Trong câu chuyện bên chén trà nóng, anh Nhuận, trưởng thôn An Chỉ, xã Bình Nguyên, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, khiến tôi vừa xúc động, vừa tò mò về câu chuyện mà theo anh là “từ bé đến giờ chưa từng thấy” và “nếu không phải ở ngay địa phương mình, tôi sẽ chẳng tin mà nghĩ chỉ là cổ tích.”
Đó là chuyện tình của anh Trần Hữu Thiểm, ở Thái Bình, bị liệt nửa người, và chị Nguyễn Thị Chắt, quê Nghệ An, sống và làm việc ở tít tận Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau tại nạn, Thiểm không chỉ không thể đi lại được mà còn ảnh hưởng cả khả năng sinh lý. Nhưng cô gái ấy vẫn quyết lấy, bất chấp sự phản đối của gia đình, dù chỉ để làm bạn chứ không thể làm vợ.
Nói như anh Nhuận, họ đến với nhau chỉ vì tình người, tình yêu, sự nhân văn và lòng nhân ái, và chỉ quen nhau qua…mạng.
Các cụ xưa vẫn có câu: vợ chồng là duyên phận. Có lẽ, chỉ phận trời định mới có thể se duyên được cho hai con người ấy, qua một sợi dây rất hiện đại, nhưng không thể mong manh và mơ hồ hơn: cửa sổ chat yahoo trên internet.
“Ước gì mình… chết”
Câu chuyện tình của họ đã thôi thúc chúng tôi tìm về xã Bình Nguyên, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình khi cái nắng Hè đã bỏng rát. Nằm cách trung tâm tỉnh hơn chục cây số, xã Bình Nguyên nằm yên bình giữa những cánh đồng lúa xanh mướt mênh mông của vựa lúa sông Hồng.
Không khó để hỏi thăm được nhà anh Trần Hữu Thiểm và chị Nguyễn Thị Chắt bởi câu chuyện tình của họ đã nổi tiếng khắp làng trên, xóm dưới.
Tiếp chúng tôi là một chàng trai trẻ, dánh thư sinh, cao và hơi gầy, khuôn mặt thanh tú, ngồi trên chiếc xe lăn. Rót cốc trà xanh Bắc Bộ mời khách, anh có vẻ hơi lúng túng và ngại ngần, khi bất chợt có người đến hỏi về câu chuyện của mình. Đứng bên cạnh anh, chị Chắt cũng cười bẽn lẽn.
Thiểm bảo, bị liệt nửa người sau tai nạn lao động, có nằm mơ anh cũng không dám nghĩ đến hạnh phúc gia đình, có ai đó chịu làm vợ mình. Và điều anh càng không thể ngờ tới nữa là chính mạng internet với những lời chat ảo trên yahoo tưởng chỉ để quên đi những bất hạnh lại se duyên anh với một cô gái trẻ xinh xắn ở miền Trung, sống và làm việc tận Thành phố Hồ Chí Minh, cách anh cả nghìn cây số
Nhìn con ngồi trên chiếc xe lăn, bác Nguyễn Thị Mận, mẹ anh Thiểm bật khóc khi nhớ về cái ngày định mệnh của con mình. Tai nạn lao động ập đến khiến chàng công nhân lái máy ủi Trần Hữu Thiểm vĩnh viễn không còn đi lại được.
Khi ấy, Thiểm mới 23 tuổi, đang căng đầy sức trẻ với biết bao hoài bão, ước mơ.
“Mấy tháng trời tôi không ngủ được. Tôi cứ nghĩ mình đẻ con ra lành lặn, vất vả nuôi con khôn lớn. Nó cao ráo, đẹp trai, khoẻ mạnh. Mỗi lần giặt quần cho con, nhìn hai cái ống quần dài thườn thượt, tôi lại khóc không thành tiếng…”, bác Mận nức nở.
Còn với anh Thiểm, đó mãi mãi là chuỗi ngày kinh hoàng, bi kịch nhất của đời mình. Đang thanh niên trai tráng, bay nhảy khắp nơi, một sáng tỉnh dậy sau tai nạn thấy đôi chân mình không thể cử động. “Tôi chết lặng. Cả thế giới như sụp đổ. Tôi thậm chí ước gì mình chết đi sẽ tốt hơn. Đó thực sự là một cú sốc quá lớn và đau đớn.”
Nhưng rồi nhìn thấy bố mẹ đau lòng, người thân vì mình mà vất vả chăm nom, anh dần dần hiểu ra mình phải sống.
Hiểu, nhưng để chấp nhận số phận với một chàng thanh niên tuổi đôi mươi, mới hôm qua còn lành lặn và khoẻ mạnh, nay phải ngồi xe lăn như Thiểm không phải là điều dễ dàng, ngày một ngày hai. Ban ngày cố gắng bình thường để bố mẹ yên lòng, nhưng những đêm khuya tĩnh lặng, khi chỉ có một mình đối diện với bóng đêm mù mịt, anh lại rưng rức khóc, thấy tương lai mình cũng tối đen như mực.
Đến cuộc sống bản thân còn thấy chẳng có ngày mai, mơ gì đến chuyện xa vời. Thiểm bảo, ngay cả trong mơ anh cũng không dám nghĩ đến việc có ai đó thương mình, chưa nói đến chuyện lấy mình. Hạnh phúc về một mái ấm gia đình là thứ ảo tưởng hão huyền.
Để anh có nơi giải toả buồn phiền, gia đình mua cho Thiểm một chiếc máy tính. Chính anh cũng không thể ngờ chiếc máy tính nối mạng internet ấy lại là cánh cửa thần kỳ mở sang một chương mới đầy hạnh phúc của cuộc đời mình.
Hạnh phúc như… mơ
Chị Nguyễn Thị Chắt không nhớ ông trời run rủi thế nào mà hai người lại vô tình chat với nhau trên mạng. Rời quê Nghệ An vào tận Thành phố Hồ Chí Minh làm công nhân may, suốt ngày ca nối ca trong nhà máy, buổi tối mấy chị em trong phòng trọ rủ nhau ra quán internet chat yahoo cho đỡ buồn.
Thấy nick lạ nhảy vào nói chuyện, ban đầu cũng chỉ là những câu tán tỉnh tầm phào, nhưng càng nói chuyện với anh, chị lại càng cảm mến. Khi anh nói thật về hoàn cảnh đặc biệt của mình, lúc đầu chị không tin, nhưng khi tin rồi lại càng thương anh hơn.
“Khi Chắt nói thương tôi, muốn gắn bó cuộc đời với tôi, tôi vừa mừng, vừa lo. Cô ấy khoẻ mạnh, xinh xắn, hoàn toàn có thể tìm cho mình một người xứng đáng hơn. Còn tôi chỉ là một người tàn phế… Tôi cũng tự nhủ, có thể chỉ qua mạng internet người ta nói thế, để mình vui…”
Nhưng bất ngờ một ngày chị bỏ hết công việc, đi xe khách từ Thành phố Hồ Chí Minh về Thái Bình, tìm tới tận nhà anh. Lần đầu tiên gặp nhau, chị bảo nhìn anh mà xót xa vì anh quá gầy. Hai người quyết định kết hôn. Bố mẹ anh khăn gói vào Nghệ An xin phép gia đình nhà gái.
“Chúng tôi cũng trình bày rõ hoàn cảnh con trai mình, và đương nhiên gia đình họ phản đối. Nếu là con gái tôi, tôi cũng khó có thể chấp nhận điều này. Vì thế, tôi rất biết ơn ông bà trong ấy khi cuối cùng họ cũng gật đầu,” ông Trần Hữu Bằng, bố anh Thiểm xúc động nói.
Đám cưới, nước mắt nhiều hơn tiếng cười. Nhà gái đưa cô dâu với niềm thương cảm, lo âu. Nhà trai đón dâu cũng nghẹn ngào vì quá hạnh phúc và xúc động.
Làm dâu đất Bắc, chị phải học từ cách lội bùn cấy lúa, làm vườn, đi buôn bán nông sản ngoài chợ rồi lại về tất tả cơm nước gia đình, chăm sóc chồng.
“Đến bây giờ, sau 7 năm chung sống, tuy vợ chồng cũng có lúc giận nhau, nhưng tôi chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình,” chị Chắt chia sẻ, ánh mắt nhìn chồng âu yếm.
Bà Mận, mẹ chồng chị, cũng vui vẻ khoe: “Có vợ, vợ chăm nó còn hơn cả mẹ. Vợ nó 40 cây số xuống tận giáp biển để mua đồ ngon về cho chồng ăn, lên mạng internet tìm xe người ta chế riêng cho người khuyết tật, là xe lăn nhưng có gắn máy, rồi sang tận Nam Định đặt hàng mang về cho chồng đi.”
Từ ngày có xe, niềm vui của anh được nhân lên khi có thể cùng vợ đi chơi xa chứ không chỉ quẩn quanh trong xóm.
Cưới nhau 7 năm, giờ cả hai đã ngoài 30, gia đình nhỏ còn thiếu vắng tiếng nói bi bô, tiếng cười ngây ngô con trẻ, ông bà không có cháu ẵm bồng.
Biết con trai mình bệnh tật, bà Mận giục hai vợ chồng xin con nuôi, nhưng con dâu vẫn đắn đo không quyết.
“Tôi cũng mong có con, nhưng nếu xin con nuôi, đấy dù sao vẫn là con người ta. Mai ngày nó lớn, nếu nó không chăm sóc anh ấy thì ai sẽ lo cho anh. Nghĩ vậy, nên tôi lại thôi,” chị Chắt phân trần.
Từ chối ý tốt của mẹ, chị âm thầm tìm hướng đi khác. Chị lên mạng internet tìm hiểu về các cách điều trị vô sinh và đưa anh lên Trung tâm nuôi cấy phôi của Học viện quân y 103 để khám và điều trị.
“Vẫn đang trong quá trình theo dõi, nhưng bác sỹ nói có khả quan. Mỗi lần đi là một lần mệt và tốn kém, nhưng hai vợ chồng vẫn cố gắng và hy vọng…” chị Chắt cười nói.
Bên bàn nước, ông Bằng, bà Mận cũng cười tươi đầy hy vọng.
Tôi cũng thấy hạnh phúc khi nghĩ đến hình ảnh một đứa trẻ sẽ chạy lon ton phía trước, sau nó là chiếc xe lăn đi chầm chậm của anh Thiểm với nụ cười rạng rỡ trên môi chị Chắt. Họ xứng đáng có niềm hạnh phúc to lớn ấy.