“Facebook của vua Quang Trung” vốn là bài tập của một nhóm học sinh, và sau khi được đăng tải trên Fanpage của trường, bài tập này đã tạo nên một cơn sốt nho nhỏ vì quá hay ho và sinh động.
Từ lâu này, Lịch Sử, Ngữ Văn, Địa Lý… nói chung là những môn xã hội thường được coi là những môn khó nhằn bởi số lượng kiến thức khổng lồ, nhiều chữ, khó nhớ, nhất là với những người không học chuyên những môn này. Và để “chinh phục” chúng, nhiều người đã nghĩ ra những phương pháp sáng tạo nhằm làm gọn và hệ thống nội dung cho dễ hiểu, dễ nhớ, đồng thời gây hứng thú cho người học. Có thể kể tới như việc làm dòng thời gian tóm tắt các sự kiện lịch sử hay sơ đồ hình tượng nhân vật, hay mới đây nhất là câu chuyện lập hẳn Facebook cá nhân cho… vua Quang Trung trên giấy đang gây hot mạng xã hội.
Có thể thấy trong bức ảnh được lan truyền trên mạng, Facebook của vua Quang Trung được hình tượng hóa và cập nhật thông tin khá đầy đủ. Các thông tin, kiến thức lịch sử được kết hợp một cách thú vị cùng với những chức năng quen thuộc của Facebook. Ví dụ như vua Quang Trung (Tên thay thế: Nguyễn Huệ) sinh năm 1753, đến từ Nghệ An, hiện đang “giữ chức vụ” Hoàng Đế thứ hai nhà Tây Sơn. Qua những status và mốc thời gian hiện trên timeline, các sự kiện trong cuộc hành quân thần tốc của vua Quang Trung ra Thăng Long đã được tái hiện một cách hoàn hảo.
Chúng tôi đã nhanh chóng tìm hiểu và được biết tác phẩm thú vị này là bài tập của một nhóm học sinh đến từ lớp 9G, trường Phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội). Timeline Facebook vua Quang Trung là một sản phẩm nằm trong hoạt động đọc hiểu tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí (Tác giả Ngô Gia Văn Phái) thuộc chương trình Ngữ Văn lớp 9.
Theo lời kể của cô Ngô Thu Giang, giáo viên Ngữ Văn trực tiếp hướng dẫn hoạt động cho các em học sinh lớp 9G, lớp được tổ chức học tập theo trạm. Ba nhóm trong lớp sẽ cùng thực hiện 3 nhiệm vụ thông qua 3 sản phẩm:
– Dòng thời gian tóm tắt sự kiện trong cuộc hành quân thần tốc của vua Quang Trung ra Thăng Long (hình thức học sinh tự chọn, cô giáo chỉ gợi ý về timeline facebook).
– Tìm hiểu về hình tượng vua Quang Trung (sơ đồ tư duy).
– Tìm hiểu về lời phủ dụ của vua Quang Trung – Nguyễn Huệ (bảng).
Cuối cùng, ba sản phẩm này sẽ được ba nhóm thuyết trình trên lớp để đảm bảo cả lớp đều nắm được đầy đủ nội dung bài học.
Cũng theo cô Giang, cô đánh giá rất cao tính sáng tạo, khả năng biểu đạt, đọc hiểu của học sinh mình. Còn theo cô Minh An, Hiệu trưởng trường THPT Olympia cho biết: “Đây không phải là năm đầu tiên học sinh trường sử dụng hình thức này để thể hiện kiến thức. Trong năm học 2015-2016, nhóm học sinh này cũng đã được trải nghiệm học tập theo một cách khác thông qua dự án liên môn Văn – Sử – Truyền thông với tên gọi: Thân phận con người trong chiến tranh thông qua các bức ảnh lịch sử. Dự án này cũng đạt giải nhất cuộc thi Dạy học tích hợp liên môn toàn quốc năm học 2015-2016.”
Đại diện nhóm tác giả, em Doãn Hoàng Nhi chia sẻ, “Chúng em thấy đây là cách học rất thú vị, dễ ghi nhớ và hệ thống kiến thức dễ dàng. So với đọc văn bản đơn thuần, cách học này trực quan, ngắn gọn và tạo hứng thú đọc hơn nhiều”.
Chị Hồng Nhung, phụ huynh học sinh Nguyễn Tú Linh Đan, một trong những nữ sinh làm nên Facebook Quang Trung cũng bày tỏ sự tự hào và hài lòng với kết quả học tập của con em mình, đồng thời chị cảm thấy rất tâm đắc với phương pháp dạy và học đang triển khai ở nhà trường. “Tôi tin rằng học sinh trường nào cũng đều có tiềm năng để nghiên cứu kiến thức và tự mình thể hiện kiến thức thông qua các cách sáng tạo khác nhau nếu được đánh thức và khơi gợi”.
Để biết thêm chi tiết về những bài tập Ngữ văn sáng tạo này, chúng tôi đã có một buổi trò chuyện cụ thể hơn với cô Giang, người trực tiếp đứng lớp môn Ngữ văn của lớp 9G:
Đây có phải lần đầu tiên các học sinh trong môn Ngữ văn của cô có sản phẩm sáng tạo như thế này không ạ?
Đây không phải là lần đầu tiên các bạn học sinh trong lớp của tôi có những sản phẩm sáng tạo như vậy. Các bạn ấy đã được phát huy về tư duy phản biện, sáng tạo trong học tập môn Ngữ Văn và đã tạo nên những sản phẩm sáng tạo: Những bài thuyết trình, những vở kịch, bộ phim ngắn, những buổi talk show (về Thân phận con người trong chiến tranh, Thuyết minh về phong cách sống…), lồng tiếng cho phim (khi học đoạn trích Đánh nhau với cối xay gió)
Trên lớp, quan điểm về cách giảng dạy, học tập của cô về môn Ngữ văn có gì khác biệt, và đặc biệt không?
Quan điểm về cách giảng dạy, học tập về môn Ngữ văn của tôi cũng như các giáo viên của Khoa Xã hội: Học sinh trở thành trung tâm, các em được làm việc, trải nghiệm trực tiếp với các tác phẩm văn học dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Để từ đó, các em có thể tự hình thành kiến thức, rèn luyện, bồi dưỡng các kĩ năng nghe – nói – đọc – viết. Mục tiêu bồi dưỡng về mặt tâm hồn, tình cảm, thái độ với các em cũng luôn được chú trọng. Qua đó, các năng lực của bộ môn Ngữ Văn của các em sẽ được phát triển.
Vì sao cô giáo gợi ý về timeline Facabook mà không phải là hình thức thể hiện khác?
Gợi ý về Timeline bởi có sự tương đồng khá lớn giữa cách trần thuật sự việc, miêu tả tâm trạng, cảm xúc… của tác giả với những đặc tính biểu hiện trên Timeline của một trang Facebook.
Những kiến thức mà học sinh thể hiện trong timeline, cô giáo có tư vấn không?
Học sinh được giao nhiệm vụ nghiên cứu sách giáo khoa và tự tìm tòi các thông tin trên mạng. Nếu các thông tin nào không có trong sách giáo khoa, học sinh đều cần trích dẫn nguồn đầy đủ.
Thế hệ học sinh bây giờ rất thạo công nghệ, thường xuyên dùng Facebook thì cách dạy của thầy cô giáo cũng phải thay đổi theo. Ý kiến của cô như thế nào?
Với định hướng lấy học sinh làm trung tâm, tất nhiên phương pháp dạy học cần được điều chỉnh theo hành vi tiếp nhận kiến thức của học sinh. Đặc biệt, đối với học sinh khối phổ thông, bản thân tôi thấy việc này càng cần được chú trọng, cân đối giữa việc thao giảng truyền thống với các hoạt động để học sinh được tự làm ra kiến thức chứ không chỉ đơn thuần nghe – đọc – chép.
Cảm ơn cô về buổi trò chuyện!
Vậy là, tác phẩm “Facebook của vua Quang Trung” đầy thông minh và sáng tạo này đã ngay lập tức gây được sự chú ý vô cùng lớn trên mạng xã hội, với đa phần là những ý kiến tích cực, thích thú trước cách học mới mẻ, hiện đại và hiệu quả này. Chỉ thông qua vài dòng status, mấy biểu tượng cảm xúc và thông tin Facebook mà những kiến thức khó nhớ đã được “xử lí” ngon lành. Tất cả đều cho rằng, nếu học Sử với học Văn lúc nào cũng được gần gũi và dễ hiểu thế này thì chẳng mấy chốc mà điểm mấy môn xã hội sẽ tăng vun vút cho coi.