Các anh chị lười làm, thích hưởng thụ thì thiếu gì lý do để biện minh nào là dịp để đoàn viên, dịp nghỉ ngơi xả mệt nhọc, cả năm chỉ mỗi một lần Tết tiếc gì một, hai ngày nghỉ…
Đọc hàng loạt bình luận dưới bài viết “Làm ‘osin’ 10 ngày, Tết ơi đừng đến nữa” mà tôi không khỏi lắc đầu ngao ngán.
Các anh chị lười làm, thích hưởng thụ thì thiếu gì lý do để biện minh nào là dịp để đoàn viên, dịp nghỉ ngơi xả mệt nhọc,rồi cả năm chỉ mỗi một lần Tết tiếc gì một, hai ngày nghỉ…
Thưa các anh chị, tôi chưa thấy đất nước nào nhiều ngày lễ, Tết như Việt Nam. Hầu như bất cứ tháng nào cũngcó 1, 2 ngày lễ. Thậm chí có những đợt lễ kéo dài đến 5 ngày. Thời gian quy định nghỉ trên giấy tờ là thế nhưng thói thường người Việt lại hay “tự thưởng”cho mình vài ngày trước lễ, rồi hậu lễ. Tôi khẳng định một điều rằng, người Việt thích chơi hơn thích làm.
Các anh chị biện minh rằng cả năm mới được một dịp nghỉ Tết thì nghỉ dài ngày cho “đã”, cho “bõ công”, thế xin hỏi 12 ngày phép của các anh, chị đâu? Chưa kể đến các dịp ma chay, cưới hỏi, vợ đẻ, con ốm… ngày nào các anh, chị cũng có cớ xin nghỉ. Đặc biệt những ngày nghỉ này lại không bị trừ vào 12 ngày phép mà Luật lao động đã quy định.
Ở phương Tây người ta quan niệm thời gian nghỉ là thời gian để người lao động xả hơi, xả stress và phục hồi sức khỏe để tái tạo lao động. Người ta nghỉ mục đích là để khi đi làm lại có thể cống hiến nhiều hơn trong công việc, làm việc tốt hơn với một tinh thần, sức khỏe tốt hơn. Nhưng người Việt đã làm gì trong kỳ nghỉ Tết?
Các năm trước, 9 ngày nghỉ Tết dài lê thê, nhà nhà người người đua nhau nhậu nhẹt, đánh bạc.
Những ngày Tết về quê, tôi sợ cảnh các thanh niên tóc tai xanh đỏ, mặt bừng bừng hơi rượu đèo năm đèo ba phóng như bay giữa đường quốc lộ. Tôi sợ vào nhà người quen, chưa kịp thấy bóng khách chủ nhà đã ngả luôn bình rượu ra giữa nhà. Nếu không uống thì bị coi là không nể nhau, không hết mình, không hòa đồng…
Hậu quả là sau Tết, số người nhập viện do ngộ độc rượu, đau dạ dày, đại tràng tăng đột biến. Nguy hiểm hơn là con số người chết, bị thương do lái xe trong tình trạng sử dung bia, rượu năm nào cũng được báo đài ra rả thông báo nhưng có bao giờ giảm?
Lấy lý do đoàn viên, trong mâm cơm Tết nhà nào thiếu cút rượu? Trong lúc “ma men” làm chủ, vì một câu nói nhức tai, anh em họ hàng sẵn sàng lao vào thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Kết quả, người đi viện, người méo mặt lên công an phường, xã. Thôi nhé, đừng lấy cớ: “Tết đoàn viên, Tết sum vầy” mà thêm ngượng ngùng!
Tôi ngao ngán trước những chiếu bạc mở ngày mở đêm mỗi dịp Tết. Các anh thỏa sức sát phạt nhau bởi ai lại bắt bớ, làm khó nhau ngày Tết. Vậy đấy! Thức đêm, thức hôm tính toán đường đi nước bước trên chiếu bạc thì còn đâu ra sức để sau Tết đi làm?
Người phương Tây nghỉ Lễ bằng cách đi du lịch, thăm thú gia đình còn người Việt lại bày các trò tiêu khiển (đa phần là tiêu cực) cho hết ngày.
Kết quả, sau các dịp Lễ Tết tình trạng người lao động uể oải ùn ùn quay lại thành phố. Không chỉ thế, nhiều người còn lên muộn, hoặc cố nán lại quê để ăn nốt Rằm tháng Giêng. Hậu quả là sau Tết giao thông ùn tắc, công việc đình trệ, các chủ doanh nghiệp phải khóc ròng.
Không những thế, cánh chị em phụ nữ và cả cánh đàn ông còn tự thưởng luôn cho mình một tháng đầu năm bởi “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Các cô, các chị, các anh rủ nhau ăn cắp thời gian công sở để lên đình, lên chùa.
Không mê tín thì lại lập hội này, hội nọ du xuân, chúc Tết. Hết nguyên tháng Giêng, người lao động của cả một đất nước mới bừng tỉnh để bắt tay vào công việc của một năm mới. Thế lấy đâu ra tiềm lực để vươn kịp các nước tiên tiến đã bỏ chúng ta một đoạn dài?
Chúng ta là một đất nước còn nghèo, người ta nói “người nghèo thích ăn, người giàu thích làm” có lẽ cũng là vì vậy.
Tôi thấy không có lý do gì một đất nước còn nhiều khó khăn, thay vì tăng cường lao động, làm giàu lại cò kè bớt 1, 2 ngày làm để ăn chơi, hưởng thụ. Tôi nói thế mà bạn vẫn muốn nghỉ Tết dài ngày? Bạn lấy lý do gì để thuyết phục tôi?