Tết sắp đến rồi mà em thấy trên khắp các mặt báo người ta vẫn còn bàn về việc có nên… bỏ Tết truyền thống. Thôi thì đây cũng là một dịp tốt để chúng ta thảo luận về vấn đề này, một lần rồi thôi, để những người nào vẫn còn giữ cái ý nghĩ phải bỏ Tết vì phát triển kinh tế thì “dẹp” luôn cái suy nghĩ hạn hẹp, nông cạn ấy đi. Nhiều người không “phục” ý kiến phải giữ gìn Tết cổ truyền bằng mọi giá vì cho rằng những người Việt bảo vệ quan điểm này là những người lười biếng hoặc là những người cổ hủ. Song đến cả người nước ngoài cũng mong muốn Việt Nam giữ gìn Tết thì không biết ý kiến của họ có đáng được xem xét hơn hay không? Vì họ chỉ là “người ngoài” nên cái nhìn và lập luận của họ hẳn cũng sẽ “khách quan” hơn.
Mấy bữa trước, chúng ta đã được nghe những “lời vàng ý ngọc” của một nhà ngoại giao Nhật Bản về nỗi ân hận của người Nhật khi đánh đổi Tết cổ truyền lấy sự phát triển kinh tế, về những cái giá mà người Nhật phải trả cho sự đánh đổi đó. Bây giờ, chúng ta lại được nghe ý kiến của một nhà ngoại giao người Úc, một giáo sư danh tiếng của trường đại học New South Wales, GS Carl Thayer về ý kiến người Việt có nên bỏ Tết cổ truyền hay không? Nghe ý kiến của ông ấy mà em thấy xấu hổ thay cho nhiều người Việt mình. Đến người nước ngoài người ta còn nhiều thấy những điều như thế này đây.
Khi được hỏi về việc nhiều người Việt mong muốn bỏ Tết cổ truyền, vị giáo sư này đã thể hiện quan điểm của ông, với sự trải nghiệm và quan sát sâu sắc về đời sống của cộng đồng người Việt tại Úc: “Việt Nam nên giữ gìn Tết không chỉ bởi các lý do truyền thống, văn hóa hay bản sắc dân tộc, mà còn bởi những người Việt sinh sống tại nước ngoài. Hôm nay tôi vừa tham gia buổi chung vui đón Tết tại Canberra, và đó là cơ hội gặp gỡ nhiều người bạn Việt Nam, gồm cả những người đã kết hôn với người Úc.
Đó cũng là dịp để những người Úc có liên hệ với Việt Nam được họp mặt. Đây chính là ví dụ tiêu biểu cho sức mạnh mềm. Tại buổi chung vui, cả Đại sứ Việt Nam tại Úc và lãnh đạo Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam – Úc đều phát biểu. Nhiều người tham dự được biết thêm về tình hình đất nước. Cùng lúc đó, rất nhiều người Úc gốc Việt quay trở lại Việt Nam đoàn tụ bên gia đình”.
Tết không chỉ là Tết mà còn là dịp sum vầy, đoàn tụ của mọi người. Giá trị của Tết nằm trong giá trị về gia đình, về nguồn cội và về sự đoàn kết cộng đồng. Qua việc nhận thức những giá trị này, mỗi người Việt sẽ khắc sâu hơn ý thức về bản sắc, về căn cước của mình. Đây là một sức mạnh mềm rất quan trọng, cả trong văn hóa, chính trị và kinh tế.
Chúng ta thường hay kêu gọi sự giúp đỡ và chung tay đóng góp xây dựng quê hương của những Việt kiều. Chúng ta xem người Việt ở nước ngoài là một nguồn lực quý giá để phát triển đất nước. Thế nhưng nếu bỏ Tết thì còn lại gì để những người con xa xứ hướng về quê hương và nhận biết về bản sắc, nguồn cội của mình? Những thế hệ người gốc Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài còn có động lực nào để duy trì bản sắc văn hóa, truyền thống của ông bà tổ tiên khi chính người Việt sinh sống ngay tại quê hương xứ sở lại chối bỏ nó? Đến một người nước ngoài còn nhận thấy điều đó, vậy tại sao người Việt mình lại không nhận ra bỏ Tết chính là “tàn nhẫn” và “chối bỏ” luôn cả những đồng bào phải sống tha hương của mình?
Vị giáo sư này cũng liên hệ kỳ nghỉ Tết của Việt Nam với kỳ nghỉ Giáng sinh của Úc, ông cho rằng việc nghỉ lễ dài hay ngắn chẳng liên quan gì đến năng suất lao động của một quốc gia cả, vì có rất nhiều cách để cân bằng giữa công việc và nghỉ lễ, cân bằng giữa kinh tế và văn hóa: “Tại Úc, kỳ nghỉ dài nhất là từ Giáng Sinh đến ngày 2/1. Công chức được nghỉ Giáng Sinh và ngày Boxing (25/12 và 26/12), và Năm mới (1/1 và 2/1). Chính phủ nghỉ lễ trong thời gian này và yêu cầu nhân viên nghỉ xen kẽ các ngày 28 – 31/12. Văn phòng công vụ làm việc vào 3/1, với ngoại lệ là các bộ ngành liên quan đến an ninh và quốc phòng.
Như vậy, Giáng sinh hoặc lễ Phục sinh là dịp nghỉ dài nhất tùy theo có rơi vào gần cuối tuần hay không. Vì Giáng sinh tại Úc diễn ra vào mùa hè và gần Năm mới, rất nhiều người xin nghỉ phép vào dịp này. Sự thật là một số công việc bị đình trệ trong thời gian này. Các doanh nghiệp tư nhân được quyền tự do quyết định việc nghỉ phép của nhân viên, ví dụ như một người có thể tự nguyện làm việc và sẽ được tiền thưởng. Những nhân viên sai phạm quy tắc sẽ bị phạt. Điểm mấu chốt là quốc gia nào cũng cần cân bằng giữa đời sống văn hóa giàu đẹp và thời gian rời xa công việc với duy trì hiệu quả công việc nói chung”.
Chỉ cần biết lên kế hoạch thì công việc sẽ không bị đình trệ, thế nên không thể đổ lỗi cho kỳ nghỉ Tết kéo dài làm ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế được và cũng chẳng có lý do gì để bỏ Tết cả.
Theo WTT
Xem Thêm: Thưởng thức thịt bò Kobe, thịt bò ngon và đắt nhất thế giới.