Siêu vi khuẩn kháng kháng sinh giết chết 700.000 người mỗi năm. Gen kháng biến các loại vi khuẩn thường thành siêu vi khuẩn kháng kháng sinh được tìm thấy trong thực phẩm tại Trung Quốc và các loại thực phẩm nhập khẩu từ nước này sang nhiều nước trên thế giới.
Việc lạm dụng các chất kháng sinh trong chăn nuôi đã dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh của các loại siêu vi khuẩn và virus. Theo ước tính của chính phủ Anh, mỗi năm, có khoảng 700.000 người chết do nhiễm các loại siêu vi khuẩn kháng kháng sinh. Nếu tình trạng này kéo dài, thì chỉ tới năm 2050, con số tử vong do siêu vi khuẩn kháng kháng sinh sẽ lên tới 10 triệu người mỗi năm, nhiều hơn số người tử vong do ung thư.
Tình trạng kháng kháng sinh nghiêm trọng tại Trung Quốc
Nền nông nghiệp Trung Quốc từ lâu đã phát triển mô hình vườn-ao-chuồng. Tại quốc gia này, thức ăn chăn nuôi lợn, gà, ngỗng cũng được dùng để nuôi tôm cá. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các chất kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi đã biến ưu điểm của mô hình này trở thành mối đe doạ nghiêm trọng toàn cầu.
Tại một trang trại tại Giang Môn, Trung Quốc, khi chế biến thức ăn chăn nuôi cho các loại thuỷ sản, người nông dân thường trộn ba loại kháng sinh, trong đó có colistin. Colistin là một chất kháng sinh đã bị cấm sử dụng tại Mỹ; tuy nhiên, ở Trung Quốc, loại kháng sinh này vẫn được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi.
Không chỉ vậy, tại trang trại này, người ta còn tìm thấy chai lọ và bình chứa 9 loại kháng sinh khác trên các kệ để đồ, trong các túi đi chợ và đầy rẫy xung quanh thùng rác. Theo Tổ chức Y Tế Thế giới WHO, 7 trong số 9 loại kháng sinh này được đánh giá là có tác động nghiêm trọng tới sức khoẻ con người.
Nghiên cứu chỉ ra rằng 90% các loại kháng sinh được sử dụng trong chăn nuôi gia súc được thải ra ngoài môi trường thông qua chất thải gia súc. Những chất thải này được thải ra sông hồ, những sông hồ này lại đổ ra sông lớn, trở thành thức ăn cho tôm cá của không chỉ một trang trại, mà có thể là cả một vùng đồng bằng.
Khi tôm cá ăn phải những chất thải này, chúng cũng nhiễm phải lượng kháng sinh tương đương. Không chỉ vậy, tôm cá còn tiêu thụ một lượng lớn các chất kháng sinh có tác dụng phòng chống dịch bệnh ở các loại thuỷ sản. Tóm lại, theo ước tính của các nhà khoa học vào năm 2013, chỉ riêng sông Tây Trung Quốc chảy qua Quảng Châu, Thâm Quyến, Hồng Kông và Ma Cao đã tiếp nhận 213 tấn kháng sinh mỗi năm.
Bùng nổ siêu vi khuẩn và những cái chết không báo trước
Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, Trung Quốc có kim ngạch thương mại thuỷ hải sản đạt 90 tỷ USD và xuất khẩu 60% tổng lượng thuỷ hải sản trên toàn thế giới. Nhờ đó, Trung Quốc trở thành nhà cung cấp thuỷ hải sản hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, cũng chính điều này đã góp phần giúp siêu vi khuẩn lây lan rộng, gây ra tình trạng bùng nổ siêu vi khuẩn kháng kháng sinh hiện nay ở nhiều nước.
Vào tháng 11/2015, các nhà khoa học đã phát hiện gen kháng colistin tại Trung Quốc. Loại gen kháng này có thể biến hơn 10 loại vi khuẩn thường thành siêu vi khuẩn. Tồi tệ hơn, loại gen kháng này được tìm thấy trong mẫu thực phẩm và môi trường của hơn 20 nước, đặc biệt là ở các nước nhập khẩu thực phẩm từ Trung Quốc.
Tuy đã nhận ra hiểm hoạ khôn lường từ thực phẩm Trung Quốc trong hơn 10 năm nay, nhưng chính phủ Mỹ và nhiều quốc gia khác vẫn chưa thể tìm một biện pháp ngăn chặn triệt để tình hình này.
Theo Bloomgberg