Thôn Trúc Ly xã Võ Ninh huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), chiều 17/10 lúc chúng tôi đến nước lũ mới vừa rút hết. Nhưng những câu chuyện đau lòng giữa cơn lũ dữ thì vẫn hiện hình nguyên ở đây, trong lòng những người thân đang ngồi lặng lẽ bên nhau.
Một lá xanh rơi, bơ vơ 3 lá vàng!
Hỏi thăm nhà anh Tuần có vợ vừa chết đuối trong lũ dữ, cả làng đều biết, đám trẻ nhiệt tình dẫn đến tận nhà.
Con đường bê tông trước cổng nhà vẫn còn ngập ứ đến gối. Cả nhà nội ngoại đông đủ ngồi lặng lẽ bên nhau. Sau khi xin phép gia đình thắp nhang viếng người đã khuất, chúng tôi chỉ biết ngồi lặng lẽ nghe họ kể…
Cụ bà 82 tuổi – mẹ chồng chị Lài – vừa đốt nén nhang vừa khóc, tội lắm chú ơi, hắn thương tui lắm chú ơi. Tuổi cao, lại khóc thương cô con dâu đã mấy ngày, giọng cụ khản đặc và yếu ớt.
Cũng ngồi rầu rĩ héo hon, cụ ông Nguyễn Minh Lệ – cha đẻ chị Lài chia sẻ, “Còn phúc chú à, chậm 2 phút nữa thì thằng rể tui cũng không còn, cháu tui mồ côi luôn, 3 tấm thân già này biết trông cậy vào ai. Hắn lính Trường Sa về đó chớ, ở đảo Song Tử Tây, chỉ vì cố cứu cho được vợ, nên kiệt sức. Khi anh em vớt lên, hắn ôm cứng vợ trong tay. May còn cấp cứu được thằng rể còn con gái tui thì muộn mất rồi. Từ nay hết người đi chợ cho tui!”.
Rồi ông kể thêm giữa những cơn xúc động rằng ông thân già nhưng vẫn đang phải nuôi 1 người con gái tàn tật. Mọi ngày chị Lài tuy đã lấy chồng vẫn phải đảm nhận việc đi chợ, chăm sóc ba và em gái bị tàn tật.
Lau những giọt nước mắt đặc quánh nơi khoé mắt, ông Lệ cho biết, ngồi trong giường là ba chồng con Lài, sui gia tui đó. Ông 80 tuổi rồi, mới đi viện về chưa đầy tuần vì tai biến mạch máu não, chừ ri, không biết bệnh ông tái phát lúc nào. Khổ quá. Sao ông Trời không bắt mấy cái thân già này đi!
Tôi chỉ biết ngồi lặng lẽ, lắng nghe, bởi, nói gì lúc này cũng làm tổn thương họ. Lại lau nước mắt, ông Lệ tiếp lời, nhờ nhà báo giúp gia đình một việc, cần tuyên dương người cứu con tui. Rủi cũng mất con rồi, nhưng nếu không có họ thì mất cả 2 đứa và rồi không biết xác trôi về mô.
3 anh em ruột lao vào lốc xoáy cứu người
Nói xong, ông Lệ dẫn tôi lội nước đi đến nhà anh Tiến cách đó không xa. Anh Tiến đang trên giường dưỡng bệnh, giọng nói không thành tiếng vì khản cổ kêu cứu cách đây 3 ngày.
Ông Lệ giải thích ngay, Tiến à, đây là nhà báo trên mặt trận về thăm thằng Tuần, chú đội ơn cháu, chú nhờ họ tuyên dương. Người thật việc thật. Không có anh em cháu thì thằng Tuần cũng chết rồi. Anh Tiến trả lời ngay, chú à, có chi mô, ai nghe kêu cứu cũng lao ra thôi, làng ni rứa mà.
Rót nước mời khách, anh Tiến nhớ lại: Vào trưa ngày 14/10 khi đang ăn cơm muộn, mưa rất to, thì anh nghe tiếng kêu cứu. Bỏ bát cơm xuống, anh lao ra đò nổ máy lao thẳng đến hướng có tiếng kêu. Vừa lái, anh vừa tri hô để bà con ra giúp. Mưa to, gió mạnh, nước xoáy, được nửa đường thì đò anh bị lật. Anh một mình trôi xuôi dòng nước tìm cách vào bờ. Khi đó trên bờ đã nhiều người biết tin.
Đò thứ hai lao ra là của anh Trần Hàn (em ruột anh Trần Tiến), cũng chưa đến nơi, lại lật đò. Anh Hàn đành tự chống chọi bơi vào bờ. Lúc đò anh Hàn lật thì tiếng kêu cứu của nạn nhân cũng lịm tắt.
Đò thứ 3 là anh Trần Sông (em ruột của Tiến và Hàn), rút kinh nghiệm 2 anh, anh Sông chở thêm mấy thanh niên làng ngồi cho nặng đò, chống lật, nổ ga hết mức. Vượt dòng xoáy tiếp cận được nạn nhân, nhóm thanh niên vớt ngay vợ chồng anh Tuần và chị Lài đưa vào bờ cấp cứu nhưng chị không qua khỏi.
Kể đến đó, anh Tiến buồn bã nói, “tội quá chú ơi, khi vớt lên, một tay chú Tuần ôm chặt O Lài, một tay nắm cơn sào, (cây gậy chống đò), sớm tí nữa thôi là cứu được cả O Lài. Cứu người là việc nghĩa, bà con tui dân sông nước với nhau, xóm làng đoàn kết lắm. Ai nghe tiếng kêu cứu cũng hành động rứa cả, có chi mô. Chừ không cứu được O Lài, thôi chú đừng viết lên báo nữa!”.
Trở lại nhà anh Tuần khi anh vừa ra mộ thắp nhang cho vợ về, tôi xin phép hỏi anh sức khoẻ hiện tại. Anh nói: Đau lắm chú ơi, dân sông nước, lính biển mà không cứu nổi vợ. Tui đã quyết chết theo vợ. Phút cuối vợ tui nói “Buông em ra, anh phải về với các con” nhưng tui không chịu. Chứ bây chừ, sống mà đau lắm chú ơi…