nội) cho biết: “Em đã có thai được 8 tuần tuổi. Trước đó em bị hiếm muộn, đi chữa trị rất nhiều nơi và đã thường xuyên lên chùa để cầu ơn phước. Mẹ chồng nói nhờ em chăm chỉ tu nhân tích đức nên mới được trời ban con cho, nên cả gia đình em mừng lắm. Nhân mùa Phật Đản, em muốn đi chùa cầu an cho thai kỳ, đặc biệt cho con. Nhưng vừa nghe em nói ý định đi chùa, mẹ chồng em cấm luôn.
Bà bảo phụ nữ mang thai không nên đi chùa vì ở chùa nhiều âm khí, không tốt cho em bé. Bà còn nói, phụ nữ mang thai đi chùa, thậm chí là đi ngang qua chùa còn dễ bị “bắt” mất con. Em thì chưa nghe chuyện này bao giờ, cho là mê tín, nhưng cũng hơi lo lo vì thực sự em rất muốn đi lễ chùa dịp Phật Đản”.
Chị Phan Ngân (ở Cát Linh, Hà Nội) chia sẻ, hồi chưa có bầu, vợ chồng chị vẫn vào thăm sư thầy ở chùa. Khi chị mang thai, chị gái chị khuyên không nên đi chùa vì sợ “bắt” mất con. Nghe chị gái nói thế, chị Ngân sợ đến mức sinh xong cả năm vẫn không dám đi lễ chùa.
Tương tự, anh Giang Nam (sống ở TP Nam Định) cũng không dám chở vợ đi đền chùa ngày rằm, mùng một vì lời khuyến cáo: Ở nơi đền chùa nhiều âm khí, âm khí dễ ám vào thai nhi, không tốt cho em bé. Thậm chí, anh Nam còn cẩn thận tránh chở vợ đi ngang qua cổng đền vì vợ chồng anh hiếm muộn, lấy nhau 5 năm, giờ vợ anh mới cấn bầu.
Có bầu đi lễ, tốt cho cả mẹ lẫn con
Theo chuyên gia nghiên cứu Phật học Nguyễn Mạnh Cường (Viện Phật học Việt Nam), chùa chiền là chốn linh thiêng, thanh tịnh, cũng là nơi chúng sinh ngoài thế tục tỏ lòng kính ngưỡng Phật, gieo mầm cơ duyên với Phật pháp, kết thiện duyên, tiêu tai giải nạn… Xưa, người phụ nữ có bị cấm tới đình làng và một số nơi thờ tự. Phụ nữ đến kỳ, đến tháng chưa sạch thì nên kiêng. Chưa bao giờ có chuyện cấm phụ nữ mang bầu lên chùa, kể cả trong các sách cổ xưa cũng không nói tới chuyện đó, bởi chuyện sinh nở không ảnh hưởng gì khi đi lễ chùa.
Bà Trịnh Thị Lan (Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người) cũng cho biết, phụ nữ có bầu đi lễ chùa không sao cả. Nói chùa chiền cấm bà bầu vào lễ chùa là hoàn toàn vô lý. Nhưng các bà bầu nên hạn chế đi lễ ở các đền, miếu phủ, nên tránh khi vào cửa cô, cửa cậu, đặc biệt tránh tới nơi hầu đồng. Bởi thai nhi có thể bị tác động khi nghe nhạc và việc hầu đồng bóng là việc riêng của đạo mẫu, bà bầu không nên tới quá nhiều.
Ngoài ra, bà bầu cũng không nên đi viếng đám ma vì dễ bị nhiễm âm khí. “Âm khí chính là dấu hiệu nhiễm khuẩn do thân thể người chết phát tán ra ngay sau khi họ chết và còn tồn dư lại ít ngày sau đó. Thai phụ đến đám tang, không khí tang ma đau buồn, người đông, kèn trống ò í e… có thể làm ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe của mẹ và thai nhi. Nếu muốn, các bà bầu có thể thăm viếng người đã mất vào dịp 49 ngày, 100 ngày, ngày giỗ”, ông Phạm Quang Tuyến, Phòng Thực nghiệm, Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người khuyến cáo.
Ông Nguyễn Mạnh Cường khuyên, lễ chùa ở đâu cũng tốt, có bầu đi lễ bình thường, không có ảnh hưởng gì, mà càng tốt cho mẹ cho con. Tốt nhất, lành nhất là đến chùa thắp hương, còn những nơi thờ tự khác nên hạn chế đến.
Lưu ý là khi có bầu thì không cần cầu kỳ phải đi lễ chùa xa, mà chùa làng, chùa gần cũng rất tốt vì chùa nào cũng đều thờ Phật. Lễ Phật ở đâu cũng có được tinh thần sảng khoái, rất tốt cho mẹ và thai nhi. Người mẹ và người thân trong nhà cần chuẩn bị kế hoạch, chọn thời gian đi lễ phù hợp, đảm bảo sức khỏe và an toàn cho thai phụ khi đi lại.
Lời khuyên để bà bầu đi lễ chùa
– Nên khám thai định kỳ đầy đủ và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi lên kế hoạch đi lễ xa. Nếu đi lễ xa, nên mang theo sổ khám thai (tốt nhất là kết quả trong vòng 1 tuần). Cần đem theo các loại thuốc đã được bác sĩ kê đơn sẵn.
– Ba tháng đầu do bánh nhau chưa thành lập nên rất dễ có hiện tượng động thai, sảy thai… Cơ thể chưa nặng nề nhưng không thích hợp cho đi lễ chùa xa. Các yếu tố như nghén, buồn ngủ, mỏi mệt cũng ảnh hưởng đến việc đi lại…
– Nếu đi lễ xa, thai phụ và người thân đặc biệt quan tâm đến chế độ ăn uống để giữ sức khỏe của mẹ và thai nhi.
– Tránh tới chùa phải đi bộ nhiều, leo trèo nhiều vì không thích hợp cho người mang thai.
– Nên chuẩn bị sẵn số điện thoại của các bệnh viện chuyên sản khoa nơi đến lễ để dự phòng khi khẩn cấp.
Theo Báo Gia đình & Xã hội
Xem thêm: Trời tụi này… Có 3 thùng bia giao khách mà tụi mày cũng không tha!