“Tôi khẳng định là không hề có sự thiệt thòi trong chuyện chăn gối. Nếu mình muốn thì thầy vẫn đáp ứng được và ngược lại. Tôi nghĩ rằng sự hài hòa hay không cũng có một phần nguyên nhân từ người phụ nữ”, chị Bảy nói.
Chị Đinh Thị Bảy, 31 tuổi, chia sẻ về cuộc sống riêng tư sau khi kết hôn và sinh con đẻ cái với người chồng đã ngoài 80 tuổi.
Trước khi gặp thầy Trọng, chuyện tình cảm của chị thế nào?
– Tôi gặp thầy Trọng trong một cuộc nói chuyện về văn học Đông Tây và bình thơ tại ĐH Sư phạm Thái Nguyên. Lúc đó tôi đang là sinh viên nên chuyện yêu đương gần như không có. Thầy Trọng là mối tình đầu và tình cuối của tôi (cười).
Từ buổi bình thơ đó, mối quan hệ của chị với thầy Trọng thế nào?
– Đó cũng là cái duyên vì từ buổi gặp và bắt tay với thầy tại trường, tôi đã cảm thấy có điều gì rất lạ. Bàn tay thầy nóng ấm đến nỗi tôi cứ tự hỏi tại sao tay thầy ấm và mềm thế nhỉ? Tôi quyết định gọi điện cho thầy.
Cũng như bao sinh viên khác, sau cuộc nói chuyện thơ văn, chúng tôi đều bắt tay và xin số điện thoại của thầy. Sau đó, tôi được mời xuống chỗ thầy chơi. Lúc ấy, thầy đang quản lý trang trại thuốc dưới đường Láng Hòa Lạc.
Trong giọng nói của thầy, tôi cảm nhận điều gì đó rất buồn. Thầy có nói với tôi cuộc đời nhiều chuyện buồn và muốn tâm sự với tôi.
Vì “chuyện buồn của thầy” mà chị sẵn sàng từ bỏ con đường sư phạm đã dày công theo đuổi để xuống trang trại của thầy học nghề thuốc sao?
– Học xong, tôi quyết định không đi theo con đường sư phạm nữa mà xuống trang trại chỗ thầy để học nghề thuốc. Mẹ tôi cũng ủng hộ vì bà từng là y tá Đông Dương, mà hồi ấy chức y tá này được coi trọng lắm. Hơn nữa, cả nhà tôi đều biết về thuốc nam, tôi lại là người dân tộc Mường nên khi nói ý định đó, người thân đã không phản đối.
Sống ở trang trại thuốc 2 năm, chỉ quanh quẩn với công việc, điều kiện giao lưu, tiếp xúc của chị thế nào?
– Ngoài một bác bảo vệ khoảng 55-56 tuổi thì chỉ có mình tôi với cả trang trại thuốc mênh mông giữa cánh đồng. Dù vậy, tôi không thấy sợ và chưa bao giờ có định nghĩa “buồn” bởi công việc cứ cuốn mình đi.
Tôi cũng không có thời gian đi đâu, gặp ai hay tham gia những trò giải trí như đọc báo, xem tivi. Thi thoảng thầy Trọng xuống đưa tiền mua thức ăn cho chó, mèo hoặc nhìn ngó vườn tược xung quanh, tôi mới gặp thầy. Mỗi lần thầy xuống cũng chỉ khoảng 30 phút.
Điểm gì ở thầy Trọng mà ban đầu chị thấy ấn tượng nhất?
– Tôi cũng không hiểu là có sợi dây vô hình nào không nhưng lúc ấy tôi thấy thầy là người có tâm hồn ấm áp, thân thiện, dễ gần. Tôi coi thầy như người bác, người cha và cũng là một người bạn nữa.
Có bao giờ chị nghĩ thầy Trọng sẽ là chồng mình?
– Thực sự, khoảng 2 năm ở trang trại thuốc (từ năm 2005 đến năm 2007), tôi vẫn giữ mối quan hệ thầy trò bình thường nhưng sau những lần trò chuyện, ngoài sự đồng điệu về tâm hồn thì tình thương đã giúp tôi và thầy đi đến hôn nhân với nhau.
Thầy kể cho tôi nghe về bé Tâm lúc ấy mới đang học lớp 1, con của người vợ trước đã bỏ đi, và nói thật rằng đang ở cảnh “gà trống nuôi con”, chưa tìm được ai cùng chia sẻ với mình. Dần dần, tôi thương thầy nhiều hơn và quyết định nói “em muốn làm vợ của thầy”. Chúng tôi cưới nhau năm 2008 và sống hạnh phúc cho tới giờ.
Lúc lấy thầy, chị là gái son mới 27 tuổi, còn thầy không những đã già mà hoàn cảnh gia đình lại phức tạp, chị nghĩ sao mà lại quyết định vội vàng vậy?
– Thầy chẳng giấu tôi điều gì thì tại sao tôi phải hối hận? Ấy là thầy còn tử tế chán vì ở xã miền núi này, nhiều người còn chẳng thèm làm đơn ly dị vợ nhưng vẫn đi lấy người khác bình thường. Là người có học, cũng biết thế nào là phải trái nên tôi cưới xin cũng đàng hoàng. Có điều, người ta lại nghĩ tôi ham tiền của. Song ai nghĩ gì thì nghĩ, tôi cứ sống thoải mái và vui vẻ với chồng con, với công việc của mình là được.
Từ khi lấy chồng, cuộc đời chị thay đổi như thế nào?
– Có sự thay đổi rõ rệt, đặc biệt là trong công việc. Nếu trước kia tôi chỉ làm theo chỉ đạo của thầy vì mình là người đi làm thuê thì nay trong mọi việc tôi đều được tham gia ý kiến và thầy đều tôn trọng ý kiến của tôi. Nếu cả hai cùng có suy nghĩ gì thì sẽ nói ra, ngồi phân tích kỹ càng và sau đó mới đi đến hành động. Thậm chí, đi đâu, mua gì, vợ chồng đều thảo luận và cùng nhau đi mua.
Còn chuyện tế nhị vợ chồng?
– Tôi khẳng định là không hề có sự thiệt thòi trong chuyện chăn gối. Nếu mình muốn thì thầy vẫn đáp ứng được và ngược lại. Tôi nghĩ rằng sự hài hòa hay không cũng có một phần nguyên nhân từ người phụ nữ. Bởi nếu bạn cứ thích đòi hỏi, thích cái này, cái kia và không có tâm hồn thoải mái hay mặc cảm rồi mang mặc cảm ấy vào chuyện chăn gối thì chắc chắn bạn sẽ không bao giờ đạt được sự thỏa mãn.
Thầy Trọng cũng đã lớn tuổi, vậy chồng chị có chuẩn bị gì cho tương lai của chị và các con không?
– Thầy là người rất có trách nhiệm. Thầy cũng đã dành dụm và gửi tiết kiệm đủ để nuôi ba đứa con đến khi chúng trưởng thành.
Bé Tâm là con riêng của thầy, cháu cư xử với chị thế nào?
– Bé Tâm rất ngoan và tôi cũng rất thương bé. Giữa tôi và bé giống như hai người bạn, hai chị em vậy. Nếu không có bé Tâm giúp tôi trông nom bé Phúc (mới 3 tuổi) và bé Đức (mới hơn 1 tuổi) thì tôi khó có thời gian để vừa lo trang trại thuốc, vừa chăm con. Ngay từ lúc nghe thầy kể về chuyện mẹ bỏ đi lúc bé mới 2 tuổi, tôi đã muốn được chăm bé rồi. Chẳng ai muốn bị thiếu thốn tình cảm cả, vì vậy cũng đừng hạn hẹp nghĩ rằng mình phải chia sẻ tình cảm cho một ai đó.