Quả quýt rất phổ biến lại bổ dưỡng từ vỏ đến hạt vì thế người xưa ví loại quả này như “ngọc màu vàng” và ăn một quả bằng uống 5 vị thuốc bổ.
Y học hiện đại đã chứng minh, quýt là thức quả có chứa hàm lượng dinh dưỡng vô cùng phong phú.
So sánh 100g thực phẩm hấp thu giữa quýt và lê, hàm lượng protein của quýt cao gấp 9 lần, lượng canxi cao gấp 5 lần, photpho gấp 5.5 lần, vitamin B1 gấp 8 lần, vitamin B2 gấp 9 lần và hàm lượng vitamin C cao hơn 10 lần.
Chưa dừng lại ở đó, loại quả này còn chứa thành phần chống oxy hóa, có khả năng nâng cao hệ miễn dịch, phòng ngừa ung thư, chống tia bức xạ từ máy tính, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ ở người cao tuổi.
Cổ nhân từng ví quýt như “ngọc màu vàng”. Loại quả này cũng đi vào nhiều tác phẩm thơ văn, nghệ thuật Trung Hoa.
Trung y cũng đánh giá quýt là thức quả “trời cho”, mỗi bộ phận của loại quả này lại sở hữu tính vị khác nhau cùng nhiều công dụng quý giá.
Trong tiếng Hán, quýt đồng âm với “cát”, mang ý nghĩa may mắn và đoàn tụ. Ngày nay, tại nhiều địa phương tại Trung Quốc, cô dâu chú rể thường ăn quýt trong đêm tân hôn với mong muốn sớm sinh quýt tử.
Về y học, từ múi quýt đến vỏ quýt, hạt quýt, xơ quýt hay thịt quả đều là những vị thuốc nổi tiếng từ thời xa xưa. Bởi vậy, ăn một quả quýt đồng nghĩa với việc chúng ta uống 5 vị thuốc bổ.
Xơ quýt
Lớp xơ bên ngoài thịt quả này được Trung y gọi là “quất lạc” và sử dụng như một thành phần quan trọng trong nhiều bài thuốc.
Theo y học cổ truyền, xơ quýt có vị đắng, tính bình, giúp tiêu đờm, thông kinh lạc, điều hòa khí huyết, chủ trị các bệnh khí trệ kinh lạc, ho tức ngực, ho ra máu.
Y học hiện đại cũng chứng minh, xơ quýt rất giàu rutin. Chất này có tác dụng bảo vệ độ đàn hồi và độ dày của thành mạch máu, giảm tính giòn và tính thấm ở thành mạch, giúp ngăn chặn nguy cơ đột quỵ.
Xơ quýt có thể ăn trực tiếp cùng thịt quýt, cũng có thể pha với nước để uống.
Múi quýt
Thịt quả của quýt nhiều nước, lại mang hương vị thơm ngon, giúp sinh tân, giải khát. Hơn nữa, nước quýt đặc biệt giàu vitamin C, carotene, acid folic… giúp chống oxy hóa, giảm nguy cơ gây ung thư.
Bên cạnh đó, thịt quả của quýt còn có tác dụng phòng ngừa dị ứng, giảm nguy cơ mắc các bệnh về huyết áp, mạch vành và đột quỵ.
Vỏ quýt
Vỏ của loại quả này còn giàu vitamin C và các loại tinh dầu, có khả năng lưu thông khí huyết, kiện tỳ, chữa hôi miệng, dưỡng tâm an thần, chống say, trị gàu, chữa hói, chữa nhức, viêm tuyến sữa, trị biếng ăn…
Trung y chia vỏ quýt thành hai vị thuốc, có tên gọi là trần bì và thanh bì.
Trần bì: là vỏ quýt đã chín, được phơi khô, để càng lâu càng tốt. Trần bì tính ấm, có tác dụng kiện vị (khỏe dạ dày), long đờm, trị ho, trị phong, lợi tiểu, chữa ợ hơi, đau thượng vị.
Thanh bì: là vỏ quýt còn xanh đã được đem đi phơi sấy khô. Thanh bì vị ngọt, cay, tính ấm, có tác dụng phá khí tiêu trệ, tốt cho gan, cũng có thể dùng trị thoát vị, đau nhức.
Hạt quýt
Hạt của quýt mang vị đắng, tình bình, công hiệu điều hòa khí, giảm đau, tan u cục, chủ trị chữa sa nang, sưng đau tinh hoàn, đau lưng, viêm tuyến sữa, hỗ trợ điều trị ung thư vú giai đoạn đầu…
Lá quýt
Lá quýt vị đắng, tính bình, có tác dụng trợ gan, hành khí, tiêu thũng, tan u cục, dùng chữa các chứng đau mạng sườn, sa nang, đau vú, u cục ở vú.
Theo Trí Thức Trẻ