Xu hướng “xách vali lên và đi du lịch” vào dịp Tết chỉ là trò đua đòi, lố bịch của không ít người trẻ ngày nay.
Tôi nhận được điện thoại của ông chú ruột vào những ngày không khí xuân đang rộn ràng trên khắp phố phường, len lỏi vào từng ngôi nhà. Ông hỏi: “Tết này con có về nhà không?” với một cái giọng mà tôi đoán, có lẽ ông phải cố hết sức mới khiến nó trở nên có vẻ như bình thường.
– “Vợ chồng em Lân lại không về hả chú?”. Tôi trả lời ông bằng một câu hỏi. Ông chỉ đáp “ừ” rồi cúp máy. Lần này, tôi biết chắc người đàn ông gần 80 tuổi ấy đang lặng lẽ khóc.
Chú tôi – một cựu chiến binh chống Mỹ. Ông cưới vợ – người phụ nữ xinh đẹp làng bên kém ông hai tuổi. Cưới sau được vài ngày, ông nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, lên đường đi chiến đấu. Ông đi biền biệt gần 20 năm rồi mới trở về. Rồi 5 năm sau đó, ông bà mới sinh được thằng Lân.
Ở cái tuổi mà ở quê, có người đã lên chức ông bà, vợ chồng chú tôi mới lần đầu được làm cha, làm mẹ. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi ông bà chăm bẵm, cưng chiều con hơn tất thảy mọi thứ trên đời. Ông bà dồn tất cả những gì tốt đẹp cho đứa con duy nhất ấy.
Đáp lại, thằng Lân cũng khiến bố mẹ “nở mày, nở mặt” bởi thành tích học tập. Nó vào Đại học, rồi kiếm được công việc tử tế trong Sài Gòn. Nó cưới vợ – một cô gái thành thị sành điệu. Vài ba năm đầu, vợ chồng nó còn ra Bắc đón Tết với bố mẹ, nhưng rồi những lần về ấy cứ thưa dần. Ba năm trở lại đây, Lân thường đưa vợ con đi du lịch. Nó chỉ gửi quà về cho bố mẹ và những cuộc điện thoại vội vã khi ngồi chờ ở sân bay.
Vào những dịp Tết, khi mà mọi gia đình được quây quần bên con cái, nhà nhà rộn rã tiếng cười của lũ trẻ con, tiếng nói chuyện rôm rả của những người phụ nữ và những câu chúc rộn ràng của những người đàn ông dành cho nhau, vợ chồng nhà ông chú tôi lại trở nên lặng lẽ và đáng buồn hơn bao giờ hết.
Khách khứa, bạn bè, con cháu cũng chỉ đáo qua, chúc Tết ông bà vài câu rồi trở về nhà. Từ chiều mùng một, đã chỉ có hai ông bà đi ra đi vào trong ngôi nhà ba tầng, rộng thênh thang. Tất cả sự chú ý của họ chỉ dồn vào chiếc điện thoại. Mỗi khi nó đổ chuông là ông bà lại tất tả chạy vào. Nói chuyện được với con cháu vài ba phút, chưa kịp vui đã lại phải đối diện với sự trống vắng, sự hụt hẫng và cảm giác cô đơn.
Những trường hợp đón Tết nhưng không được quây quần bên con cháu như vợ chồng chú tôi không còn là hiếm trong xã hội ngày nay, nếu không muốn nói là ngày càng phổ biến. Nhiều người trẻ có quan niệm, Tết là dịp phiền hà, rắc rối và “tránh Tết” bằng việc cùng nhau “xách vali lên và đi”.
Họ coi việc đi đó là xu hướng thời thượng, là sành điệu, là cách sống của những người văn minh, thành đạt. Cứ nhắc đến cụm từ “đi du lịch” là nhiều người tự gắn cho mình cái mác sang chảnh, với vô số triết lý kiểu học đòi về khám phá, hưởng thụ. “Đi du lịch Tết” rộ lên như một thứ mốt mà nếu không làm được, nhiều người sẽ cảm thấy khó chịu vì thua bạn kém bè.
Họ biện minh cho mình rằng, cả năm đã làm việc vất vả, Tết là dịp họ dành để thỏa mãn những nhu cầu cá nhân. Họ quan niệm, sống trước tiên là để cho mình rồi mới cho người khác. Họ biện minh rằng, nếu không yêu thương, chiều chuộng bản thân mình, họ sẽ không bao giờ có khả năng yêu thương người nào khác.
Họ chạy theo những chuyến đi, những nụ cười ở nơi xa mà quên mắt ánh mắt mòn mỏi đợi chờ của cha mẹ ở nhà. Họ nâng ly chúc mừng với bạn bè ở vùng đất mới, mà không hay rằng, trong ngôi nhà nhỏ mà họ từng sinh ra, lớn lên, chứa đựng tuổi thơ của họ, có hai người vẫn lặng lẽ, đau đáu chờ họ về.
Họ quên mất rằng, với ba mẹ họ và phần lớn những người Việt khác, Tết vui vì đó là dịp đoàn viên. Đó là lúc những người đi xa trở về nhà. Những người ở gần nhau cũng thấy thương nhau hơn.
Không phải ngẫu nhiên mà vào trước mỗi dịp Xuân về, con người ta dễ dàng bỏ qua cho nhau những khúc mắc, những giận hờn, những oán trách trong lòng. Họ có thể buông bỏ mọi thứ, để ba ngày Tết có thể ngồi bên nhau, nhâm nhi chén rượu, ôn lại những chuyện xưa, ngắm nhìn các con cháu đang lớn dần.
Tết vui vì không phải có bánh chưng xanh, có đồ ăn ngon. Tết vui sau một năm vất vả, đầu tắt mặt tối, cả gia đình có thể ngồi bên nhau, cùng nhau chia sẻ niềm hy vọng về một năm mới tươi sáng hơn.
Tết rộn ràng không phải vì tiếng pháo mà vì tiếng cười của những thành viên trong ngày sum họp.
Với những người sống xa gia đình, xa bố mẹ, có khi nào trong chuyến du lịch ở nơi xa vào ngày Tết họ chợt đặt câu hỏi, một năm về thăm bố mẹ được mấy lần? Có người mỗi năm chỉ về thăm bố mẹ được một lần.
Nếu bố mẹ còn sống được 20 năm nữa thì họ cũng chỉ được gặp 20 lần. Nhưng với nhiều người, bố mẹ có thể còn sống trên đời này khoảng 10 năm nữa thôi, vậy là chỉ còn 10 lần gặp mặt bố mẹ. Cũng có khi, chợt nhớ về ngôi nhà xưa, khi quay trở về thì đã bố mẹ đã không còn ngồi đợi chúng ta quay về.
Theo Phununews
Xem thêm: Cuộc đời của 1 chú chó kéo xe… Chó không chê chủ nghèo, xem mà thương em ý quá.