Mọi sự trong thế gian nếu muốn đạt đến cảnh giới thượng thừa thì âm dương phải cân bằng, nhu cương phải hòa hợp, ấy là cảnh giới tối cao của mọi loại hình từ võ học đến thể thao.
Lại bàn đến chuyện Hữu Thắng bang chủ giao đấu với sư phụ của mình mà thấy tiếc thay cho Thắng.
Những hổ tướng dưới trướng của Thắng đều có sức địch muôn người nhưng đều được huấn luyện ở những môn phái thiên về cơ bắp quyền cước, chứ ít sử dụng mưu lược xuất quỷ nhập thần.
Đầu tiên hãy bàn đến Nguyễn hộ vệ – Đình Luật. Đình Luật luyện kim cang chưởng từ thủa bé, người này cơ bắp rắn chắc gần như đao thương bất nhập, thủy hỏa bất xâm nhưng tính tình nóng nảy thường dụng sức chứ không mấy dụng mưu.
Ở trận đọ sức với cao thủ đất Nam Vang, khi bị qua mặt thì hổ tướng này đã nóng mắt dùng chiêu tảo địa vốn là thế võ trong tà giáo để quét vào ống quyển đối phương.
Hậu quả là Luật bị trọng tài người Mã Lại đuổi khỏi sàn đấu. Hữu Thắng bang chủ chỉ biết ôm mặt khóc ròng.
Ngoài Đình Luật cũng phải kể đến hộ vệ Quế Hải nổi danh xứ nghệ.
Quế Hải thân cao thước tám, mắt hổ mày rồng, chân tả luyện thánh cước, chân hữu sử thần phi.
Tâm tính Quế Hải thì khó ai đoán được nhưng người này cũng ưa sử đòn chân. Mỗi cước hổ tướng này phát ra thì đối thủ hồn siêu phách lạc.
Năm xưa khi giao đấu với báo đầu Anh Khoa cũng như cao thủ xứ Phù Tang, Quế Hải đã khiến cho hai người này phải võng ra khỏi sàn đấu, thật trời đất phương Nam cũng chỉ có Quế Hải là tài.
Nhưng khi Hữu Thắng bang chủ dụng Ngọc Hải trong trận long tranh hổ đấu với thày cũ của mình thì bản tính ưa cương hơn nhu đã làm hại Hải.
Cả hai trận ấn lĩnh tiên phong thì Hải đều bị đối thủ chọc giận để rồi không giữ nổi mình, trận đầu Hải lại sử chiêu nhất cước hạ song long nhưng bị đối thủ phòng bị rồi cho vào bẫy.
Trận tiếp theo khi được làm quan coi thành thì Hải vẫn quen sử độc chiêu thần phi, lần này trọng tài người Hoa Hạ cũng phóng tuệ nhãn để nom rõ đòn thế bị cấm này.
Hữu bang chủ thật chẳng biết còn trông cậy vào ai. Bấy giờ, khi tình thế nguy ngập bỗng có hổ tướng là Đình Đồng, Nguyên Mạnh mới chạy đến trấn an Hữu bang chủ rằng, xin chủ tướng chớ lo chi, có chúng tôi ra trận thì mấy tên tiểu tướng xứ Vạn đảo chỉ như mèo, như thỏ.
Nhưng đúng là núi này cao ắt có núi khác cao hơn, cao nhân nơi này xuất chinh thì hẳn có cao nhân nơi khác dụng mưu để đả bại.
Nguyên Mạnh mình gấu, tay hổ thân thủ nhanh nhẹn khác người, tay tả dùng đại lực kim cang tay hữu thường ít khi xuất chiêu để vờn đối thủ.
Nói về Nguyên Mạnh người trong giang hồ thường nhớ tới sai lầm của hổ tướng này hơn là những chiến công hiển hách.
Năm xưa cũng đấu với cao thủ xứ Vạn Đảo, khi được giao tướng lệnh giữ thành, người này đã vô cớ dâng thành cho đối thủ khiến bao đồng đạo phải khóc hận.
Nay Mạnh vẫn được giữ thành nhưng non sông khó đổi, bản tính khó dời. Chỉ vì một phút bốc đồng mà Mạnh lại phải bỏ thành để Ngọc Hải vụng về trấn giữ.
Chuyện của Mạnh thực là người có tài nhưng cũng ngã ngựa như Quan Vân Trường khi xưa coi thường coi thường đối thủ.
Không chỉ Nguyên Mạnh hại đến uy danh của Hữu bang chủ mà đến cả Đình Đồng tiểu tướng cũng trở thành nỗi ân hận thiên thu.
Đồng một mình một ngựa trấn giữ hành lang cánh phải để ngăn các cuộc công thành của cao thủ Vạn đảo.
Nhưng Đồng kinh nghiệm chinh chiến chưa nhiều, vô chiêu vô thức, sức không đấu nổi với cao thủ xứ người. Hậu quả là Đình Đồng tung cước trong lúc lực kiệt nên phá tan cả thành của tướng quân Nguyên Mạnh.
Nhìn đi nhìn lại ngũ hổ tướng của Hữu bang chủ trong trận này không có ai giỏi dụng mưu. Âu cũng giống Tào Tháo tướng quân khi xưa có Hứa Chử, Điển Vi lững lẫy thiên hạ nhưng lại thúc thủ trước Khổng Minh tiên sinh ngồi trong lều tranh dụng kế.
Thế mới hay, trăm quân dễ kiếm, một tướng khó tìm. Hữu bang chủ đã thiên về dụng sức để mong chinh phạt Đông Dương, khiến cho các hổ tướng cũng theo kế đó thi hành. Thất bại âu cũng là điều dễ hiểu.
Nguồn Soha (Tác giả Việt Hoàng)