Đừng nghĩ rằng, ngày rằm, mùng 1 là chúng ta có thể tùy tiện dâng hương lễ bái theo ý thích đâu nhé. Nếu làm đúng như hướng dẫn dưới đây, bạn sẽ cùng giúp gia đình dày lộc, tăng phúc, tạo nhân quả thiện lành.
Theo phong tục, nhân dân ta đều cúng rằm và mồng một hàng tháng. Đây là tục không nhà nào là không cúng. Ngày mồng một gọi là ngày sóc. Nguyên nghĩa từ sóc là khởi đầu, bắt đầu. Ngày mồng một là ngày bắt đầu của một tháng nên gọi là ngày sóc. Ngày rằm gọi là ngày vọng. Vọng có nghĩa là nhìn xa trông rộng, ngày mặt trăng, mặt trời đối xứng nhau ở hai cực xa nhất trong tháng.
Người xưa cho rằng: Ngày này, mặt trăng mặt trời nhìn rõ nhau, thấu suốt nhau; soi chiếu vào mọi tâm hồn. Con người trở nên sáng suốt trong sạch; đẩy lùi được mọi đen tối vẩn đục trong lòng.
Nhờ sự thông suốt của mặt trăng mặt trời, nên thần thánh và Tổ tiên ông bà sẽ thông thương với con người. Lòng thành cầu nguyện, sẽ đạt tới sự cảm ứng giữa quỷ thần và con người trong tiểu vũ trụ “thiên địa nhân” nên luôn được an lành.
Người Việt ta coi ngày sóc, vọng là ngày tưởng nhớ tổ tiên, cúng ông bà, ông vải. Ngày sóc, vọng còn có ý nghĩa “cát tường” là ngày tốt nhất trong tháng. Trong ngày sóc và ngày vọng (tức mùng 1 và ngày rằm), người Việt thường có thói quen thắp hương lễ bái để cầu mong may mắn, tốt lành, bình an cho bản thân, gia đình.
Nhưng xin nhắc nhỏ bạn rằng, dù là nam hay nữ, già hay trẻ, theo hay không theo đạo Phật đi chăng nữa, đừng quá cẩu thả mà làm qua loa lấy lệ, hãy lưu ý những tập tục tâm linh ngày rằm mùng 1 sau:
* Những lưu ý khi thắp hương lễ Phật ngày rằm và mùng 1
Thắp hương lễ Phật là tâm nguyện rũ bỏ vinh nhục đời thường, tự thấy lòng mình thanh tịnh, như nhiên tự tại, vạn sự như mây khói, thả hồn về chốn niết bàn. Hai tay dâng nén hương trầm là thanh tâm, tự mình buông bỏ mọi tham, sân, si.
Bởi thế, ý nghĩa lớn nhất của việc dâng hương là dâng lòng thành, là tự mình thể hiện sự thành tâm trước Phật, đồng thời thể hiện sự tôn kính với công đức trời bể của Phật với chúng sinh. Bởi Phật chẳng tham của tục trần giới hương đăng, chỉ mong chúng sinh chân tâm, định hương hướng Phật. Hiểu rõ điều này thì đi chùa mới thực sự có ý nghĩa.
1. Bước vào cửa chùa, khách nữ bước chân phải, khách nam bước chân trái, không nên giẫm vào bậc cửa hay đá vào cánh cửa, bước chân càng mềm mại, nhẹ nhàng càng tốt.
2. Khi thắp hương, tay trái lấy hương, tay phải châm đèn, không được ngược lại vì con người thường dùng tay phải sát sinh, nếu chạm vào hương thì mất thiêng.
3. Khi thắp hương phải càng vượng càng tốt vì người xưa có câu, hương khói tràn đầy mới có phúc. Tay trái ở trên, tay phải ở dưới, giơ lên cao ngang trán. Cắm hướng vào lư rồi dập đầu, trong lòng hướng về Phật tổ, Bồ Tát hoặc La Hán.
4. Tư thế quỳ lạy phải hai gối song song, hai tay chắp lại. Tay giơ cao ngang trán thì dừng khấn, tay giơ tới miệng khì khán nguyện, tay giờ ngang ngực thì mặc niệm. Xong xuôi mở hai bàn tay, cúi sát người lạy, hai tay đặt hai bên người, thân quỳ trên chân, ba lần như vậy.
5. Lễ Phật cầu an không nên tự tư tự lợi, rắp tâm hại người khác, lợi cho mình; thành tâm chúc nguyện cho mọi người bình an may mắn, nguyện chúng sinh và toàn xã hội an bình thì công đức vô lượng.
* Chuẩn bị lễ vật thắp hương ngày rằm, mùng 1 hàng tháng
Cúng vào mồng một và ngày rằm, hoặc cúng vào chiều ngày 30 và chiều ngày 14 hàng tháng đều được. Lễ vật cúng hai ngày này đơn giản, chỉ cần hương hoa, trầu rượu, nước và hoa quả, nếu có thì chuẩn bị thêm bánh oản, đồ chay, bánh kẹo, trầu cau (vàng mã không bắt buộc phải có).
* Các bài văn khấn ngày rằm, mùng một
1. Văn khấn thần linh ngày mùng một
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lạy)
– Con lạy chín phương Trời, mười Phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
– Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
– Con kính lạy ngài Đông Thần Quân
– Con kính lạy ngài Bản gia thổ địa Long Mạch
– Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Phúc đức Tôn thần
– Con kính lạy ngài tiền hậu địa chủ tài thần
– Con kính lạy các Tôn thần cai quản trong khu vực này.
Tín chủ (chúng) con là: ……………………………
Ngụ tại: ………………………………
Hôm nay là ngày… tháng… năm… tín chủ con thành tâm sửa biện hương hoa lễ vật, kim ngân trà quả đốt nén hương thơm dâng lên trước án. Chúng con thành tâm kính mời: Ngài Kim Niên đương cai Thái Tuế chí đức Tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân, ngài Bản gia Thổ Địa. Long Mạch Tôn thần, các ngài Ngũ Phương, Ngũ Thổ, Phúc đức chính thần, các vị Tôn thần cai quản trong khu vực này.
Cúi xin các Ngài nghe thấu lời mời thương xót thương tín chủ giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù trì tín chủ chúng con toàn gia an lạc công việc hanh thông. Người người được bình an, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lạy)
2. Văn khấn gia tiên ngày mùng một
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lạy)
– Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
– Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
– Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo Quân cùng chư vị Tôn Thần.
– Con kính lạy Tổ tiên, Hiển khảo, Hiển Tỷ, chư vị Hương linh (nếu bố, mẹ còn sống thì thay bằng Tổ Khảo, Tổ Tỷ)
Tín chủ (chúng) con là: ………………
Ngụ tại: ………………………………..
Hôm nay là ngày… gặp tiết… (ngày rằm/mồng một), tín chủ con nhờ ơn đức trời đất, chư vị Tôn thần, cù lao Tiên Tổ, thành tâm sắm lễ, hương, hoa trà quả, thắp nén tâm hương dâng lên trước án.
Chúng con kính mời: Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài thần. Cúi xin các ngài giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ…, cúi xin thương xót con cháu linh thiêng hiện về, chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ ngụ tại nhà này, đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, phù hộ cho gia chúng con luôn luôn mạnh khỏe, mọi sự bình an, vạn sự tốt lành, làm ăn phát tài, gia đình hòa thuận.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lạy)
3. Văn khấn ngày rằm hàng tháng
Kính cáo các vị chư gia Cao tằng Tổ khảo, Cao tằng Tổ tỷ, cùng chư vị tiên linh họ… (ghi họ chủ nhà)
– Chúng con là:……………………………………
– Hiện ở tại……………………………………………
Cùng toàn gia kính bái
Kính cẩn thưa rằng:
Nay đến tuần rằm
Nhật nguyệt sáng soi, là ngày vọng
Gia tiên tiền tổ
Ứng linh thông suốt, thiên địa nhân
Cao ngất Thái sơn
Công cha muôn trượng lớn
Thăm thẳm trong nguồn
Nghĩa mẹ vạn dặm sâu
Xin khắc cốt: “Thủy nguyên mộc bản”
Lại ghi tâm: “Hải đức sơn công”
Rạng ngời như ánh trăng thanh
Sáng trong tấm lòng con cháu
Chúng con nay,
Lễ bạc lòng thành
Kính dâng lên tiên tổ anh linh
Vật thường đức sáng
Trình cáo với gia tiên linh hiển
(Kể tên các thứ cúng)
…………………………………………………………
Hương hoa, trầu rượu,
Kính dâng lễ mọn
Quả phẩm, trai bàn
Lòng dạ thành tâm
Xin cầu khấn:
Tiên tổ ra ân, độ trì phù hộ
Gia tiên mở lượng, giúp đỡ mọi điều
Cả nhà nội ngoại đời đời
An khang thịnh vượng rạng ngời tổ tông
Cẩn cáo
(Thủy nguyên mộc bản có nghĩa là nước có nguồn cây có gốc; Hải Đức Sơn Công có nghãi là công đức như biển rộng núi cao).
Theo tamsuvagiadinh