Nghệ sĩ Ưu tú, nhà thiết kế áo dài Đức Hùng gửi đến Zing.vn bài viết xung quanh những tranh cãi về trang phục được cho là “áo dài mặc với váy đụp” thời gian gần đây.
Mọi người đang tranh luận về một vấn đề không đáng để đề cập. Tôi cho đó là sự lệch lạc và không nên bận tâm vào những trang phục kỳ quặc kia. Nếu cứ bàn cãi về thứ được coi là “áo dài cách tân mặc với váy đụp” này, vô tình chúng ta đã tiếp tay để nó trở nên “hot” hơn.
Đây là bài viết đầu tiên, duy nhất và kết thúc của tôi – một người đã có tới 30 năm gắn bó với áo dài – về một mẫu sản phẩm mà công chúng đang bàn luận.
Tôi tự nhận mình là một người khéo léo nhưng xin thứ lỗi, trong khuôn khổ bài viết này, tôi buộc phải gay gắt để người ta không nhầm tưởng về áo dài – quốc phục của Việt Nam.
Trang phục dị hợm, không phải áo dài
Trước tiên, tôi khẳng định những trang phục mà một số người đang gọi là “áo dài cách tân” chắc chắn không phải là áo dài. Đó cũng không phải sản phẩm của nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp nào.
Nếu ai tạo ra những bộ quần áo này mà nhân danh là “áo dài”, tôi dám khẳng định đó không phải là người yêu nước, yêu dân tộc Việt Nam.
Phàm ở đời, ai yêu cái gì đều rất sợ bị phá đi. Là một người trong nghề, tôi hy vọng mọi người hãy thương lấy tà áo dài. Người đủ kiến thức và trình độ đều nhận thức được rằng những sản phẩm kia có phần dị hợm. Do vậy, đừng ai lợi dụng danh nghĩa áo dài để trục lợi.
Đối với tôi, một tà áo dài, đơn giản là phải dài, ít nhất là qua đầu gối. Thiết kế của những trang phục kia quá ngắn. Mặc như thế mà gọi là “quốc phục” thì không thể chấp nhận được. Và ngắn như thế thì còn đâu hình ảnh áo dài bay phấp phới hay “áo màu tung gió chơi vơi” như nhạc sĩ Hoàng Dương viết trong ca khúc Hướng về Hà Nội.
Thêm nữa, không ai mặc áo dài với váy đụp. Điều đó càng chứng tỏ những trang phục kia không phải áo dài. Hãy tưởng tượng xem, nếu coi chúng là áo dài và sau này phát triển mạnh thì áo dài Việt Nam sẽ đi đâu.
Tôi muốn báo động, thậm chí đưa áo dài đặt ở tình trạng cấp cứu nếu có ai đó ca ngợi và ủng hộ những thiết kế như thế kia.
Các nước khác đều không cách tân quốc phục
Việt Nam có áo dài, Trung Quốc có sườn xám, Nhật Bản có Kimono, Hàn Quốc có Hanbok. Nhưng không nước nào đặt vấn đề về việc cách tân trang phục truyền thống của họ.
Chỉ trong những đấu trường nhan sắc, người ta mới cường điệu hóa những trang phục truyền thống, còn bình thường họ coi “quốc phục” là trang phục thần thánh, không phải muốn sửa chữa thế nào cũng được.
Tôi từng sang thăm những nước đó và cũng có nhiều bạn bè nước ngoài, tôi khẳng định rằng quốc phục luôn luôn được người dân, nhà thiết kế và những người làm về văn hóa gìn giữ, bảo vệ. Khi tôi sang Nhật, tôi thấy không phải ngày lễ Tết vẫn có người mặc Kimono. Đó là hình ảnh rất đẹp và chúng ta cần học hỏi.
Thời trang là sản phẩm của sự sáng tạo. Do vậy, nhiều người cho rằng trang phục truyền thống cũng cần cách tân nhưng cách tân như thế nào mới là quan trọng.
Tôi kịch liệt phản đối những nhà thiết kế ủng hộ tuyệt đối sự cách tân. Việc gì phải cách tân nếu bản thân trang phục đã quá đẹp, hoàn mỹ và hoàn hảo.
Tôi đồng ý rằng để có được áo dài như hiện nay, ông cha ta cũng phải học hỏi và cải tiến. Nhưng hình dáng của nó vẫn luôn luôn là áo dài Việt Nam, các cụ chủ yếu chỉ cách tân về màu sắc, chất liệu.
Bà Trần Lệ Xuân sáng tạo ra áo dài cổ thuyền nhưng đó chỉ làm mới một chi tiết, còn dáng dấp trang phục vẫn vậy.
Tận cùng của dân tộc sẽ chạm vào tận cùng của thế giới. Nếu giữ được cốt tủy của văn hóa thì mới có thể quảng bá được văn hóa. Có giữ bằng được áo dài thì Việt Nam mới có được quốc phục sánh ngang với các nước trên thế giới, thậm chí có thể trở thành một khía cạnh để phát triển du lịch.
Lễ Tết mà mặc kiểu đấy thà không mặc còn hơn
Một số người cho rằng “méo mó có hơn không”, việc nhiều bạn trẻ quan tâm đến “áo dài cách tân mặc với váy đụp” là một dấu hiệu tích cực. Tôi lại không thấy trang phục đó tích cực ở bất cứ điểm gì. Nhiều trang phục bình thường còn đẹp hơn nhiều lần sản phẩm đó.
Y phục xứng kỳ đức, người ta ví von là “mắm tôm pha với ca cao” cũng là một cách thức để lên án. Nhân danh áo dài để diện những trang phục quái lạ thì đúng là thà không mặc còn hơn. Nếu vẫn cố tình khoác lên người, không khác gì hành động phá nát áo dài truyền thống.
Tôi cũng xin nhấn mạnh rằng, không chỉ tôi mà nhiều nhà thiết kế cũng không thể chịu nổi nếu những trang phục kia trở thành “xu thế”. Đừng nghĩ những người gìn giữ truyền thống là cổ hủ, đó mới là những người văn minh thực sự. Đơn giản, sự văn minh nằm ở tri thức và hiểu biết của mỗi người về những giá trị của dân tộc.
Thú thật, tôi rất dị ứng với từ cách tân, tôi chỉ chấp nhận sự cách điệu. Cách điệu nghĩa là vẫn giữ nguyên bản áo dài nhưng làm sao để nó trở nên quyến rũ và hấp dẫn hơn. Ví dụ như áo dài thể hiện trên vải lưới, vải chấm bi, áo dài tay loe. Nhưng khi nhìn vào người ta vẫn nhận ra ngay đó là áo dài.
Những trang phục được cho là “áo dài váy đụp” kia chỉ mang tính giải trí, người nước ngoài nhìn vào, không ai gọi đó là trang phục Việt Nam. Tôi muốn dùng từ “bó tay” nếu những trang phục đó được người Việt quảng bá như một sản phẩm văn hóa.
Nhiều người Việt cư xử và ăn mặc kiểu “hiệu ứng domino”, thấy người ta mặc là mặc theo chứ không hề biết ý nghĩa thế nào. Những trang phục cách tân kiểu áo dáng dài với váy loe thực chất chỉ thỏa mãn cho nhu cầu sexy của một số người.
Tâm lý thích hở khiến nhiều bạn nữ chọn “áo dài váy đụp”, thậm chí “áo dài quần short” để đi dễ, ngồi dễ. Suy nghĩ ấy có phần thiển cận.
Không một trang phục nào vừa nhã nhặn, tinh tế, thanh lịch, vừa tôn dáng hình người phụ nữ như áo dài. Và tôi cho rằng, đó cũng là trang phục quyến rũ và hấp dẫn nhất mà phụ nữ Việt có thể hãnh diện mặc lên người.
Hãy giữ hồn cốt áo dài như giữ gìn những gì thân thuộc nhất, có như vậy, những trang phục biến dạng kia mới không thể tồn tại.
Nguồn: blogtamsu
Xem thêm: Dẫm chân cô gái khi đi Chùa Hương, bà cụ bị đánh đến ngất xỉu