Người giữ giới, có đạo hạnh, đạo đức mới xứng đáng được gọi là thầy. Chiếc áo cà sa chỉ là hình tướng bên ngoài, không thể hiện được bản chất bên trong.
Trả lời Vntinnhanh, cư sĩ Giới Minh, Ban thông tin Truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, báo chí đã nhầm lẫn khi gọi đối tượng truy sát trong chùa Bửu Quang (đường Lê Thị Hoa, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức) xảy ra vào sáng ngày 5/10 khiến 1 người chết, 3 người khác bị thương là “sư thầy”.
Theo ông Minh, sư thầy là từ ngữ dân gian, người dân hay dùng để gọi người mặc áo tu hay người thầy dạy đạo. Tuy nhiên, đó chỉ là hình tướng bên ngoài. Người xứng đáng được gọi là thầy, phải là người giữ giới, có đạo hạnh, đạo đức.
“Còn không đó chỉ là hình tướng, chiếc áo không làm nên thầy tu là như vậy”, ông Minh nói.
Giải thích thêm về từ “tu sĩ”, người phụ trách Ban thông tin Truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói rằng đó là người tu chính thức được Giáo hội công nhận.
Trong nhà Phật, người muốn xuất gia ngoài việc đáp ứng đủ các điều kiện như tuổi từ 18 đến 50, sức khỏe tốt, không bệnh tật nặng hay bệnh truyền nhiễm, không mắc nợ (cá nhân hay nhà nước), không đang mắc tội hình sự, được sự chấp thuận của gia đình (cha mẹ, hoặc vợ/chồng), còn phải trải qua từ 3 đến 6 tháng thậm chí nhiều năm để thực tập tại chùa.
Khi được vị trụ trì và Ban Đại diện Phật giáo, chính quyền địa phương chấp thuận, người đó mới chính thức được xuống tóc (trong đạo Phật gọi là Sa di- chú tiểu). Người xuất gia (chú tiểu) phải giữ 10 giới.
Đến năm được ít nhất là 20 tuổi đời, và chứng tỏ khả năng tu học, đủ điều kiện về tu tính cũng như tu tướng, vị này được thụ giới cụ túc, tức là 250 giới tỳ kheo (nam) hay 348 giới tỳ kheo ni (nữ) và được gọi là Thầy (nam) hay Sư cô (nữ).
Giới cụ túc (tỳ kheo hay tỳ kheo ni) là giới đầy đủ, viên mãn, cao nhất trong đạo Phật để từng vị xuất gia tu tập cho đến lúc mãn đời (thường gọi là viên tịch), không phải thụ giới nào cao hơn.
Trong lúc hành đạo, tức là làm việc đạo trong đời, đem đạo độ đời, nói chung sự sinh hoạt của Phật giáo cần phải thiết lập tôn ti trật tự (cấp bậc) có danh xưng như sau theo hiến chương của giáo hội Phật giáo:
Đối với Nam:
1) Năm 20 tuổi đời, vị xuất gia thụ giới tỳ kheo được gọi là Đại Đức.
2) Năm 40 tuổi đời, vị tỳ kheo được 20 tuổi đạo, được gọi là Thượng Tọa.
3) Năm 60 tuổi đời, vị tỳ kheo được 40 tuổi đạo, được gọi là Hòa Thượng.
Còn đối với bên nữ:
4) Năm 20 tuổi đời, vị nữ xuất gia thụ giới tỳ kheo ni được gọi là Sư cô
5) Năm 40 tuổi đời, vị tỳ kheo ni được 20 tuổi đạo, được gọi là Ni sư.
6) Năm 60 tuổi đời, vị tỳ kheo ni được 40 tuổi đạo, được gọi là Sư bà (bây giờ gọi là Ni trưởng).
Hiểu được điều này, chúng ta mới thấy để được gọi là “sư thầy”, không hề đơn giản như cách nghĩ của nhiều người. Việc dùng từ sai khiến nhiều người hiểu lầm, mất lòng tin vào tam bảo, thậm chí phỉ báng Tăng chúng Phật Giáo thì người viết phải chịu quả báo nặng nề.
Quay trả lại vụ tấn công bằng dao xảy ra tại chùa Bửu Quang, nghi phạm sinh năm 1995, tu tập tại chùa mới được 4 tháng thì không thể gọi là thầy, hay người “mặc áo cà sa” được.
Liên quan đến vụ việc trên, Giáo hội Phật giáo TP HCM đã phát đi thông báo về nghi can gây án như sau: Nghi can gây án, pháp danh Thiện Huy, tức Ngô Quang Huy là một tín đồ bình thường, không phải là tu sĩ Phật giáo. Huy chỉ là người vào chùa Bửu Quang tự tập tu (tức tu gieo duyên) khoảng 4 tháng nay. Thông cáo nói rõ, trụ trì chùa Bửu Quang không đăng ký người nhập tu theo quy định của nội quy Ban Tăng sự Trung ương.
Theo Cơ quan điều tra, Huy đang được trưng cầu kết quả giám định tâm thần. Các sư thầy chùa Bửu Quang xác nhận, trước đây đã phát hiện Huy có dấu hiệu bị tâm thần nặng nhưng chưa kịp chữa trị thì xảy ra vụ việc đáng tiếc trên.