Từ cây, con, củ, quả đến chim cò, giun, rắn hay dê núi, hải sâm… đều được cho tất tật vào ngâm rượu với các tác dụng “truyền mồm là thập toàn đại bổ. Thế nhưng “ông uống bà khen” đâu chưa thấy, chỉ nhãn tiền là khá nhiều quý ông đã phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc rượu.
Theo các bác sỹ của Trung tâm Chống độc (TT), Bệnh viện Bạch Mai, ngộ độc rượu chiếm một tỷ lệ không nhiều trong tổng số các ca ngộ độc nhập viện, thế nhưng tình trạng bệnh nhân ngộ độc rượu đều ở mức độ rất nặng, nguy cơ tử vong cao.
Suýt chết vì hai ly rượu “những chú lính chì dũng cảm”
Bây giờ, thứ mà Anh Hoàng Vĩnh L. ở quận Hoàng Mai, Hà Nội sợ nhất trên đời có lẽ là…rượu. Mới chỉ cách đây vài tháng, anh còn là một đệ tử thân tín của “Lưu Linh phái” và trong những trận nhậu triền miên bên bạn bè, thức uống được các anh đề cao nhất và hết lòng hâm mộ là rượu ngâm các loại cây, con độc đáo.
Theo lời anh L kể thì cứ nghe đến “đại tửu quán” nào có loại rượu ngâm “vợ xin thua” hay “cứng gân dẻo khớp” là các anh tìm đến để thưởng thức.
Từ các loại rượu ngâm cây củ đến các loại con, rồi rượu ngâm cà dê, pín hổ, hay rượu ngâm dê, ngâm gấu bao tử…các anh đều đã kinh qua. Tưởng họ là những kẻ uống rượu bất khả chiến bại, nào ngờ tính mạng suýt “thăng thiên” vì hai chén rượu ngâm kiến.
Hôm ấy được bạn bè mời nhậu tại một tửu quán mạn trên Hồ Tây, chủ quán bưng ra giới thiệu với các thượng đế một loại rượu mới cực kỳ đặc biệt. Nhìn bình rượu ngâm đủ các loại kiến đen, đỏ, vàng và vô số trứng kiến bé li ti màu trắng nhờ nhờ, anh L phẩy tay chê nhưng chủ quán vội vàng giới thiệu công dụng không thể ngờ của loại rượu mang tên “Những chú lính chì dũng cảm”.
Thế nhưng chỉ sau khi uống được hai ly nhỏ, anh L bắt đầu thấy khó chịu, bứt rứt trong người, sau đó anh lịm đi. TT chống độc tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân L trong tình trạng tụt huyết áp, giãn mạch, đỏ da toàn thân, sốc phản vệ nặng. Rất may là đoạn đường đến bệnh viện không quá xa và anh L được đưa đến kịp thời, nếu không sẽ khó tránh khỏi cái chết.
Uống rượu ngâm không đúng cách sẽ trở thành uống…thuốc độc
Đây là khẳng định của các BS tại TT Chống độc, BV Bạch Mai, người đã có nhiều năm làm công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân bị ngộ độc rượu. Theo các BS cảnh báo không phải ai cũng hiểu được điều hết sức đơn giản là rượu thuốc cũng là thuốc nên phải uống có liều lượng và có chống chỉ định đối với một số người. Khá nhiều người đã gộp chung tất cả các loại rượu ngâm thành …rượu bổ nên thả phanh uống, uống càng nhiều thì càng bổ và hậu quả là đến bệnh viện cấp cứu vì ngộ độc rượu.
Theo đó, ngộ độc rượu nếu nhẹ bệnh nhân sẽ bị mất kiểm soát, dẫn đến rối loạn hành vi như nói nhiều, hung dữ, côn đồ hay ủy mị, khóc lóc. Nếu uống nhiều, nồng độ cồn trong máu quá cao có thể gây ra ức chế toàn bộ hệ thống thần kinh trung ương dẫn đến hôn mê sâu, suy hô hấp, trụy mạch, với nhiều biến chứng nguy hiểm như: hạ đường máu, nhiễm toan, rối loạn nước điện giải và dẫn đến tử vong.
Đó là chưa kể đến các thành phần “thuốc” ngâm trong rượu vốn đã mang độc tính cao như mã tiền, phụ tử (củ gấu tầu) hay nọc các loại rắn độc ngâm rượu…Chính vì thế mà khi ngộ độc rượu thuốc lại càng trở nên nguy hiểm hơn. Có những trường hợp dù được cứu sống nhưng để lại những di chứng hết sức nặng nề như suy gan, tổn thương thần kinh vĩnh viễn (hôn mê mạn tính, không tỉnh lại) hay những di chứng về vận động gây liệt.
Lương y Nguyễn Văn Hướng, Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam cho biết. dân gian lưu truyền lại những bài thuốc ngâm rượu với cây cỏ hay các loại con vật, có tác dụng tốt trong việc bồi bổ sức khỏe nhưng quá trình ngâm tẩm phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc điều chế thuốc đông dược vì rượu ngâm thuốc chính là thuốc. Lương y cũng cho biết không phải cứ tay gấu, rắn hổ mang hay sâm nhung gì cứ quý đem ngâm rượu là bổ.
Các loại rượu ngâm này phải tuân thủ một quy trình chặt chẽ từ việc chế biến, ngâm tẩm đến thời gian ngâm. Đặc biệt là đối với các loại rượu ngâm để kinh doanh trên thị trường bởi không thể kiểm soát được chất lượng của các vị thuốc, các loại cây, con đem ngâm và cả chất lượng rượu.
Điều đáng lưu ý thứ hai là do không có chuyên môn nên người bán có thể đem ngâm cả các loại thuốc “công” nhau, gây những tác hại khôn lường. Điều thứ ba là quá trình ngâm tẩm, chế biến không tuân thủ các quy tắc nhất định nên dễ lẫn nhiều tạp chất, uống vào sẽ hại nhiều hơn bổ.
Một thực tế đáng buồn khác là số người nghiện rượu đang tăng lên trong giới trẻ, đặc biệt là sinh viên và công chức. Số người thuộc tầng lớp “có chữ” này lại đang sa đà vào tệ nạn rượu và mặc nhiên chấp nhận việc tự hủy hoại sức khỏe của mình.
Xem thêm: Mỗi ly rượu là 1 liều thuốc độc.